Có một nghịch lý là giao dịch viên vốn không liên quan gì đến nghiệp vụ cho vay, nhưng không ít giao dịch viên đã phải hầu tòa với cáo buộc vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng với mức án 10 - 15 năm tù giam.
Khi bản án của đại án Huyền Như được công bố, người ta nhận thấy hàng loạt cán bộ ngân hàng đã bị tuyên phạm tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng và nhận mức án nặng nề từ 8 - 15 năm tù giam. Bất ngờ hơn, trong nhóm bị cáo phạm tội này, có không ít bị cáo vốn là giao dịch viên (GDV), những nhân sự tưởng như không liên quan gì đến nghiệp vụ cho vay.
Đơn cử, bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân, giao dịch viên của Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng (Vietinbank), theo bản án, Ngân có nhiệm vụ tiếp nhận kiểm tra thông tin trong hồ sơ cho vay, kiểm soát chứng từ để giải ngân. Từ 13/5/2011 đến 16/9/2011, Ngân đã xác thực hồ sơ và thực hiện giải ngân 51 hồ sơ cho vay đứng tên 16 người với tổng số tiền trên 200 tỷ đồng. Trách nhiệm của Ngân đã phát sinh khi 10/16 hồ sơ của khách hàng vay không có chữ ký khách hàng mà vẫn giải ngân theo chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị. Nhiều giao dịch viên khác đã phải đối mặt với trách nhiệm hình sự trong tình huống tương tự.
Về cơ bản, một giao dịch viên ngân hàng có nhiệm vụ thực hiện các giao dịch rút/gửi, mở sổ tiết kiệm, giao dịch chuyển khoản, nghiệp vụ kế toán liên quan đến thu nợ vay, xác nhận số dư, thu đổi ngoại tệ, lập chứng từ, in sao kê, quản lý các loại tài khoản, thực hiện các báo cáo liên quan. Thông thường, sai phạm liên quan đến tín dụng thường phát sinh từ quá trình thẩm định hồ sơ, đánh giá khách hàng, xem xét tài sản bảo đảm, kiểm soát việc sử dụng vốn vay… Trách nhiệm gắn liền với rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện nghiệp vụ cho vay. Vì thế, ít ai nghĩ rằng, một giao dịch viên không có nhiệm vụ cho vay lại có ngày phải lĩnh bản án tới 15 năm tù giam cho hậu quả từ việc vi phạm quy định cho vay.
Rủi ro từ nơi giao thoa trách nhiệm
Tuy nhiên, với lối tư duy có thiệt hại xảy ra thì phải có cá nhân chịu trách nhiệm, trong nhiều vụ việc, ngay cả khi lãnh đạo ngân hàng đã kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng không đề nghị xử lý nhân viên ngân hàng, các cán bộ ngân hàng vẫn bị buộc phải chịu trách nhiệm.
Và thước đo của trách nhiệm là ở các cơ quan tiến hành tố tụng. Bản án vụ Huyền Như nhận định: giao dịch viên là người canh cửa, kiểm soát túi tiền, kho tiền của ngân hàng. Bất kỳ sơ suất nào của giao dịch viên cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ an toàn tiền vốn của ngân hàng. Bởi thế, không thể đem lý luận trách nhiệm nghề nghiệp để lý giải trong trường hợp này, mà phải nhìn vào quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Với quan điểm này, người ta hiểu rằng, một khoản vay dù do khối, phòng, ban nghiệp vụ nào triển khai, thì phút cuối cùng, tiền ra khỏi ngân hàng vẫn qua cửa giao dịch viên. Do đó, nếu có sơ suất gì, giao dịch viên sẽ phải nhận trách nhiệm.
Việc này đã khiến lãnh đạo ngân hàng cũng như giao dịch viên phải nhìn nhận lại vai trò của giao dịch viên trong các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Lâu nay, công việc hàng ngày của giao dịch viên gắn liền với việc triển khai các sản phẩm tín dụng mà họ không ý thức hết trách nhiệm.
Hàng loạt sản phẩm cho vay như cho vay thế chấp, cầm cố thẻ tiết kiệm, cầm cố giấy tờ có giá, ký quỹ tiền gửi ngân hàng, cho vay chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu… đều có “phần” tham gia của giao dịch viên như nhận thông tin tài khoản, phong tỏa tài khoản, mở thẻ tiết kiệm… Cũng như việc cung cấp thông tin, giải tỏa thẻ tiết kiệm đều là chức năng thẩm quyền của giao dịch viên, tuy không thuộc nghiệp vụ cho vay, nhưng lại ảnh hưởng đến an toàn tín dụng ngân hàng.
Từng có vụ án khách hàng vay vốn thế chấp ô tô, giấy tờ xe đã được nhập kho. Sau đó, khách hàng làm thủ tục mượn giấy tờ xe và trả lại đúng hạn. Tuy nhiên, khi nhận lại giấy tờ xe, giao dịch viên đã không phát hiện được giấy tờ giả, dẫn đến đối tượng đem ô tô đi bán. Trách nhiệm này, giao dịch viên đã phải gánh chịu.
Chính vì vậy, nếu chỉ nhìn nhận một khoản vay nói riêng và nghiệp vụ tín dụng nói chung chỉ có mở đầu và kết thúc với trách nhiệm của cán bộ tín dụng là chưa đầy đủ. Dù về bản chất, mọi rủi ro mất vốn có tới 99% xuất phát từ quá trình thẩm định, đánh giá tính chất an toàn của khoản vay, sự khả thi của phương án vay, tính an toàn của tài sản bảo đảm và kiểm soát rủi ro của cán bộ tín dụng.
Bài 3: Nguy cơ từ những giao dịch bất thường
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Mùi cá nướng
-
Volvo XC60 thế hệ mới lộ ảnh thử nghiệm
-
9 tháng, FPT đạt 1.969 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế
-
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cá mập ồ ạt 'xả' 1 nghìn tỷ Shiba Inu (SHIB)?
-
Hà Nội thúc tiến độ 2 dự án công viên phía Tây
-
Những loại hoa có ý nghĩa may mắn nên trồng trong nhà
-
Xe điện chở hàng thùng kín VN Electric Car - Khi tiện ích lên ngôi
-
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm tiếp lãi suất cho vay
-
EU 'dội gáo nước lạnh' vào chiến lược của Thủ tướng Anh Johnson
-
Nhà đầu tư địa ốc Hà Nội tính chuyện `đổi món`