Hà Nội bất ngờ công bố bản đồ sân bay Miếu Môn ở Đồng Tâm

Bản đồ phạm vi quản lý đất sân bay Miếu Môn, được xác lập từ năm 1992

Thanh tra Chính phủ và UBND TP. Hà Nội hôm 27/8 đã tổ chức hội nghị thông tin đến các cơ quan báo chí về kết luận thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, vì kết luận này chưa đạt được sự đồng thuận cao nên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan tổ chức thông tin cho các cơ quan báo chí để làm rõ hơn về nội dung này.

Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ, tại sân bay Miếu Môn sắp tới sẽ tiến hành xây dựng công trình thuộc Bộ Quốc phòng. Các công trình được bảo vệ bằng tường rào, đã xây dựng đáng kể và còn 2,6km nữa cần hoàn thành.

"Các chứng cứ pháp lý và diễn biến khách quan gần 40 năm khẳng định phần diện tích đất xã Đồng Tâm bàn giao cho quân đội chỉ là một phần trong diện tích 236,7ha là đất quốc phòng", Phó tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Các cơ quan chức năng đã trình chiếu bản đồ phạm vi quản lý đất sân bay Miếu Môn, được xác lập từ năm 1992. Sau quá trình bàn giao, cắm mốc, tiếp quản quản lý suốt những năm 1980 đến năm 1992 các bên liên quan đã lập bản đồ, có chữ kí của lãnh đạo UBND các xã giao đất cho đơn vị quân đội. 57 cột mốc đã được kiểm định cơ quan chuyên môn.

Nêu những phức tạp về vụ việc, Phó tổng Thanh tra cắt nghĩa, thời điểm 1980 chỉ có 5 hộ, sau đó mua bán chuyển nhượng trái phép thành 14 hộ. Trong số những hộ này không có hộ của ông Lê Đình Kình và những người đồng quan điểm với ông Kình. Nơi gia đình ông Kình ở hoàn toàn cách xa diện tích đất thuộc phạm vi sân bay.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, theo quy định của pháp luật Việt Nam, ông Lê Đình Kình là người không có quyền và lợi ích hợp pháp tại khu vực sân bay Miếu Môn. Cho nên, ông Kình không có quyền khiếu nại kết luận của thanh tra vì không phải đối tượng của cuộc thanh tra. Đối tượng của cuộc thanh tra là chính quyền các cấp của TP. Hà Nội, các hộ sử dụng đất. Đối tượng này không có ông Kình, nên ông không có quyền khiếu nại thông báo của Thanh tra Chính phủ.

Theo quy định pháp luật Việt Nam, ông Lê Đình Kình có hai quyền: quyền phản ánh và có quyền tố cáo theo Luật Tố cáo về các sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn nói chung.

Thông tin về 14 hộ dân thuộc khu vực bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết 14 hộ dân đang sinh sống có độ đồng thuận cao phương án mới và sẵn sàng di dời khu đất sân bay.

Trả lời câu hỏi vì sao tại buổi trao đổi thông tin Hà Nội mới công bố công khai về bản đồ, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong quá trình tiến hành thanh tra, đã tìm ra nguồn gốc bản đồ của các thời kỳ, qua nắm bắt nguyện vọng người dân và dư luận, thành phố nhận thấy cần thiết cần trưng bày để người dân nắm rõ được bản đồ tại khu vực Miếu Môn, xã Đồng Tâm.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra tính xác thực của kết luận, ông Chung khẳng định Thanh tra Chính phủ đều tiến hành kiểm tra thực địa có sự tham gia của người dân và chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

“Sự tồn tại của 57 cột mốc bê tông từ năm 1991 đến nay đã khẳng định khu vực sân bay Miếu Môn được Bộ Quốc phòng và chính quyền thực hiện nghiêm túc, công khai”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2019, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, khi đề cập đến vụ sân bay Miếu Môn, đại biểu Dương Trung Quốc cho hay, "từ thời thượng cổ khi nói về đất đai bao giờ cũng đi kèm với bản đồ", trong khi bản đồ liên quan đến vụ này đều dựng lại từ giai đoạn 2013-2014.

Ông Quốc cũng cho rằng Thanh tra chính phủ đã khẳng định kết quả thanh tra của TP. Hà Nội trước đó là đúng, những người tố giác không chính xác song những người dân Đồng Tâm có kiến nghị đã không được lấy ý kiến. Nhà sử học đề nghị Chính phủ nhìn nhận sự việc một cách hết sức khách quan.


Nguồn: Báo Vietnam Finance