Giống 'vải trứng' của Hưng Yên

Tác giả Nguyễn Lân Hùng và ông Nguyễn Đình Đức (phải) bên cây vải trứng.

Anh em ở tỉnh mời chúng tôi xuống để thăm một giống vải mới của địa phương tại xã Phan Sào Nam (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Thực tế khi tới thăm, anh chị em chúng tôi đều giật mình vì cả về hình dáng và chất lượng của loại quả vải này có lẽ đều cao hơn hẳn các loại vải khác…

Họ đưa chúng tôi tới vườn vải của bác Nguyễn Văn Vì ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam. Chủ nhà vui vẻ đưa chúng tôi đi thăm vườn. Những cây vải cao lớn, sum suê, quả trĩu trên cành, màu đỏ rực. Tôi cũng đã đi hầu hết các vùng trồng vải của cả nước. Nhưng chỗ này, có lẽ là nơi tôi yêu thích nhất…

Quả vải ở đây to hơn vải nơi khác, màu đỏ thẫm. Trên núm quả có 2 mấu lồi nho nhỏ nằm đối diện hai bên cuống. Có lẽ đó là đặc điểm ngoại hình dễ nhận nhất khi so với các giống vải khác.

Anh Nguyễn Đình Đức – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã hồ hởi chia sẻ với chúng tôi những điểm ưu việt của giống vải này. Anh là một con người đầy nhiệt huyết, hoạt bát, năng nổ. Anh đã từng làm 2 nhiệm kỳ ở vị trí chủ tịch xã. Nay anh lưu chuyển sang công tác bên Đảng. Anh bóc một quả vải và chỉ cho tôi những ưu việt của nó.

Trước hết tôi thấy, khi bóc vỏ quả vải này ra, ta không thấy nước dính ra tay (trong lúc các loại vải khác khi bóc là nước trào ra ướt hết tay). Múi vải dày, màu trong ngà, trông rất hấp dẫn. Nhưng khi cắn vào quả vải thì bên trong lại mọng nước, thơm và ngọt lừ. Tôi vừa thưởng thức vừa nhắm mắt để phân biệt hương vị. Một giống vải tuyệt vời, rất ngon…

Các anh ở xã đưa tôi ra thăm cây vải tổ của địa phương. Đây chính là cây đầu dòng mà ông cha đã giữ lại. Nó đã có trên 100 tuổi. Trên cây vẫn còn đầy quả. Quả rất thơm, ngon. Trước đây, vị trí của cây nằm ngay bên vệ đường.

Nhưng để bảo vệ cho nó được lâu bền, huyện và xã quyết định giải tỏa khu vực xung quanh để dành riêng một khoảnh đất rộng cho cây vải này. Họ đã xây bờ bao xung quanh cây và chú ý chăm sóc cho nó. Đây đúng là vốn quý cho xã và có lẽ sẽ là của cả tỉnh nữa. Bà con đặt cho nó cái tên là “vải trứng” vì quả của nó to như quả trứng. Nhấc chùm vải lên, trông thật sướng mắt.

Cùng với thời gian thu hoạch sớm, ưu điểm vượt trội của vải trứng là khi chín, vỏ mỏng có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát, quả to như quả trứng gà, trọng lượng mỗi kg từ 20 - 22 quả. Ảnh: Hưng Giang.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, từng địa phương phải cố gắng tìm ra các sản phẩm có thế mạnh cho vùng mình. Có lẽ “vải trứng” sẽ là sản phẩm xứng đáng nhất cho vùng này để thành sản phẩm OCOP cho bà con nơi đây.

Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã thành chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Từng địa phương phải cố gắng phát huy hết tiềm năng để chọn ra những đối tượng nhiều triển vọng và có hướng đi vững chắc.

Có lẽ bài học của Sơn La là một ví dụ điển hình. Từ một tỉnh xếp vào loại cuối bảng nhưng do chuyển đổi sang sản xuất cây ăn quả, Sơn La đã vươn lên đứng thứ nhì cả nước về diện tích cây ăn quả. Nhưng khi chúng tôi lên làm việc với Tỉnh ủy và UBND tỉnh, họ vẫn cân nhắc, chưa thỏa mãn với những việc đã làm được. Sơn La còn đang tiếp tục tìm kiếm những đối tượng cây trồng bền vững hơn, hiệu quả hơn. Họ đã nghĩ tới việc mở rộng diện tích trồng mắc ca và một số cây lâm nghiệp đa tác dụng khác nữa…

Một người bạn Đức nói với tôi, ông rất thích 2 loại quả ở Việt Nam là quả na và quả vải. Có lẽ, thị trường châu Âu còn hơi xa với chúng ta. Làm cách nào để hoa quả nước mình sẽ đưa được nhiều hơn tới các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và các nước vùng Tiểu Á…

Các vùng đã trồng vải hoặc những nơi dự kiến sẽ trồng vải xin hãy đến Phù Cừ của Hưng Yên để tìm hiểu thêm về giống “vải trứng” ở đây. Tôi tin rằng, mọi người sẽ rất hài lòng khi được xem và nếm thử giống vải này.

Tôi cứ nghĩ, Bắc Giang, Hải Dương có thể xây dựng được những vùng trồng vải rộng lớn thì tại sao Hưng Yên và một số tỉnh khác lại không làm được!? Đây chính là vấn đề mà tỉnh nên để tâm tới. Ta có thể tổ chức sản xuất hàng nghìn héc-ta tại Hưng Yên hoặc một số tỉnh khác để trồng giống vải chất lượng này được không?

Để tiện thông tin, bà con có thể đến xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên để tham quan giống vải mới, hoặc gọi điện thoại trực tiếp cho anh Đức (0946208037) và đề xuất các nguyện vọng riêng.

Nguồn Nông Nghiệp