Google đình chỉ dịch vụ 'Google Translate' tại Trung Quốc

Từ ngày 1/10, hàng chục triệu khách hàng ở Trung Quốc đại lục đã không thể sử dụng chức năng Google Dịch. Giới quan sát cho rằng điều này đánh dấu sự rút lui tiếp theo khỏi thị trường Trung Quốc của Google.

Từ ngày 1/10, Google đã chấm dứt dịch vụ Google Dịch trên toàn Trung Quốc đại lục (Ảnh: SCMP).

Mạng tin tức công nghệ TechCrunch là nơi đầu tiên đưa tin này. TechCrunch sáng sớm ngày 1/10 chỉ ra rằng app Google Dịch (Google Translate) đã đóng cửa quyền truy cập ở Trung Quốc và người dùng khi truy cập trang “translate.google.cn” đều được chuyển hướng đến thanh tìm kiếm thông thường và đề xuất truy cập trang phiên bản Hồng Kông của ứng dụng này.

Tuy nhiên, phiên bản Hồng Kông của Google Dịch vẫn bị tường lửa của Trung Quốc chặn; điều này có nghĩa là người dùng Trung Quốc sẽ không thể sử dụng chức năng Google Dịch nếu họ không vượt qua tường lửa Greatwall.

Thay đổi này được cho là ảnh hưởng đến KOReader, một trình xem tài liệu, cũng như tính năng dịch tích hợp của Chrome.

Trong một email gửi cho với TechCrunch, Google nói rằng họ ngừng cung cấp Google Dịch ở Trung Quốc vì "tỷ lệ sử dụng thấp".

Ứng dụng Google Dịch là một trong những dịch vụ cuối cùng còn sót lại của Google ở Trung Quốc. Việc ứng dụng này chấm dứt hoạt động ở Trung Quốc đánh dấu sự rút lui khỏi thị trường internet lớn nhất thế giới của người khổng lồ công nghệ này của Hoa Kỳ.

Tờ South China Morning Post ngày 3/10 cho rằng Google Dịch vẫn có số lượng người dùng lớn ở Trung Quốc, mặc dù một số công ty công nghệ của Trung Quốc như Baidu cũng cung cấp dịch vụ dịch thuật. Trích dẫn dữ liệu từ nền tảng phân tích trang web Similarweb, South China Morning Post cho biết chỉ trong tháng 8/2022, trang web Google Dịch ở Trung Quốc đã có 53,5 triệu lượt truy cập.

South China Morning Post cho rằng việc ngừng ứng dụng Google dịch thuật ở Trung Quốc phản ánh lịch sử quan hệ phức tạp của Google với chính phủ Trung Quốc.

Vào tháng 1 năm 2010, Google đã đóng cửa phiên bản tiếng Trung của chức năng tìm kiếm web do Trung Quốc tăng cường kiểm duyệt nội dung và xuất hiện các cuộc tấn công mạng có chủ đích. Giới quan sát cho rằng, việc Google rút khỏi Trung Quốc cũng trở thành sự kiện lớn thu hút nhiều sự chú ý nhất của cư dân mạng trong năm đó.

Vào ngày 31/5/2014, chính quyền đã chặn hoàn toàn các dịch vụ của Google Search ở Trung Quốc đại lục và người dùng ở đại lục cũng không còn có thể truy cập vào trang web Google Hồng Kông. Ngoài ra, nhiều dịch vụ của Google như Gmail cũng dần trở nên khó truy cập ở Trung Quốc đại lục. Hai chức năng còn lại do trang chủ của Google.cn cung cấp là dịch thuật (Google Translate) và bản đồ (Google Map), vẫn tiếp tục hoạt động với sự chấp thuận của các cơ quan chức năng cho đến khi chúng bị đóng cửa.

Đến nay, Google đã rút hầu hết toàn bộ dịch vụ khỏi Trung Quốc đại lục(Ảnh: Getty).

Các nhà chức trách Trung Quốc sau đó đã chặn các dịch vụ của Google như Google Map, Google Dịch, Gmail…trên toàn Trung Quốc đại lục. Nhưng vào tháng 3/2017, Google Dịch đã được hoạt động trở lại ở Trung Quốc sau 7 năm vắng bóng. Sau đó có tin đồn rằng Google có thể quay trở lại Trung Quốc.

Vào tháng 7/2018, một tháng sau khi Google đầu tư 550 triệu USD vào Công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, Google đã cho ra mắt trò chơi nhỏ trên nền tảng WeChat.

Vào cuối năm 2018, ông Sundar Pichai. Giám đốc điều hành Google thừa nhận rằng công ty đang xây dựng một ứng dụng tìm kiếm cho thị trường Trung Quốc, nhưng cho biết kế hoạch này đang ở giai đoạn đầu.

Người ta nói rằng phiên bản kiểm duyệt của công cụ tìm kiếm này, được gọi là "Dragonfly", được phát triển riêng cho Trung Quốc đại lục, có thể chặn các từ bị chính quyền Trung Quốc coi là nhạy cảm...

Sau khi tin này được đưa ra, đã ngay lập tức gây ra phản ứng dữ dội. Cuối cùng, do sự phản đối mạnh mẽ của nhiều bên, cũng như sự phản đối tập thể và từ chức quản lý của đội ngũ bảo mật của Google, "Dự án Dragonfly" này đã bị hủy bỏ.

Hiện tại, Google vẫn giữ các dịch vụ như quảng cáo, cộng đồng nhà phát triển và cộng đồng người sử dụng Android ở Trung Quốc, nhưng những dịch vụ này chủ yếu để hỗ trợ các nhà phát triển và khách hàng của Google ở đây.

Nguồn: viettimes.vn