Khi doanh nghiệp lưu manh hóa trách nhiệm pháp nhân

 Trong những tranh chấp về tài sản giữa khách hàng và các DN, trách nhiệm của pháp nhân đến đâu, cá nhân làm sai chịu trách nhiệm đến đâu, quyền lợi của khách hàng được đảm bảo như thế nào?

Khi doanh nghiệp lưu manh hóa trách nhiệm pháp nhân

Trao đổi với ĐTCK, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phụng, thành viên Ủy ban Tư pháp thuộc Quốc hội cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn, tranh chấp có xu hướng tăng lên. Mỗi một tranh chấp cần phải xem xét đầy đủ hồ sơ, chứng cứ mới có thể đưa ra nhận định trách nhiệm thuộc về ai. Không phải lúc nào lỗi cũng thuộc về DN, bởi trong nhiều trường hợp chính khách hàng cũng “vượt rào”, tham gia các giao dịch chưa được pháp luật thừa nhận dẫn đến thiệt hại.

Ông Phụng cho biết, nếu nhân viên đại diện cho pháp nhân thực hiện công việc mà có sai phạm dẫn đến thiệt hại tài sản của khách hàng (ở đây phải nhấn mạnh là giao dịch của khách hàng phải hợp pháp, không có “khuất tất” gì), thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm.

Ví dụ, khách hàng đến ngân hàng gửi tiền và nhận sổ tiết kiệm hợp pháp do ngân hàng phát hành, sau đó nhân viên ngân hàng lợi dụng kẽ hở quản lý để biển thủ số tiền của khách hàng, thì trách nhiệm thuộc về pháp nhân.

Nhưng nếu nhân viên của pháp nhân tham gia giao dịch với tư cách cá nhân hoặc khách hàng móc ngoặc với nhân viên của pháp nhân để tham gia giao dịch “ngoài luồng” thì không thể ràng buộc trách nhiệm cho pháp nhân. Chẳng hạn, nhân viên ngân hàng huy động tín dụng trên thị trường “đen” với hứa hẹn trả lãi suất cao, sau đó vỡ nợ, thì đó không thể coi là trách nhiệm pháp nhân.

“Trong nền kinh tế thị trường rộng mở, độ hòa nhập với kinh tế thế giới ngày càng tăng, thì chúng ta phải tuân theo thông lệ quốc tế. Những thông lệ đó đã được tiếp nhận và phần nào luật hóa. Về phần khách hàng, cần cẩn trọng, giao dịch tại trụ sở, nơi làm việc của pháp nhân, tránh tình trạng hợp đồng bị vô hiệu khi được ký ở những địa điểm bên ngoài, với giấy tờ, chữ ký và con dấu có thể bị làm giả”, ông Phụng nói.

Theo ông Phụng, khách hàng cũng không nên tùy tiện nhờ hoặc ủy quyền bằng miệng cho nhân viên của pháp nhân thực hiện hộ một số giao dịch, tránh tình trạng bị lợi dụng tài khoản, dẫn đến nguy cơ rủi ro rất cao, mà khi có tranh chấp cũng chưa chắc khách hàng đã đúng hoàn toàn, bởi việc ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật mới được thừa nhận. Bản thân khách hàng cần có ý thức bảo vệ tài sản của mình khi tham gia các giao dịch hợp pháp, không “móc ngoặc” với nhân viên để lách luật.

Thực tế, trong nhiều vụ án kinh tế vừa qua, có nhiều cách áp dụng luật đã được thực hiện để cho pháp nhân thoái thác trách nhiệm diễn ra phổ biến, công khai.

Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có lẽ một phần là do có nhiều nguyên lý tưởng như không cần phải giải thích hóa ra lại có nhiều cách giải thích khác nhau, có nhận định tưởng là chỉ có một chiều hóa ra lại có hai chiều, có cái đúng thành sai, có cái sai thành sai tệ hơn nữa.

Ông Hải cho biết, một nguyên tắc cơ bản đã được luật hóa là khi người của pháp nhân làm việc nhân danh pháp nhân gây ra thiệt hại thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm với thiệt hại đó, tức là bồi thường cho khách hàng, đối tác. Sau đó, pháp nhân yêu cầu nhân viên gây ra thiệt hại chịu trách nhiệm.

Thế nhưng, một pháp nhân, với ý nghĩa là một tổ chức được Nhà nước công nhận là một “con người” - con người pháp lý, trong nhiều trường hợp đã để cho nhân viên nhân danh pháp nhân thực hiện giao dịch rồi sau đó lại phủi sạch trách nhiệm, phủ nhận tư cách con người pháp lý của mình. Đáng nói hơn, một số cơ quan bảo vệ pháp luật chấp nhận điều này!

“Hậu quả là xu hướng pháp nhân thoái thác trách nhiệm ngày càng nhiều. Từ sự can thiệp vào sự tự thỏa thuận, tự xác định trách nhiệm và yếu tố then chốt trong giao dịch dân sự là tự làm tự chịu dẫn đến pháp nhân có cơ hội thoái thác trách nhiệm”, ông Hải nói và cảnh báo: “Với doanh nghiệp thoát khỏi gánh nặng trách nhiệm, mà khoản thiệt hại đáng lẽ phải gánh chịu nay không còn nữa, đó là cái lợi với doanh nghiệp. Nhưng khoản lợi đó là nguy cơ to lớn với môi trường kinh doanh, khi mà có thêm một doanh nghiệp tham gia vào đội ngũ lưu manh hóa trách nhiệm pháp nhân. Đội ngũ pháp nhân lưu manh ngày càng đông hơn và cái gì ngày càng đông, ngày càng nhiều về lượng dần dẫn sẽ chuyển hóa thành chất”.

Tác động nữa ở đây là hệ thống công bằng, bền vững của pháp lý bị lung lay đáng kể khi trong cộng đồng pháp nhân tồn tại hằng hà sa số các pháp nhân lưu manh. Yếu tố lòng tin trong kinh doanh sẽ bị suy giảm.

Trong kinh doanh, lòng tin là yếu tố chi phối quyết định, là động lực thúc đẩy các giao dịch tự do, tự thỏa thuận, muôn hình vạn trạng, đa dạng, giúp giảm bớt thời gian, tận dụng lợi thế, đem lại sự phát triển cho nền kinh tế. Nếu chính cộng đồng doanh nhân còn mất niềm tin thì nói chi đến cộng đồng đầu tư nước ngoài?

Hoàng Duy

{fcomment}