Với bí quyết muốn làm chủ giỏi thì phải học cách làm nhân viên tốt, ông Ngô Bàng Long, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ Bình An đã gây dựng nên một trong hai công ty chuyên về bảo vệ lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Bắt đầu từ cuốn sách dạy làm giàu
Cho đến bây giờ, ông chủ Ngô Bàng Long vẫn cho rằng, cơ duyên với kinh doanh, với nghề dịch vụ bảo vệ của ông là một sự tình cờ. Tất nhiên, trong sự tình cờ ấy có sự đam mê làm chủ bản thân của mình.
Ngô Bàng Long kể, ngày tốt nghiệp đại học, trên chuyến tàu Hà Nội – Nghệ An, ông bị hấp dẫn bởi... cái tên của cuốn sách mà người ngồi cạnh đang cầm. “Lần đầu tôi thấy cuốn ‘Dạy con làm giàu’, tôi mượn và đọc một mạch.
Nói thật, chưa bao giờ một cử nhân như tôi có được một góc nhìn rõ ràng như vậy về con đường sự nghiệp của mình như sau khi đọc “Kim tứ đồ” của tác giả Kiyosaki”, ông Long kể.
Vậy là, 4 nhóm đi theo chiều ngược kim đồng hồ của Kiyosaki (gồm làm công ăn lương, làm tư nhân, làm chủ doanh nghiệp và đầu tư) trở thành kim chỉ nam của Ngô Bàng Long.
Ngô Bàng Long nói: “Tôi nghĩ mình sẽ đi theo con đường này, nghĩa là phải bắt đầu bằng làm công ăn lương cho dù khi đó, tôi cũng đang mơ về một sự nghiệp của riêng mình”.
Nghĩ là làm, ông Long quyết định Nam tiến để lập nghiệp. Lý do đơn giản vì câu nói truyền miệng của giới trẻ - muốn làm ăn thì phải vào Nam.
Ấy nhưng, người tính không bằng trời tính. Đồ đạc, quà cáp vừa lo xong thì có người bạn hỏi vào đó làm gì, có kế hoạch cụ thể gì không, tại sao không làm ăn ở quê, sao cứ phải vào Nam mới lập nghiệp được?...
“Tôi suy ngâm kỹ và cũng đã làm như vậy, ở lại quê hương làm việc. Nhưng công việc một lần nữa khiến tôi phải xa quê. 2 năm sau, tôi vào TP.HCM làm ở văn phòng đại diện của Công ty. Các lần dịch chuyển cho tôi nhiều bài học về kinh doanh, mở rộng các mối quan hệ với các đối tác”, Ngô Bàng Long kể lại.
Nhưng bước ngoặt lớn nhất khiến ông Long đi đúng Kim tứ đồ mà mình đã tâm huyết vài năm trước, đó là vào năm 2004, trong lần đi xin việc cho một người bạn, ông đã nhận thấy nhu cầu đang lớn rất nhanh trong dịch vụ bảo vệ. Dường như thời cơ của mình đã đến.
Ông Long nhớ lại, ông lao vào nghiên cứu về dịch vụ này. Điểm mạnh thì rõ, đó là cơ hội thị trường lớn. Nhưng đây là nghề mua rủi ro, nghề quản lý hành vi, nghề sử dụng lao động học vấn thấp, trong khi lúc làm nhiệm vụ lại có quyền hành nhất định... Nếu không khắc chế được điểm yếu về nhân sự, không đảm bảo được đạo đức nghề nghiệp của các lao động, thì không thể kinh doanh dịch vụ này.
“Tôi nghĩ mình có thể khắc chế được. Nghĩ vậy, tin vậy và dành tất cả để làm. Tôi đã cùng một số người bạn mở ra công ty bảo vệ đầu tiên. Nhưng vào việc rồi mới thấy, làm chủ không dễ như... làm nhân viên.
Chúng tôi đã khởi nghiệp bằng những con số 0, không kiến thức kinh doanh, không am hiểu thị trường, không thông tin về khách hàng... nên khó khăn chồng chất khó khăn là đương nhiên. Hợp đồng đầu tiên của chúng tôi là một hợp đồng “dựa hơi” công ty khác để bắt chước, nhưng đó cũng là bài học cho những người muốn làm chủ”, ông Long kể lại.
Dần dà khó khăn cũng qua, như các ông chủ của Công ty mong muốn. Nhưng sự khởi đầu dựa trên những nền tảng không vững khiến khi Công ty làm ăn được, mọi người lại chia rẽ.
Năm 2008, Ngô Bàng Long và những người bạn chia tay nhau. Mỗi người một ngả, nhưng Ngô Bàng Long có quyết định riêng của mình.
Công ty Dịch vụ bảo vệ Bình An ra đời với vị trí Giám đốc là Ngô Bàng Long. Có vẻ như mọi việc đang tuần tự nhi tiến với Long, đúng như Kim tứ đồ, sau làm công là làm tư nhân, làm doanh nghiệp...
Chiến lược cô đặc
Nói về việc thành lập Công ty Dịch vụ bảo vệ Bình An, Ngô Bàng Long Long kể: “Khi còn bé, tôi vẫn thường nghe bố kể về kỷ niệm 20 năm trong chiến trường Nam, Bắc với mong ước bình an để trở về. Đến giờ, mọi người vẫn nhắc tới mong muốn bình an - bình an thân thể, tài sản, bình an tâm hồn. Trong sơ đồ tháp nhu cầu của Maslow, sự bình an nằm trên nhu cầu đáy được ăn, được thở… Thương hiệu Bình An ra đời từ đó và slogan của chúng tôi là hai chữ Bình An”.
Để phát triển công ty, việc đầu tiên ông Long thực hiện giải quyết các yếu huyệt trong ngành này mà ông đã xác định rõ từ lần khởi nghiệp đầu tiên. Đó là quản lý nhân viên trên phương diện văn hóa. Ông nói, cách duy nhất để làm được việc này là người lãnh đạo phải gương mẫu để nhân viên học tập. “Đặc thù của người lao động trong ngành này là đa dạng cả về văn hóa, nhận thức và cách sống. Nếu áp đặt sẽ rất khó tạo được một phông văn hóa chung. Chúng tôi đã quyết định gây dựng văn hóa của người lao động trong công ty bằng cách đưa văn hóa gia đình vào làm nền tảng. Mọi người trong công ty sẽ như anh em trong cùng gia đình, để từ bó gắn bó với nhau, có trách nhiệm với nhau và với công việc được giao”, ông Long chia sẻ kinh nghiệm.
Đến giờ, sau 8 năm hoạt động, Ngô Bàng Long cho rằng lựa chọn chiến lược nhân sự này của mình là đúng. Thậm chí, trong các chiến lược kinh doanh của Bình An, ông Long vẫn đeo đuổi mục tiêu hướng tới người lao động, lấy nhân viên bảo vệ làm gốc, từ đó sẽ tạo nên thế mạnh cạnh tranh của Công ty.
“Trong lĩnh vực dịch vụ bảo vệ, hướng đến người lao động là hướng đến sự trường tồn. Khi người lao động thực tâm với Công ty, họ sẽ có trách nhiệm với các công việc được giao. Đây là bí quyết tạo nên sự bình an, bí quyết đi vào cốt lõi”, ông Long chia sẻ kinh nghiệm. Nhưng chọn con người làm trung tâm, nghĩa là công việc sẽ nặng nề hơn, việc kiểm soát và quản trị sẽ đòi hỏi chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn.
Trong lĩnh vực dịch vụ bảo vệ, với đặc thù về lao động trình độ thấp, thì chưa có nhiều công cụ phù hợp để làm được điều này. Ngô Bàng Long thừa nhận thực tế này. “Đây là lý do tôi chọn chiến lược đồng tâm, đào sâu, co cụm lại. Bình An đã đạt được mức phủ tại 63 tỉnh thành trên cả nước, nhưng để chuyên sâu hơn, có được sự cô đặc trong kinh doanh, để khách hàng có được những giải pháp và chất lượng tốt nhất, chúng tôi chấp nhận co cụm lại còn 40 tỉnh. Nhưng việc co cụm này chỉ trong dịch vụ, còn doanh thu phải phát triển lên”, Ngô Bàng Long cho biết.
Tu thân. Làm chủ doanh nghiệp trước hết phải là người tốt trong mọi lĩnh vực, từ gia đình, xã hội.
Trong nghề dịch vụ bảo vệ thì đòi hỏi này còn lớn hơn. Vì người đứng đầu thế nào thì nhân viên sẽ như thế.
Ông quan niệm thế nào về cạnh tranh?
Là một cuộc chiến âm thầm và khốc liệt. Bước vào kinh doanh là phải sẵn sàng cho mọi tình huống cạnh tranh. Điều quan trọng là xác định năng lực lõi của mình là gì để củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Riêng với lĩnh vực kinh doanh bảo vệ thì sao, thưa ông?
Xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp là điểm rất quan trọng.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
"Bản sao Uyên Linh" sáng tác nhạc cực chất
-
Đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu: Việt Nam sẽ ứng phó ra sao?
-
Xông hơi có chữa được COVID-19?
-
FLC sắp khởi công dự án 3.500 tỷ đồng tại Bình Định
-
Tâm Phát Jsc tìm kiếm, mở rộng hệ thống đại lý kinh doanh với các đối tác trên toàn quốc
-
Nới vay gói 30.000 tỷ, vẫn sợ `ông` ngân hàng
-
Lại tái diễn tình trạng ngân hàng “ăn trên lưng nhau”
-
Tổng Bí thư chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo TW về chống tham nhũng
-
Cập nhật mới nhất tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại 3 ngân hàng 'big four'
-
HNX: Tổng giá trị vốn hóa đạt 167.608 tỷ đồng