Nền kinh tế kém sức mua

Từ kinh doanh hàng tiêu dùng đến dịch vụ ăn uống, theo giới kinh doanh, đều không còn sôi động như trước.

Golden Gate là đơn vị sở hữu 22 thương hiệu chuỗi ăn uống như Manwah, Kichi-Kichi, Hutong Sumo BBQ, GoGi House trên cả nước. Bà Lan Nguyễn, Giám đốc tài chính của đơn vị được xem là "ông trùm chuỗi lẩu nướng" này, cho biết ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) sau khi tăng trưởng mạnh hậu Covid-19 đã yếu đi từ quý IV/2022. Đến tháng 12, lượt khách mùa lễ hội không như kỳ vọng.

"Suy thoái rõ nét hơn sau Tết, khi mọi người tiết giảm chi tiêu", bà Lan nói tại một sự kiện mới đây.

Bà Kim Hân, một người bán văn phòng phẩm lâu năm tại một trường THPT ở quận 1 (TP HCM), kể nếu mỗi ngày trước đây kiếm được 10 đồng thì bây giờ chỉ còn 6 đồng. Từ đầu năm, sức mua của học sinh giảm đáng kể. Theo bà giải thích, thu nhập của phụ huynh bị ảnh hưởng nên tiền cho con cái sinh hoạt cũng giảm theo. "Vì thế, chi tiêu của gia đình tôi cũng phải siết chặt", bà Hân nói.

Không thay đổi chất lượng các sản phẩm quen dùng nhưng bà mua hàng với số lượng ít hơn. Trước kia hàng siêu thị chỉ cần có khuyến mãi hoặc chưa cần thiết lắm bà cũng mua. "Giờ những món có nhu cầu cấp thiết mới sắm", bà nói thêm.

Từ góc độ nhà bán lẻ, bà Lê Huỳnh Phương Thục, CEO Guardian Việt Nam, cũng cho biết giá trị đơn hàng của người mua đã giảm. Lượng hàng bán không đổi nhưng khách chuyển sang sản phẩm bình dân hơn. "Túi tiền người tiêu dùng bị ảnh hưởng nên cẩn trọng trong chi tiêu sản phẩm chăm sóc cá nhân", bà Thục nói.

Đại diện một nhà bán lẻ lớn có cửa hàng khắp cả nước cho biết sức mua hiện tại chỉ bằng khoảng 65% trung bình năm ngoái. Ngay cả những ngày cuối tuần, sức mua cũng không tăng lên đáng kể.

Nguồn: VnExpress