Khi nhậm chức, Thủ tướng Liz Truss hứa hẹn về một 'thời đại mới' cho nước Anh, nhưng chưa đầy một tháng sau, những gì diễn ra là một cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng.
Bà Truss tiếp quản Số 10 Phố Downing từ ông Boris Johnson hồi đầu tháng 9, và ngay sau đó nước Anh đón nhận một sự kiện lịch sử - sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II.
10 ngày quốc tang sau đó là quãng thời gian có phần yên ắng với chính phủ mới của bà Truss. Nhưng ngay khi nước Anh trở lại với cuộc sống bình thường, tân thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng lại khiến thị trường nổi sóng khi thông báo kế hoạch ngân sách ngắn hạn mới, theo Guardian.
Thủ tướng Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng. Ảnh: Reuters.
Trussonomics: Giảm thuế, tăng nợ công
Dường như nhằm nhanh chóng ghi dấu ấn của mình, bà Truss đã công bố một chương trình phát triển kinh tế có phần cực đoan, khi giảm bớt thuế và tăng chi tiêu công trị giá hàng chục tỷ bảng Anh. Phần lớn số tiền này sẽ bắt nguồn từ việc tăng nợ công của chính phủ.
Đây là động thái gần như trái ngược hoàn toàn với chính sách tài khóa thận trọng của đảng Bảo Thủ trong suốt 12 năm cầm quyền vừa qua.
Kế hoạch của bà Truss và ông Kwarteng bao gồm gói hỗ trợ năng lượng khổng lồ dành cho các doanh nghiệp, do họ lo sợ sẽ không thể chi trả hóa đơn tăng vọt vào mùa đông này.
Một số biện pháp gây tranh cãi cũng được công bố như cắt giảm mức thuế cho nhóm có thu nhập cao nhất (từ 45% xuống 40%), và bỏ mức trần tiền thưởng cho nhân viên ngành ngân hàng, theo CNN.
Bình thường, mỗi khi chính phủ công bố kế hoạch ngân sách mới, sẽ có một cơ quan độc lập của chính phủ Anh được gọi là Văn phòng Trách nhiệm Ngân Sách (OBR) chất vấn kế hoạch này.
Tuy nhiên, vì trên lý thuyết kế hoạch của ông Kwarteng chỉ là "ngân sách ngắn hạn" (mini-budget) chứ không phải lâu dài, nên các dự đoán của OBR đã không được công bố.
"Không công bố dự báo của OBR cũng giống như việc (chính phủ của bà Truss) nói rằng: 'Chúng tôi không quan tâm đến các con số và các phép tính", ông Jonathan Portes, nhà kinh tế học người Anh từ viện chính sách Changing Europe, nhận định.
Gói chính sách này cũng bao gồm mức giới hạn 2.500 bảng mà mỗi hộ gia đình Anh phải đóng trong bối cảnh mùa đông sắp đến và giá năng lượng tăng cao.
Kế hoạch của bà Truss và ông Kwarteng có vẻ như đã khiến cho thị trường lo lắng nhiều hơn là hào hứng. Vì ai cũng cho rằng chính phủ sẽ phải đi vay nhiều hơn để gây quỹ cho chương trình đầy tham vọng này.
Hôm 27/9, đồng bảng Anh tụt giá xuống mức thấp nhất lịch sử so với đồng USD.
Một cuộc khủng hoảng niềm tin đã xảy ra khi trái phiếu dài hạn của chính phủ Anh (tên trong ngành là gilt) gặp vấn đề về thanh khoản, cung vượt cầu vì giờ đây nó trở thành mặt hàng có tính rủi ro cao trên thị trường tài chính.
Mọi chuyện tồi tệ đến mức Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England) đã phải can thiệp, mua vào 65 tỷ bảng Anh trái phiếu chính phủ.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) (tòa nhà bên trái) trên phố Threadneedle, London. Ảnh: Nytimes.
Đây là động thái bất thường vì kể từ sau Covid-19, các ngân hàng trung ương trong đó có cả BoE đang cố gắng thắt chặt tiền tệ bằng cách bán ra trái phiếu chính phủ.
Nguyên nhân chính dẫn đến hành động này là vì BoE muốn cứu một số quỹ lương hưu, vốn sử dụng các công cụ phái sinh gắn với trái phiếu chính phủ để bảo vệ họ trước tác động của việc lãi suất giảm.
Thị trường hoảng loạn
Về dài hạn, sự thay đổi lãi suất sẽ tác động mạnh đến các quỹ lương hưu.
Khi lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm và các khoản nợ lương hưu (số tiền mà quỹ phải trả cho người nhận lương hưu trong tương lai) - sẽ giảm giá trị. Nhưng khi lãi suất giảm (giá trái phiếu tăng), điều ngược lại sẽ xảy ra, và trong trường hợp đó các quỹ lương hưu phải tìm cách tạo ra nhiều tiền hơn trong tương lai để trả cho người nhận.
Các sản phẩm phái sinh này sẽ được thiết kế để sao cho khi giá trái phiếu tăng, bên bán sẽ trả tiền cho quỹ lương hưu, còn khi giá trái phiếu giảm, quỹ lương hưu phải trả tiền cho bên bán.
Trái phiếu chính phủ Anh giảm giá khiến cho một số quỹ lương hưu bị chảy máu tiền, vì họ phải hoàn thành nghĩa vụ với bên bán sản phẩm phái sinh.
Sau sự hỗn loạn này, cả văn phòng ông Kwarteng và BoE, hai cơ quan độc lập với nhau, đã phải cùng lúc đưa ra các tuyên bố mang tính phối hợp để xoa dịu nỗi lo trên thị trường. Bộ trưởng tài chính hứa sẽ công bố chi tiết, đầy đủ hơn về kế hoạch ngân sách của mình vào ngày 23/11 tới - sớm hơn nhiều so với dự định ban đầu.
Ngân hàng Trung ương Anh thì cho biết cơ quan này "sẽ không ngần ngại điều chỉnh lãi suất nếu cần thiết". BoE tỏ ra quyết liệt trong việc giải quyết lạm phát (đang ở mức 2 con số), và cảnh báo rằng họ có thể tăng lãi suất "đáng kể".
Trong khi đó, những chấn động trên thị trường đã vươn ra ngoài khu vực trung tâm tài chính City of London. Hàng trăm giao dịch vay mua nhà thế chấp (mortgage) đã bị hủy sau khi bên cho vay muốn đánh giá lại lãi suất. Các đại lý bất động sản cũng cho biết nhiều hợp đồng đã sụp đổ vì cả người mua và người cho vay rút lui.
"Tôi cho rằng các sự kiện trong vài ngày qua đã thực sự làm tăng xác suất xảy ra trường hợp xấu nhất, đó là việc thị trường bất động sản suy thoái nghiêm trọng", nhà phân tích địa ốc Neal Hudson từ công từ tư vân BuiltPlace nhận định.
Ông Hudson cũng cho rằng số lượng giao dịch mua nhà sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, do người mua không còn đủ khả năng mua căn nhà mà họ muốn. Những người bán không thể chờ đợi sẽ buộc phải giảm giá.
Thêm vào đó, nhiều hợp đồng vay mua nhà thế chấp được thực hiện vào đầu năm 2020, khi lãi suất giảm xuống gần 0% do đại dịch. Điều này có nghĩa là nhiều người mua nhà sẽ phải đối mặt với mức lãi suất tăng cao hơn đáng kể.
Theo các thăm dò hiện tại, đảng Bảo thủ của bà Truss đang bị bỏ lại phía sau bởi Công đảng Anh, nhưng phải đến năm 2024 mới dự kiến diễn ra kỳ tổng tuyển cử tiếp theo. Ảnh: AP.
Không chỉ có thị trường, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều phản ứng tiêu cực với kế hoạch ngân sách ngắn hạn của bà Truss, thể hiện sự quan ngại của họ về những gì xảy ra ở Anh, trong bối cảnh nhiều nước phương Tây đối mặt với suy thoái kinh tế, theo Reuters.
IMF cảnh báo kế hoạch của chính phủ Anh có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội, và nói thẳng thừng rằng nước này cần "đánh giá lại các biện pháp thuế".
Một "thời đại mới" là những gì bà Truss hứa hẹn, và đúng là nó đã bắt đầu, nhưng có vẻ không giống với những gì người ta kỳ vọng.
Trong một chương trình của BBC hôm 2/10, bà Truss thừa nhận những sai lầm với kế hoạch "ngân sách ngắn hạn" gây tranh cãi của chính phủ công bố vào tuần trước nhưng bà vẫn kiên quyết tiếp tục chính sách của mình, theo CNN.
Nguồn: zingnews.vn
-
Chơi đá phong thủy, không cẩn thận sẽ 'rước họa'
-
Vàng tăng giá, 'cửa' đi lên đã sáng hơn
-
Thêm một lãnh đạo HDBank đăng ký mua cổ phiếu HDB
-
Nước cờ mạo hiểm của Chủ tịch Dolphin Plaza
-
20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước
-
Ngân hàng ngoại mạnh tay hơn trong cho vay tín chấp?
-
Không tích hợp Lịch sử vào Giáo dục công dân với Tổ quốc
-
5 smartphone giá rẻ cho người thích selfie
-
Góc nhìn của ông Viện trưởng về 4 lần “thai nghén” Luật Doanh nghiệp
-
Êm dịu và quyến rũ bất tận của mùa Thu Nhật Bản