Lịch sử phát triển của các phiên bản Android

Android đã trải qua hơn 6 năm tồn tại và phát triển song Google đã tung ra 10 bản cập nhật lớn, tương ứng với bộ tính năng mới, vá lỗi và cải thiện đáng kể.

Khi đã trưởng thành, tốc độ cập nhật Android trở nên chậm hơn, cho phép các nhà sản xuất bắt kịp với Google. Khung thời gian dài hơn cũng giúp Google tập trung bổ sung, hoàn thiện Android, chẳng hạn về thiết kế trong Android 5.0.

Dưới đây là 10 tính năng đáng chú ý nhất qua 10 bản cập nhật Android:

1. Android 1.5 Cupcake

Android 1.5 Cupcake giới thiệu bàn phím ảo, một thứ lạ lẫm trong thời điểm 2008/2009, khi smartphone vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bàn phím cứng. Cùng với iPhone thế hệ đầu, Cupcake góp phần làm yếu thế bàn phím Qwerty.

2. Android 1.6 Donut

Android 1.6 Donut thường bị lãng quên do có lượng người sử dụng không nhiều. Những cải tiến chủ yếu của phiên bản này lại nằm ở back-end, ví dụ khả năng hỗ trợ nhiều độ phân giải màn hình khác nhau.

3. Android 2.0 Éclair

Trước Éclair, Android không hỗ trợ phần mềm đèn flash nên bạn không thể kiểm soát được nó. Ngoài ra, hệ điều hành này thời đó cũng không có hiệu ứng màu sắc, chế độ cảnh chụp, chế độ lấy nét, cân bằng trắng.

4. Android 2.2 Froyo

Hai tính năng đáng chú ý nhất trên Froyo là tốc độ và hỗ trợ hotspot Wi-Fi. Android 2.2 tích hợp bộ biên dịch Dalvik Just-in-time, cải thiện hiệu suất đáng kể, từ 2 đến 5 lần.

5. Android 2.3 Gingerbread

Android 2.3 vẫn là phiên bản Android được ưa chuộng tới ngày nay và chiếm 11% toàn bộ hệ sinh thái. Không có tính năng đặc biệt “hot” nào được bổ sung trong Gingerbread, thay vào đó là nhiều cải tiến nhỏ. Nếu phải chọn một gương mặt đại diện, đó chính là Android 2.3 đã hỗ trợ nhiều cảm biến hơn như con quay hồi chuyển, phong vũ biểu.

6. Android 3.0 Honeycomb

Honeycomb là một trong các bản cập nhật Android kém tiếng nhất và không đóng góp gì nhiều cho toàn hệ thống. Dù vậy, trước Android 3.0, hệ điều hành này trông rất kinh khủng khi dùng trên máy tính bảng.

7. Android 4.0 Ice Cream Sandwich

Giao diện “Holo” trên Android 4.0 là tính năng đột phá nhất, đẹp mắt nhất. Trước đó, giao diện Android trông đầy tẻ nhạt. Nhiều yếu tố giao diện trong Ice Cream Sandwich vẫn còn được dùng trong năm 2014.

8. Android 4.1 Jelly Bean

Android 4.1 cũng là phiên bản xuất sắc và nổi bật nhất ở trợ lý ảo Google Now. Không chỉ cung cấp câu trả lời nhanh về mọi thứ, Google Now còn nhận biết được hoàn cảnh, mang đến các thẻ thông tin liên quan theo ngày và giờ. Chẳng hạn, khi rời văn phòng lúc 5 giờ chiều mỗi ngày và bạn đã lưu địa điểm công ty, nhà riêng, Google Now tự động chỉ đường, thời gian dự tính về đích.

9. Android 4.4 KitKat

Với KitKat, Google không chỉ hiện đại hóa giao diện mà còn hỗ trợ phần cứng cấu hình thấp. Ngay cả thiết bị RAM 512MB cũng có thể chạy mượt KitKat. Đây là tính năng quan trọng do khi phân khúc cao cấp ngày càng bão hòa, Google cần chú ý nhiều hơn đến thiết bị bình dân, chuẩn sức mua lớn từ các nước đang phát triển.

10. Android 5.0 Lollipop

Không nghi ngờ gì khi nói Android Lollipop là một trong các phiên bản Android đẹp mắt nhất nhờ triết lí thiết kế Material Design mới. Trong Lollipop, các biểu tượng phẳng hơn, giàu màu sắc hơn trước đó. Dù vậy, vào thời điểm bài viết, ngoài lập trình viên, chưa người dùng nào được nâng cấp Android 5.0.

Theo GDTĐ

{fcomment}