Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT: Không bỏ cơ hội xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp

Hơn 1 triệu thí sinh cả nước đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, với trên 93% số thí sinh đăng ký bằng hình thức trực tuyến thành công. Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin sâu hơn vào việc tổ chức kỳ thi và tuyển sinh. Thống kê cũng cho thấy số thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội cao hơn hẳn.

Phụ huynh, thí sinh nghe thông tin tư vấn tuyển sinh diễn ra đầu tháng 5/2022 tại ĐH Bách khoa Hà Nội

Trên 55% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội

Theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, trong số trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi thành công, có gần 60.000 thí sinh tự do (5,87%). Số thi sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa sử dụng kết quả xét tuyển đại học chiếm trên 85,87%. Trong khi có trên 10% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, khoảng 4% số thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả xét tuyển.

Theo thống kê, số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH, gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) vượt trội hơn hẳn số đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN, gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học). Cụ thể có trên 55% thí sinh đăng ký bài thi KHXH, trong khi chỉ có trên 31% số thí sinh đăng ký bài thi KHTN. Có khoảng 9-10% số thí sinh chỉ đăng ký dự thi các môn thành phần của các bài thi tổ hợp - đây là những thí sinh đã tốt nghiệp THPT, dự thi để lấy kết quả của một số môn thi xét tuyển đại học, cao đẳng.

Chia sẻ từ một số trường THPT cũng cho thấy thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp KHXH nhiều hơn, có nơi gấp 2-3 lần. Đây là một trong những dữ liệu phản ánh các môn KHXH, trong đó có môn Lịch sử không yếu thế trong việc lựa chọn của thí sinh. Theo cô Ngô Thị Thành, Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), trường có 187/279 học sinh lớp 12 đăng ký bài thi tổ hợp KHXH (chiếm 67%).

Nhiều trường có truyền thống học ban A (các môn KHTN) nhưng số liệu đăng ký thi cũng cho thấy không có sự chênh lệch quá lớn giữa số lượng đăng ký 2 bài thi tổ hợp. Ví dụ trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp, con số đăng ký bài thi KHTN và KHXH là 313/306.

Theo phân tích của một số hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội thì trong số thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHXH có khoảng 30-40% sử dụng kết quả thi các môn Lịch sử, Địa lý để xét tuyển đại học theo những tổ hợp xét tuyển có các môn này. Số còn lại chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT, còn sẽ sử dụng nhóm các môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) để xét tuyển đại học hoặc xét tuyển đại học bằng các phương thức khác.

Nên đăng ký cả 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học

Chị Lê Hồng Thanh (Q.Hà Đông, Hà Nội) cho biết con chị đang học trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Giống phần lớn học sinh trong lớp, con chị vẫn đăng ký dự thi để tận dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

"Kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đang được sử dụng cho hơn 70 trường xét tuyên đại học nhưng đây là phương thức thi mới, đề khá khó. Nhiều học sinh thi mấy đợt điểm vẫn thấp. Con tôi cho biết nhiều bạn trong lớp chuyển sang các phương thức có lợi thế hơn như chứng chỉ tiếng Anh (điểm IELTS, SAT) và điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này tôi ủng hộ con vì cho dù có nhiều phương thức cũng không nên bỏ qua cơ hội sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển", chị Hồng Thanh cho biết.

Cũng có quan điểm tương tự, cô giáo Bùi Thanh Nga có con dự thi tốt nghiệp THPT năm nay cho biết: "Con có chứng chỉ Tiếng Anh với điểm IELTS 8.0 rồi. Với mức này, có nhiều cơ hội xét tuyển vào các trường tốp đầu. Nhưng quan điểm của tôi là không bỏ sót cơ hội. Vì muốn hay không, con vẫn phải thi để xét tốt nghiệp. Vì thế trong đăng ký dự thi không nên chỉ đăng ký xét tốt nghiệp mà nên đăng ký cả 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Biết đâu sau khi thi xong, con có những nguyện vọng phù hợp sử dụng phương thức xét tuyển này. Tôi cũng khuyên học sinh của tôi nên như vậy", cô Nga cho hay.

* Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT): Với tỷ lệ 85% thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa sử dụng kết quả xét tuyển đại học cho thấy phương thức xét tuyển truyền thống vẫn được đa số thí sinh sử dụng. Mặc dù năm 2022 có tới 20 phương thức xét tuyển đa dạng.

* Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT): Hầu hết các trường đại học, và cao đẳng sư phạm mầm non (thuộc Bộ GD&ĐT quản lý) vẫn áp dụng phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/dang-ky-du-thi-tot-nghiep-thpt-khong-bo-co-hoi-xet-tuyen-bang-diem-thi-tot-nghiep-20220523152121995.htm