Lâm tặc ngang nhiên phá rừng phòng hộ ở Quảng Ngãi

Lâm tặc chở gỗ từ rừng ra. Ảnh: Nguyễn Ngọc (cắt từ clip)

Lâm tặc tấn công bảo vệ ngăn cản

Theo một bảo vệ Nhà máy thủy điện ĐăkRe (xin giấu tên), tình trạng khai thác và vận chuyển gỗ trái phép ở khu vực rừng xung quanh nhà máy diễn ra khá lâu với mức độ ngày càng tăng.Đặc biệt, từ ngày 10/8 đến nay, khi xã hội tập trung phòng chống dịch COVID-19, tình trạng này trở nên phức tạp hơn, các đối tượng hung hăng, manh động.

Cũng theo người bảo vệ, lúc 10h45 phút ngày 10/8, trong khi gác cổng ông phát hiện 3 người chở khoảng 1m3 gỗ không rõ nguồn gốc qua cổng. Ông chặn lại không cho đưa gỗ ra bên ngoài. Số người này tỏ ra rất tức giận, ném hết gỗ xuống suối rồi bỏ đi. Đến khoảng 22h30 phút cùng ngày, có một nhóm 5-7 người lợi dụng đêm tối, đứng trên đồi cao dùng cây lăn, ném đá xuống nhà bảo vệ gây hư hỏng nhiều tài sản, và liên tục chửi bới, hăm dọa bằng tiếng Hre.

“Các đối tượng này thường lợi dụng vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, khi không có kiểm lâm làm việc để khai thác gỗ trái phép. Đợi đến thời điểm tôi đi chấm công, đi ăn thì họ chở gỗ ra khỏi cổng và tẩu tán”, người bảo vệ nói.

Vào Nhà máy thủy điện ĐăkRe và khu vực rừng nơi đây chỉ có một con đường độc đạo. Để kiểm soát và bảo vệ công trình bên trong, trên tuyến đường này chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Thiên Tân đã làm cổng và chốt bảo vệ cách nhà máy hơn 1km, cử người trông coi. Tuy nhiên, các đối tượng đi vào khai thác gỗ trái phép bất chấp chốt bảo vệ này.

Theo ghi nhận của PV, chiều 18/8, khu vực mà nhóm đối tượng này khai thác gỗ trái phép nằm trong rừng sâu, cách Nhà máy thủy điện ĐăkRe chừng 2 tiếng đồng hồ đi bộ. Gỗ được các đối tượng xẻ thành từng khúc dài và đem men theo suối Gò Lăng rồi tập kết về sát nhà máy. Sau đó, các đối tượng khuân vác ra đường, dùng xe máy chở đi tẩu tán. Điều đáng nói, dù sự việc diễn ra giữa ban ngày nhưng không một cơ quan chức năng nào phát hiện xử lý.

Lâm tặc vác gỗ qua cổng nhà máy thủy điện. Ảnh: Nguyễn Ngọc (cắt từ clip)

Xác minh danh tính các đối tượng để xử lý

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Ngô Vĩnh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ thừa nhận, công tác quản lý, tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng có phần chưa triệt để. Các đối tượng thường đối phó với cơ quan chức năng bằng nhiều cách, như di chuyển nhiều đường, cử người canh gác trong lúc khai thác, khi thấy có động thì báo để cả nhóm tẩu thoát.

Theo ông Phong, địa bàn xã Ba Xa hiện là điểm nóng nhất của huyện Ba Tơ về nạn khai thác gỗ trái phép. Ngày 10/8, sau khi nhận được tin báo, lực lượng kiểm lâm xuống địa bàn, bắt giữ 8 xe máy với 18 khúc gỗ lớn, nhỏ.

“Các nhóm đối tượng trên chủ yếu là người địa phương. Họ khai thác gỗ đà (gỗ Chò chỉ) về làm nhà, diễn ra với mức độ ít và lai rai chứ không thường xuyên. Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã phối hợp với công an xã Ba Xa điều tra, xác minh danh tính các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Phong cho biết.

Cũng theo lãnh đạo kiểm lâm huyện Ba Tơ, thời gian tới Hạt Kiểm lâm huyện sẽ phối hợp với chủ rừng bố trí người vào nhà điều hành của thủy điện Đăkre để quản lý tốt hơn. Đồng thời xây dựng các kế hoạch phối hợp với chủ rừng và UBND xã Ba Xa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra trên địa bàn xã cũng như xung quanh thủy điện ĐăkRe.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khu vực khai thác gỗ trái phép ở thôn Gò Lăng, xã Ba Xa (huyện Ba Tơ) thuộc Tiểu khu 411 và 419, do Trạm quản lý bảo vệ rừng Ba Tơ - Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh làm chủ rừng. Đây là khu vực được quy hoạch là rừng phòng hộ.

Theo ông Đại, tình trạng khai thác gỗ tại khu vực này trước đó đã diễn ra nhiều lần, nhưng mức độ nhỏ lẻ. Thời gian gần đây diễn ra nghiêm trọng hơn, số lượng người tham gia đông hơn. Loại gỗ bị các đối tượng khai thác trái phép chủ yếu là Chò chỉ (thuộc nhóm III), thường được sử dụng làm đà, kèo nhà.

“Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện tại hiện trường còn 34 cây gỗ đã được cưa xẻ với quy cách 8x12cm, dài 4,2mét, khối lượng hơn 1,3m3. Chúng tôi sẽ đưa toàn bộ số gỗ này ra khỏi rừng để tránh bị tẩu tán, sớm nhất là trong tuần này”, ông Đại cho biết.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các đội kiểm lâm cơ động phối hợp với địa phương, chủ rừng tiến hành truy quét các đối tượng. Đồng thời chỉ đạo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ tăng cường trách nhiệm trên địa bàn, và xem xét trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này”.
Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi


Nguồn: Báo Tiền Phong