Năm "được mùa" của bất động sản

Ước tính, có khoảng 21.100 căn đã được giao dịch trong năm 2015 ở các phân khúc.

Năm

So với quý liền trước, thị trường bất động sản Hà Nội quý IV/2015 đã có phần chững lại ở một số phân khúc. Tuy nhiên, năm 2015 vẫn được đánh giá là một năm sôi động của thị trường nhà ở, với điểm nhấn chính ở phân khúc cao cấp.

Báo cáo thị trường quý IV/2015 của Công ty tư vấn CBRE vừa công bố cho thấy, thị trường nhà ở trong quý có phần sụt giảm nhẹ khi số căn mở bán thấp hơn quý III/2015. Theo CBRE, đây là sự điều chỉnh đã được dự báo và là cần thiết do thị trường phải điều tiết trước những biến động trên thị trường tiền tệ trong thời gian gần đây.

Tính tổng cả năm 2015, tại thị trường Hà Nội có 28.300 căn đã được chào bán, tăng tới 70% so với năm 2014. Đáng chú ý, trong năm 2015, phân khúc căn hộ cao cấp đã trở lại với tỷ lệ tăng mạnh ở cả lượng mở bán và giao dịch, chiếm tỷ trọng 28% tổng số căn chào bán mới, cao hơn so với mức 21% trong năm đỉnh cao 2011 về mở bán.

Theo vị trí, tỷ lệ mở bán mới tại khu phía Nam (quận Hoàng Mai) và khu rìa trung tâm (quận Hai Bà Trưng) tăng mạnh, chiếm tới 50% lượng cung. Trước đây, tỷ lệ này tại các khu vực trên luôn thấp hơn khu phía Tây và Tây Nam với nhiều dự án hạ tầng đang được triển khai. Hiện tại, tỷ lệ mở bán tại khu phía Tây và Tây Nam chỉ còn khoảng 46%.

Về sức cầu, niềm tin thị trường khá tích cực suốt cả năm và cải thiện sau mỗi quý. Ước tính, có khoảng 21.100 căn đã được giao dịch trong năm ở các phân khúc. Trong đó, phân khúc cao cấp có bước tiến tích cực qua mỗi quý và đạt tỷ lệ khoảng 32% tổng lượng giao dịch tại thời điểm cuối năm.

Theo bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc CBRE Việt Nam, năm nay là một năm “được mùa” của thị trường, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Rất nhiều chủ đầu tư đã mạnh dạn triển khai và tái khởi động các dự án, định vị lại dự án và tung “hàng” ra thị trường.

Điều này khá dễ hiểu bởi Luật Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 đã đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, đồng thời, có sự quan tâm nhất định từ người nước ngoài đối với một số dự án cao cấp có tên tuổi ở cả Hà Nội và TP. HCM.

Riêng đối với 2 phân khúc bình dân và trung cấp, tuy mở bán và giao dịch có thấp hơn so với năm 2014, song theo thống kê của CBRE, các phân khúc này vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng giao dịch cả năm, do có mức giá hợp lý và nhắm đến đa số người mua nhà có khả năng tài chính vừa phải.

Giá bán bình quân ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp có sự cải thiện qua các quý của năm 2015. Giá mở bán các dự án mới tăng khoảng 3 - 5% so với năm trước đó, cá biệt, một số dự án cao cấp có mức tăng giá từ 5 - 7% tại một số đợt mở bán sau.

Mặc dù vậy, theo bà An, mức tăng giá này là bình thường, chưa có độ gia tốc. So với giai đoạn bùng nổ của thị trường nhà đất trước đây, mức giá của năm 2015 gần như ổn định, chưa thể coi là có dấu hiệu của tình trạng “bong bóng”.

Ngay cả ở thị trường thứ cấp, trên toàn địa bàn chỉ ghi nhận mức tăng giá nhẹ 0,3% theo quý và 1,1% theo năm (tính theo USD) và ở mức từ 5 - 7% (tính theo VND), gần như ổn định trong suốt năm 2015, do lượng cung trên thị trường sơ cấp tăng mạnh.

Theo đánh giá của CBRE, năm 2016 bắt đầu với nhiều tín hiệu kinh tế vĩ mô tích cực như tỷ lệ lạm phát và lãi suất duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. VND dù liên tục giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực (có mức phá giá trung bình xấp xỉ 15%). Ngoài ra, chính sách tỷ giá mới linh hoạt giúp cho VND sẽ theo sát hơn với nhu cầu thực của thị trường, hạn chế được biến động giật cục như giai đoạn trước.

Đây có thể coi là điểm sáng, tạo tiền đề cho chủ đầu tư hào hứng hơn trong việc triển khai các dự án quy mô lớn, giá cả phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng trong 1 - 2 năm tới.

Theo Trang Ninh
Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn Tin nhanh chứng khoán