Sẽ dùng ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước?

Dù nhiều lần được khẳng định không dùng ngân sách giải quyết nợ xấu nhưng báo cáo mới đây của Chính phủ gửi lên Ủy ban thường vụ Quốc hội có đề cập tới nội dung này. 

 

Sẽ dùng ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước?

Trong báo cáo về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ trình lên Ủy banThường vụ Quốc hội mới đây bất ngờ có kiến nghị xem xét dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước.

Về con số nợ xấu của riêng khối doanh nghiệp nhà nước, trích dẫn số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trong một báo cáo công bố hồi cuối năm 2013 cho thấy, đến cuối 2012, nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước (chưa tính Vinashin) chiếm 11,8% tổng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng và 5% dư nợ đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Theo ước tính, nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp Nhà nước năm 2012, bao gồm các khoản của Vinashin sẽ vào khoảng 44.750 tỷ đồng.Các khoản nợ xấu này cũng được đánh giá là rất khó giải quyết vì vậy, các khoản nợ mà các doanh nghiệp Nhà nước vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn...

Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức cao 54,9% GDP cuối năm 2011, và thâm hụt ngân sách trong năm 2012 tăng trở lại mức 4,8% GDP từ mức 4,4% GDP năm 2011, thì khả năng hỗ trợ của ngân sách để giảm nợ cho khu vực Nhà nước sẽ vô cùng khó khăn. "Điều này hàm ý rằng việc giải quyết nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ thực sự là một bài toán nan giải đối với Việt Nam", Ủy ban Giám sát từng nhận định.

Trên bình diện chung về bức tranh nợ xấu, theo báo cáo mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, trong 3 năm qua đã xử lý được 249 nghìn tỷ nợ xấu. Nếu so với con số nợ xấu vào tháng 9 năm 2012, thời điểm xây dựng Đề án xử lý nợ xấu thì con số tuyệt đối về nợ xấu lúc đó là 464 nghìn tỷ. Với con số đã xử lý nợ xấu trong 3 năm qua là hơn 249 nghìn tỷ, tương đương khoảng 53,6% con số nợ xấu đã phát sinh tại tháng 9 năm 2012.

Theo Thống đốc, dựa vào kinh nghiệm của thế giới nợ xấu được xử lý bằng ba con đường chủ yếu là: nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng; nguồn các bên vay ngân hàng có điều kiện kinh tế được cải thiện hơn, trả nợ cho ngân hàng để xử lý nợ xấu; và nguồn thứ ba là Chính phủ đứng ra để xử lý nợ xấu, trong trường hợp Việt Nam là Công ty quản lý tài sản VAMC.

Với công cuộc giải quyết nợ xấu nói chung cũng như với hoạt động của riêng VAMC, ngay từ đầu, nhiều quan chức lãnh đạo trong ngành ngân hàng đều khẳng định sẽ không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Mới đây nhất, trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhắc lại, hoạt động mua bán nợ của VAMC đã có chủ trương không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, nên đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam với nước ngoài.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng nói thêm rằng, tại các nước, thống kê trong các lần khủng hoảng vừa qua kể cả khủng hoảng Châu Á năm 1996, 1998 đến khủng hoảng tài chính kinh tế vừa qua của thế giới thì các nước đã sử dụng trung bình khoảng 20-30% GDP của mình để xử lý nợ xấu. Cá biệt có những nước xử lý 60-70% GDP. Ở những nước ít bị ảnh hưởng nhất người ta cũng dùng 7-10% của GDP để xử lý nợ xấu.Ở nước chúng ta không có 1% nào.

"Do vậy, chúng tôi cho rằng và chúng tôi cũng trao đổi với nhiều tổ chức tiền tệ quốc tế thì họ cho rằng trong bối cảnh đó của Việt Nam thì mô hình VAMC là mô hình chấp nhận được, còn các ông tiếp tục làm việc với Chính phủ, làm việc với cơ quan Chính phủ Việt Nam để có thêm các nguồn lực giúp cho vấn đề này", Thống đốc nói.

Hiện phía NHNN cũng đang đề xuất với Chính phủ để nâng cao thêm năng lực tài chính cho VAMC bằng cách tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Dù vậy, theo Thống đốc, từ mức hiện nay vốn điều lệ có 500 tỷ đồng so với mức 800 nghìn tỷ đồng mà VAMC đã mua thì chúng ta thấy rằng năng lực tài chính của VAMC là hết sức yếu kém.

"Về cơ bản Chính phủ nhất trí, nhưng 2000 tỷ đồng so với con số chúng tôi dự kiến từ năm nay đến năm sau mà VAMC sẽ mua nợ xấu cỡ khoảng 200 ngàn tỷ đồng, thì 2000 tỷ đồng so với 200 nghìn tỷ đồng cũng là một con số hết sức nhỏ bé. Chúng tôi cũng biết rằng đất nước chúng ta còn vô vàn khó khăn, ngân sách phải chi tiêu vào nhiều mục tiêu cũng hết sức cấp thiết. Do vậy, việc sử dụng ngân sách trong giai đoạn hiện nay chúng tôi cũng không giám đặt ra", ông Bình nói.

Nguồn Dân trí

{fcomment}