Kích hoạt quy trình báo động đỏ, nhiều bệnh nhân ở Hà Tĩnh thoát khỏi tử thần

Ngày 23/7/2019, bệnh nhân Vũ Chí Bền (68 tuổi, tỉnh Hải Dương) vào BVĐK huyện Hương Khê trong tình trạng liệt nửa người bên trái, nói ngọng, rối loạn cơ tròn. Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não diện rộng.

Nhờ quy trình báo động đỏ liên viện, bệnh nhân Vũ Chí Bền đã được cấp kíp kịp thời

Xác định đây là một ca bệnh nặng cần cấp cứu khẩn trương, bệnh viện tiến hành kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện.

Ngay khi nhận được tin, kíp bác sỹ khoa cấp cứu chống độc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã vượt gần 50 cây số về BVĐK huyện Hương Khê cấp cứu cho bệnh nhân. Sau khi thực hiện kỹ thuật “tiêu sợi huyết”, cấp cứu, bệnh nhân đã tiến triển rất khả quan, nói rõ hơn, nhận diện được người thân, sử dụng được điện thoại, tay và chân trái đã cử động tốt...

Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (BVĐK tỉnh) Nguyễn Xuân Thái cho biết: “Bệnh nhân Bền bị đột quỵ do nhồi máu não diện rộng nhưng nhờ bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ kịp thời nên bệnh nhân được cứu sống. Nếu không được cấp cứu và can thiệp tiêu sợi huyết kịp thời, bệnh nhân sẽ bị hôn mê và nguy cơ tử vong rất cao”.

Các bác sỹ Khoa Cấp cứu, chống độc (BVĐK tỉnh) hội chẩn qua hình ảnh chụp phim của bệnh nhân Vũ Chí Bền

Còn bệnh nhân Trần Thị D. và bệnh nhân Nguyễn Thị T. (trú tại TP Hà Tĩnh) vào BVĐK TP Hà Tĩnh sinh mổ. Trong quá trình mổ lấy thai, cả hai bệnh nhân đột ngột diễn biến xấu. Tuy nhiên, nhờ có sự trợ giúp kịp thời của các bác sỹ tại BVĐK tỉnh nên cả hai bệnh nhân đều được an toàn cả mẹ và con.

Đó là 3 trong nhiều trường hợp được cấp cứu thành công nhờ thực hiện kịp thời quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện. Khi quy trình báo động đỏ kích hoạt cũng là lúc bác sỹ chạy đua với tử thần bởi sự sống của bệnh nhân chỉ còn đếm ngược từng phút.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Trãi - Trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK Lộc Hà thăm khám cho bệnh nhân vừa được cấp cứu thành công nhờ quy trình báo động đỏ nội viện.

Theo bác sỹ Lê Ngọc Thắng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến (BVĐK tỉnh): “Hiện tại, BVĐK tỉnh là đơn vị chủ lực trong báo động đỏ liên viện. Khi các bệnh viện tuyến dưới kích hoạt quy trình báo động đỏ thì lập tức bệnh viện sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nguồn máu…. Trong thời gian từ 15 đến 30 phút là xuất phát để đến nơi cần hỗ trợ.

Tuy nhiên, đối với những bệnh viện ở xa như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, nên trung chuyển người bệnh đến BVĐK Đức Thọ; còn ở Kỳ Anh thì trung chuyển người bệnh đến BVĐK Cẩm Xuyên. Làm như vậy sẽ rút ngắn được thời gian, quãng đường, cơ hội cứu sống người bệnh sẽ cao hơn”.

Quy trình báo động đỏ nội viện là sự phối hợp khẩn cấp cùng lúc nhiều chuyên khoa trong bệnh viện, nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức của bệnh viện. Còn quy trình báo động đỏ liên viện là sự phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các bệnh viện với nhau, nhằm cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch cần sự phối hợp can thiệp của nhiều chuyên gia có nhiều kinh nghiệm.


Nguồn: Báo Hà Tĩnh