Khó khăn đến từ thị trường bất động sản
Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong những năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM bị sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở.
Đà sụt giảm này có thể thấy rõ qua từng năm. Nếu như năm 2017 TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án, công nhận chủ đầu tư 44 dự án, chấp thuận đầu tư 83 dự án, cấp phép xây dựng 69 dự án nhà chung cư, thấp tầng; năm 2018 chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án, công nhận chủ đầu tư 19 dự án, chấp thuận đầu tư 59 dự án, cấp phép xây dựng 53 dự án; thì 9 tháng năm 2019 chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Ngoài ra, trong 9 tháng năm 2019, TP.HCM không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư; chấp thuận đầu tư 12 dự án, giảm 72% và cấp phép xây dựng 24 dự án, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng theo HoREA, trong 9 tháng qua, ngoài các doanh nghiệp BĐS, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30 - 50% số lượng hợp đồng xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong 9 tháng năm 2019, các doanh nghiệp sản xuất tổng cộng gần 18,84 triệu tấn thép, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng bán hàng đạt 17,31 triệu tấn, tăng 8,5%; trong đó xuất khẩu thép đạt gần 3,55 triệu tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành thép tuy vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ đã chậm lại đáng kể so với một năm trước đó. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2018, khối lượng sản xuất tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017, sản lượng bán hàng tăng trưởng 23,4%, trong đó xuất khẩu tăng 31,5%.
Nhiều ông lớn lao đao
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp thép lớn như Công ty CP Thép Pomina đã sớm báo lỗ. Cụ thể, sau một thời gian dài tăng trưởng, Pomina - một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị phần thép phía Nam - bất ngờ báo lỗ 83,6 tỷ đồng trong quý I/2019. 2 quý sau đó, kết quả kinh doanh của Pomina cũng thiếu tích cực khi báo lỗ lần lượt 49,4 tỷ đồng và 119 tỷ đồng.
Hay như Công ty CP Thép Nam Kim, trong 4 quý gần đây, Nam Kim có 2 quý lãi và 2 quý lỗ. Quý lãi lớn nhất là quý II/2019 với giá trị gần 136 tỷ đồng. Quý lỗ nặng nhất là quý IV/2018 với hơn 173 tỷ đồng, đó cũng là quý thua lỗ đầu tiên của Công ty kể từ năm 2012.
Quý III/2019, Nam Kim ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 6,2 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2019, Nam Kim báo lãi 40 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những “ông lớn” như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát hay Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng đều phải đối mặt với sụt giảm lợi nhuận.
Đối với Hòa Phát, dù doanh thu quý III/2019 đạt 15.350 tỷ đồng, tăng 6,6% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.794 tỷ đồng. Trước đó, Hòa Phát cũng đã trải qua 6 tháng đầu năm sản xuất, kinh doanh không thuận với kết quả lợi nhuận sụt giảm 13% so với cùng kỳ năm 2018.
Về phía VNSteel, lợi nhuận ròng quý III/2019 giảm tới 71% so với quý III/2018, từ 145,6 tỷ đồng xuống còn 41,7 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, VNSteel báo lãi 445 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Báo cáo ngành thép của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá quặng lên đỉnh 5 năm là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành sụt giảm mạnh thời gian qua. Tuy vậy, giá quặng sắt tăng mạnh không tương xứng với tác động thực tế của nguồn cung và lực cầu. Do đó, VDSC kỳ vọng giá quặng sẽ giảm trong tương lai để phản ánh đúng lực cầu.
Bên cạnh đó, VDSC dự báo, các doanh nghiệp ngành thép đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ. Các doanh nghiệp yếu thế về quy mô, chuỗi sản xuất và tiêu thụ dễ bị đào thải trong giai đoạn khó khăn này.