Xét xử nguyên cán bộ ngân hàng làm giả sổ tiết kiệm

Nguyên phó phòng quan hệ khách hàng của HDBank đã bị đưa ra xét xử vì thuê làm giả 80 thẻ tiết kiệm, chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng. Trong vụ việc này, Ngân hàng đã phải trích phần tiền tạm ứng để chi trả cho khách gửi tiền cả gốc và lãi.

Xét xử nguyên cán bộ ngân hàng làm giả sổ tiết kiệm

Sáng 16/9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử nguyên Phó phòng quan hệ khách hàng của HDBank vì tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Tháng 8/2013, ông Trịnh Hữu Thắng (trú tại 31 Quang Trung, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) có nhu cầu đổi ngân hàng gửi tiền tiết kiệm.

Thông qua con gái, ông Thắng đã đến gặp Vũ Thanh Tùng (SN 1982, trú tại 12/24, tổ 6, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) để gửi tiền. Tùng khi đó là Phó phòng quan hệ khách hàng cá nhân của HDBank – chi nhánh Hoàn Kiếm.

Tùng đã hướng dẫn ông Thắng mở tài khoản cá nhân tại HDBank để gửi tiền đến rồi Tùng sẽ làm thẻ tiết kiệm cho ông Thắng.

Sau đó, ông Thắng đã chuyển hơn 4,7 tỷ đồng từ Ngân hàng Dầu khí toàn cầu về HDBank và đề nghị Tùng gửi tiết kiệm 3,5 tỷ đồng kỳ hạn 3 tháng, hơn 700 triệu đồng còn lại trả cho con gái ông.

Ông Thắng rất yên tâm vì Tùng đã giao thẻ tiết kiệm và trả tiền cho con gái ông đúng như yêu cầu.

Và đến kỳ đáo hạn, ông Thắng đến HDBank rút tiền. Nhưng sau khi cán bộ ngân hàng kiểm tra đã thông báo với ông tin động trời, hóa ra đây là thẻ tiết kiệm giả!

Sau này, cơ quan điều tra làm rõ, lúc mở tài khoản cá nhân cho ông Thắng, Tùng đã lặng lẽ đăng ký mở Ebanking (chuyển tiền tự động) mà không báo để ông Thắng biết.

Khi tiền về tài khoản cá nhân của ông Thắng ở HDBank, Tùng đã tự động chuyển toàn bộ số tiền đó vào tài khoản của mình, rút ra 3,5 tỷ đồng sử dụng cá nhân, trả hơn 700 triệu đồng cho con gái ông Thắng và giao cho ông Thắng một thẻ tiết kiệm giả.

Kết quả điều tra mở rộng còn cho thấy ông Thắng không phải là nạn nhân duy nhất của Vũ Thanh Tùng. Đã có 10 khách hàng của HDBank bị Vũ Thanh Tùng chiếm đoạt 24,7 tỷ đồng bằng thủ đoạn làm giả thẻ tiết kiệm.

Theo đó, từ năm 2011, Tùng đã được bổ nhiệm làm Phó phòng quan hệ khách hàng HDBank – chi nhánh Hoàn Kiếm sau đó lại được kiêm nhiệm thêm vị trí Trưởng quỹ tiết kiệm Long Biên.

Từ khi được kiêm 2 chức, Tùng được khách hàng tin tưởng nhờ làm thủ tục thu tiền, gửi tiền tại nhà của khách hàng hoặc rút tiền. Khách hàng không phải đến ngân hàng, Tùng làm hết các thủ tục sau đó đến nhà giao thẻ tiết kiệm, tiền và các chứng từ cho khách hàng ký và lưu chứng từ tại ngân hàng.

Từ việc làm trên, Tùng nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng cách nhận tiền, làm thẻ giả giao cho khách hàng và lấy tiền của khách sử dụng chi tiêu các nhân.

Tùng lấy mẫu thẻ tiết kiệm của HDBank mang đến cửa hàng photocopy để thuê in màu. Tổng cộng Tùng đã in 70 – 80 thẻ.

Khi khách hàng có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm, Tùng mở tài khoản cá nhân và đăng ký Ebanking nhưng không thông báo cho khách hàng biết. Sau đó, yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến HDBank, khi tiền về, Tùng in thông tin cá nhân và số tiền gửi của khách vào thẻ giả đưa cho khách còn tiền thì chuyển vào tài khoản của Tùng để sử dụng.

Với khách hàng gửi tiền mặt, Tùng thu tiền tại nhà hoặc tại quỹ của ngân hàng, giao thẻ giả cho khách còn tiền thật thì Tùng tiêu xài… hộ khách.

Khi sổ tiết kiệm đến thời hạn thanh toán, Tùng thuyết phục khách hàng chuyển sang hợp đồng tiền gửi để có lãi suất cao hơn hoặc hợp đồng ứng trước thẻ tiết kiệm để khách hàng tiếp tục gửi tiền mà không tất toán.

Lúc này, Tùng tiếp tục làm giả hợp đồng giao cho khách và ký giả nhiều chữ ký của cán bộ ngân hàng trên hợp đồng giả.

Về dấu HDBank, lợi dụng sơ hở của nhân viên quản lý con dấu, Tùng đã lấy con dấu của ngân hàng để đóng vào các thẻ tiết kiệm và hợp đồng giả.

Đối phó với phía ngân hàng, Tùng nói đây là các khách hàng VIP, họ yêu cầu rút tiền, chuyển tiền mà không cần đến ngân hàng, Tùng có trách nhiệm giao tiền cho khách và yêu cầu họ ký chứng từ sau rồi giao lại cho ngân hàng.

Do đó, các nhân viên ngân hàng như kiểm soát viên, giao dịch viên, thủ quỹ đều không nghi ngờ và cho Tùng rút tiền mặt hoặc chuyển tiền.

Được biết, về quyền lợi của các khách hàng trong vụ án này, HDBank bước đầu đã chi trả cho 7 khách hàng với số tiền 18,7 tỷ đồng cả gốc và lãi. Còn lại 3 khách hàng đang yêu cầu HDBank chi trả nốt 6,2 tỷ đồng. Nguồn tiền để chi trả này được trích từ nguồn tiền tạm ứng của HDBank.

Sau khi mở phiên tòa, HĐXX sơ thẩm đã phải hoãn bởi nguyên đơn dân sự là HDBank và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt.

Hoàng Duy

{fcomment}