Lý giải vì sao thí sinh chưa đăng ký được ca thi Kỳ thi đánh giá năng lực

Thí sinh chưa đăng ký được ca thi Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, là do quy mô của đợt thi chưa thể tổ chức quy mô lớn trong hoàn cảnh hiện tại.

GD&TĐ - Thí sinh chưa đăng ký được ca thi Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, là do quy mô của đợt thi chưa thể tổ chức quy mô lớn trong hoàn cảnh hiện tại.

Các thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe, đảm bảo âm tính với Codvid -19 mới được vào phòng thi

Có quá tải?

Vừa qua, có ý kiến của phụ huynh và học sinh phản ánh không thể đăng ký dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Một số phụ huynh, học sinh cho rằng, đăng ký thi trực tuyến gây khó khăn hơn đăng ký trực tiếp. Có thí sinh sử dụng 5-6 máy tính, điện thoại mà không đăng ký được ca thi thời gian qua do nghẽn mạng.

Xung quanh vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội trao đổi: Nếu như cho rằng đăng ký thi trực tuyến khó khăn hơn làm trực tiếp là ý kiến rất chủ quan lỗi thời, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đang thực hiện giãn cách tối đa vì dịch Covid-19 thì việc đăng ký trực tuyến càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Vừa qua, có phụ huynh để đăng ký thi cho con nghĩ rằng đến Trung tâm sẽ “nhanh hơn” nhưng vẫn phải ra về hoặc xuống phòng máy tính công cộng đăng ký dự thi. Kết quả không phải do mạng nghẽn như mọi người nghĩ mà do số lượng thí sinh có nguyện vọng đăng ký thi lớn trong khi số chỗ (máy tính) của mỗi đợt thi hạn chế.

Thí sinh và phụ huynh đều muốn thi nhiều lần để hi vọng có điểm cao nhất nhưng cần hiểu rằng, bài thi đánh giá năng lực thi nhiều lần không cải thiện điểm thi.

Một vài người nghĩ đơn giản là dùng 5-6 máy tính sẽ đăng ký nhanh hơn thì càng sai lầm. Chúng ta đang làm việc trong môi trường số chứ không phải ganh đua cơ bắp và số đông; do đó thí sinh có 1 tài khoản đăng ký dự thi nhưng truy cập qua nhiều thiết bị, vô hình trung làm chậm quá trình đăng ký của chính tài khoản đó và ảnh hưởng đến đường truyền chung cả hệ thống.

Đồng thời, khi đăng nhập qua nhiều thiết bị cùng đăng ký 1 thời điểm làm xáo trộn thông tin ca thi của tài khoản đó bởi vì 1 tài khoản chỉ đăng ký được 1 ca thi cùng lúc. Thí sinh đăng ký ca thi thứ hai sẽ cần thời gian để máy tính đọc thông tin lâu hơn thí sinh thứ nhất. Do đó, bạn đăng ký nhiều ca thi phải đợi lâu hơn bạn đăng ký 1 ca thi.

Về đường truyền mạng, chúng tôi mới khai thác sử dụng công suất 30-35% hạ tầng công nghệ nên đảm bảo đường truyền ổn định. Thí sinh chưa đăng ký được ca thi do quy mô của đợt thi chưa thể tổ chức lớn trong hoàn cảnh hiện tại.

Các bạn cứ hình dung, một phòng họp có 50 ghế nhưng có 250 người muốn vào ngồi dự thì có 10 cánh cửa hay 100 cánh cửa cũng không giải quyết được vấn đề. Giải pháp hiện nay đã và đang thực hiện là tổ chức nhiều đợt thi và thí sinh hãy dự lần lượt các đợt thi tiếp theo.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN

Để làm tốt bài thi đánh giá năng lực…

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã mở cổng đăng ký cho 5 đợt thi đầu tiên (đợt 201 - 205), quy mô gần 20.000 thí sinh. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở đăng ký cho 7 đợt còn lại với quy mô khoảng 50.000 thí sinh. Do đó, số lượt thi còn khá nhiều đáp ứng đủ nguyện vọng thí sinh.

Ngoại trừ đợt thi 205 nhu cầu thí sinh đăng ký khoảng 27.000 thí sinh trong khi số chỗ thi là hơn 8.000 nên không thể đáp ứng hết nhu cầu, các đợt thi 201-204 thí sinh đăng ký nhanh và không có vấn đề gì phát sinh. Có lẽ do đợt thi 205 diễn ra cuối tháng 4 (thi ngày 23-24/04/2022) nên nhiều thí sinh đã thi xong học kỳ 2 và muốn thử sức lần đầu với bài thi đánh giá năng lực.

Để làm tốt bài thi đánh giá năng lực, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý: việc đầu tiên là thí sinh phải quen với cấu trúc bài thi, dạng thức câu hỏi. Vì thế thí sinh nên làm đề tham khảo trước khi đăng ký dự thi và trước 1-2 ngày thi. Việc làm đề tham khảo sẽ cho thí sinh thông tin về nhóm năng lực bài thi sẽ “khảo” bạn như thế nào. Từ đó, thí sinh biết mình thiếu ở đâu để có kế hoạch ôn tập bổ sung.

Thứ hai, thí sinh nên có kế hoạch học tập thật nghiêm túc, tránh sa đà vào các nhóm luyện thi lôi kéo sẽ mất thời gian mà kết quả không mấy khả quan. Đối với các bạn có nền tảng khoa học tự nhiên (hoặc xã hội) tốt càng không nên chủ quan và cũng đừng bỏ qua không ôn tập các môn khoa học xã hội (hoặc khoa học tự nhiên).

Câu hỏi đề thi Kỳ thi đánh giá năng lực yêu cầu thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông để vận dụng từ thấp đến cao chứ không phải câu hỏi mẹo, câu hỏi khó hoặc đánh đố...

Trước ngày thi, thí sinh hãy làm đề tham khảo để biết phân phối thời gian hợp lý, quen với cấu trúc các phần thi để kiểm soát tốt tiến trình làm bài. Như vậy thí sinh sẽ đạt được mức điểm cao nhất theo năng lực của mình.

Thêm một điểm nữa là, thí sinh hãy tìm hiểu các hướng dẫn đăng ký thi, thông tin về kỳ thi tại trang chủ chính thức sẽ giúp các bạn hiểu và yên tâm hơn về kỳ thi. Một số thí sinh lan man trên các diễn đàn xã hội và tiếp nhận thông tin không chính thống sẽ thêm hoang mang trước giờ thi.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh, một trong những điểm độc đáo, đặc sắc của các bài thi đánh giá năng lực là câu hỏi ít, thời gian ngắn nhưng đánh giá được các nhóm năng lực chủ đạo của người dự thi.

Do đó, câu hỏi tích hợp liên môn là một trong những yêu cầu bắt buộc của bài thi đánh giá năng lực. Hiện nay, thí sinh đang học song song chương trình giáo dục phổ thông 2006 và bắt đầu tiếp cận chương trình tổng thể 2018 nên bài thi đánh giá năng lực thiết kế theo lộ trình thay đổi bổ sung dần theo năm học 2023-2024. Do đó, năm 2024 chúng tôi sẽ bổ sung thêm một số câu hỏi tích hợp liên môn.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ly-giai-vi-sao-thi-sinh-chua-dang-ky-duoc-ca-thi-ky-thi-danh-gia-nang-luc-GcbRw3Y7g.html