Nghịch lý trên thị trường văn phòng Hà Nội

Sau cơn bĩ cực kéo dài, thị trường văn phòng Hà Nội năm 2016 bắt đầu phục hồi. Thế nhưng, sự phục hồi của phân khúc này thời gian qua thiếu ổn định và xuất hiện một số nghịch lý.  

Nghịch lý trên thị trường văn phòng Hà Nội

Sau gần 5 năm khó khăn, những dữ liệu được các công ty nghiên cứu báo cáo mới đây cho thấy, thị trường văn phòng Hà Nội đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, thể hiện qua các chỉ số về nguồn cung tăng, giá chào thuê ổn định và tỷ lệ lấp đầy có những chuyển biến tích cực trong suốt những tháng đầu năm.

Báo cáo mới nhất về thị trường văn phòng cho thuê vừa được Công ty Nghiên cứu Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam cho thấy, thị trường văn phòng Hà Nội vừa đón nhận thêm khoảng 20.000 m2 sàn phòng cho thuê trong quý III và mức tiêu thụ toàn thị trường lên tới gần 35.000 m2. Trong khi đó, mức giá chào thuê trên thị trường được ghi nhận khá ổn định, với trên 80% các tòa nhà văn phòng vẫn giữ nguyên giá cho thuê.

Trước đó, theo công bố của CBRE, nguồn cung văn phòng cho thuê tại Hà Nội 6 tháng đầu năm tăng mạnh, với 1 dự án hạng A là tòa TNR Tower và 2 dự án hạng B là Handico Tower và 789 Tower gia nhập thị trường.

Hoạt động thị trường văn phòng cho thuê có dấu hiệu được cải thiện, nhất là ở phân khúc hạng A. Theo đó, tỷ lệ trống văn phòng hạng A giảm thêm 0,6%, trong khi giá chào thuê của văn phòng hạng A tăng thêm 0,5%.

Và những nghịch lý

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng sự phục hồi của thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội có dấu hiệu thiếu ổn định và bộc lộ những nghịch lý.

Theo JLL Việt Nam, mức tiêu thụ thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội trong quý III khoảng 35.000 m2, lớn hơn nguồn cung mới (khoảng 20.000m2). Tuy nhiên, mức tiêu thụ này chủ yếu đến từ diện tích sử dụng nội bộ của tòa nhà mới hoàn thành.

Trong khi đó, giá chào thuê được đánh giá có xu hướng giữ ổn định, nhưng chưa bền vững và thiếu đồng đều. Giá chào thuê trong quý III vẫn giảm ở mọi phân hạng, chỉ một số dự án có hoạt động tốt, giá mới tăng nhẹ.

Cụ thể, giá văn phòng chào thuê trong quý III/2016 tại Hà Nội đã giảm 0,6% so với quý trước. Trong đó, giảm mạnh nhất thuộc phân khúc hạng A, giảm 0,7%, hạng B giảm 0,4% và hạng C giảm 0,5%. Việc giá chào thuê giảm ở tất cả các hạng, nhất là hạng A là điều đáng báo động. Bởi trước đó, phân khúc văn phòng hạng A luôn được đánh giá có sự tăng trưởng cả về giá thuê lẫn tỷ lệ lấp đầy.

Báo cáo thị trường văn phòng quý II/2016 của Savills công bố trước đó cho thấy, văn phòng hạng A tại Hà Nội có mức tăng giá thuê 0,2% trong quý I và 0,6% trong quý II, cao nhất trong 3 hạng. Trong khi tỷ lệ lấp đầy tăng 0,4% trong quý I và giữ nguyên trong quý II.

Một nghịch lý khác nữa của thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội là dù thị trường đang có dấu hiệu được cải thiện tốt hơn, nhưng nhiều dự án văn phòng vẫn tiếp tục bị trì hoãn tiến độ.

Cụ thể, tòa tháp văn phòng hạng A Hud Tower trên đường Lê Văn Lương vẫn trì hoãn tiến độ nhiều năm nay, hay dự án tháp văn phòng hạng A 198B Tây Sơn cũng tiếp tục bị “đắp chiếu”. Trong khi đó, tòa tháp văn phòng Apex Tower trên đường Phạm Hùng đang trong giai đoạn hoàn thiện, đã tạm dừng thi công khoảng 1 năm nay. Ngay bên cạnh, dự án tòa nhà văn phòng Vicem cũng không hẹn ngày hoàn thiện…

Theo báo cáo của JLL, trong quý IV/2016, thị trường văn phòng Hà Nội sẽ đón nhận thêm khoảng 67.000 m2 diện tích văn phòng mới và giai đoạn từ 2017 - 2019, thị trường tiếp tục có thêm hơn 385.000 m2 diện tích văn phòng.

Việc nguồn cung văn phòng tiếp tục được bổ sung sẽ gây áp lực không nhỏ cho thị trường, trong bối cảnh thị trường văn phòng có dấu hiệu hồi phục, nhưng khá bấp bênh và thiếu ổn định như hiện nay.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán