Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Thị trường tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong tuần qua và dường như nhận định về những phiên bulltrap của một số công ty chứng khoán xem ra khá chính xác. Tuy nhiên, nhận định cụ thể từng phiên, thì có rất ít công ty đoán trúng. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường tuần qua của các công ty chứng khoán.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 22/9, dù không quá sôi động như những phiên gần đây, nhưng sau 1 tuần "thay máu", thị trường dường như đang bước vào một giai đoạn tăng và tìm lại đỉnh cao cũ. Ngay khi bước vào phiên giao dịch, thị trường đã xuất hiện tín hiệu khởi sắc. Trong khi cung giá thấp được tiết giảm đáng kể, thì lực cầu giá cao cũng đã bắt đầu xuất hiện, cả 2 chỉ số đều mở cửa với mức tăng khá tốt.

Đà tăng của VN-Index sau đó được nới rộng thêm khi lực cầu giá cao được đẩy vào nhiều hơn, chỉ số này nhanh chóng vượt qua mốc 620 điểm, sắc tím cũng xuất hiện nhiều hơn trên bảng điện tử. Nhóm có dấu hiệu phục hồi sau 3 phiên bị chốt lời mạnh, trong khi các nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, bất động sản, thủy sản… lại khá lình xình.

Đối với HNX, ngoài nhóm chứng khoán đang rục rịch tăng, thì PVS và PVC vẫn là 2 lực đỡ chính cho sàn này.

Tưởng chừng thị trường sẽ vọt tăng mạnh trong phiên đầu tuần với những đợt sóng mới ở các nhóm cổ phiếu, nhưng dường như đây chỉ là phiên bulltrap khi VN-Index vừ vượt qua mốc 620 điểm và HNX-Index áp sát mốc 90 điểm, lực bán đã ồ ạt đưa vào khiến cả 2 sàn quay đầu lao mạnh, cả 2 chỉ số lùi về sát mốc tham chiếu, trước khi hồi nhẹ trở lại trong những phút cuối phiên sán

Trong buổi giao dịch chiều, thị trường bắt đầu bằng sự thận trọng khi mà VN-Index và HNX-Index đã đổ dốc khá mạnh trong phiên sáng. Trên HOSE, không chỉ nhóm cổ phiếu chứng khoán lao dốc khá mạnh, các mã lớn như GAS, MSN, BID, FPT... cũng giảm sâu. Kết hợp với đợt xả mạnh ở đợt ATC, VN-Index có cú "đổ đèo" cuối phiên.

Trên HNX, đà tăng của PVS và PVC đã bị hãm rất mạnh, sắc đỏ cũng bao trùm toàn bộ các nhóm chỉ số, từ tài chính, xây dựng, đến công nghiệp; từ small cap, midcap, đến largecap. Tương tự, HNX-Index cũng lao mạnh trong đợt ATC, đóng cửa về gần mốc 88 điểm.

Thanh khoản trên thị trường giảm mạnh so với các phiên tuần trước, đặc biệt là trên HOSE, cho thấy nhà đầu tư đang khá thận trọng với xu hướng hiện tại.

Điểm tích cực trong phiên này là nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng mạnh hơn 144 tỷ đồng trên HOSE, trong khi vẫn bán ròng nhẹ 310 triệu đồng trên HNX.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất trong phiên 22/9 chính là SAM. Ngoài việc được thỏa thuận khủng 19,9 triệu đơn vị, SAM cũng khớp được 3,53 triệu đơn vị, đóng cửa giữ nguyên mức trần có được từ đầu phiên và còn dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.

Về phần các Dự, BVSC, FPTS, SHS đều có nhận định rằng thị trường đang bước vào đợt điều chỉnh ngắn hạn và tuần giao dịch này các chỉ số sẽ tiếp tục giảm điểm. Kết quả đã cho thấy nhận định của 3 Dự này là khá sát.

“Sau một đợt tăng dài, hầu hết các cổ phiếu trên cả hai sàn đang bị chốt lời khá mạnh, hai chỉ số VN-Index, HNX-Index đều đang bị chi phối bởi mô hình 2 đỉnh ủng hộ cho xu thế giảm giá nên trong ngắn hạn nhiều khả năng VN-Index sẽ tiến về vùng 600 và HNX-Index sẽ quay trở lại kiểm tra vùng 85-86”, FPTS nhận định.

Còn SHS cho rằng: “VN-Index cho tín hiệu kĩ thuật khá xấu khi chỉ số này giảm quá vùng hỗ trợ 618 điểm, rơi xuống dưới kênh tăng điểm ngắn hạn được thiết lập từ giữa tháng 5 tới nay. Như vậy xu thế tăng điểm đã chấm dứt và nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào xu thế giảm điểm trong các phiên tới. Mức hỗ trợ 609 điểm sẽ giúp khẳng định động lực giảm điểm của xu thế này có mạnh hay không. Nếu lực bán tiếp tục mạnh, VN-Index giảm sâu xuống dưới vùng này ngay trong các phiên đầu tiên của tuần, khả năng xu hướng giảm điểm sẽ kéo dài”.

Tuy nhiên, MSBS lại là công ty đưa ra nhận có vẻ chính xác nhất trong tuần khi cho rằng: "Theo quan điểm của MSBS, thị trường tuần sau sẽ có những phiên bulltrap khi VN-index có thể hồi phục lại mốc 620 điểm - 625 điểm". Dù vậy, nhận định cụ thể trong phiên đầu tuần, cú đổ đèo ở đợt ATC khiến MSBS đã đoán trật khi cho rằng: "Thị trường nhiều khả năng sẽ có một phiên tăng điểm trở lại vào thứ Hai".
Các Dự khác như BSC, VDSC, MBS, SSI, IVS, VCSC cũng có nhận định nghiêng về phía giảm.

Sang phiên giao dịch 23/9, sự thận trọng vẫn được đặt lên hàng đầu, nhất là khi thị trường dường như đã trải qua phiên bulltrap đầu tuần.

VN-Index giằng co sau khi được đẩy lên ngưỡng kháng cự mạnh 615 điểm rồi bị đánh bật trở lại. HNX-Index cũng có diễn biến khá giống VN-Inde.

Sau những phút giằng co mạnh, VN-Index đã dần lấy lại đà tăng khi dòng tiền bắt đầu hướng đến nhóm cổ phiếu bất động sản. Ngoài ra, nhóm chứng khoán cũng lấy lại đà tăng trong phiên này.

Trong khi đó, trên HNX giao dịch trầm lắng hơn, nhưng khối bất động sản và chứng khoán vẫn là những nhóm có tín hiệu tốt, trong khi nhóm dầu khí vẫn chịu áp lực bán mạnh.

Kết phiên sáng, VN-Index chỉ có được sắc xanh nhẹ do chịu lực cản từ GAS, trong khi HNX-Index đã về được tham chiếu.

Trong buổi giao dịch chiều, lực mua mạnh ở nhóm cổ phiếu bất động sản giúp VN-Index tăng cao, thậm chí có lúc leo lên 616 điểm. Nhưng cũng giống phiên sáng, lực bán tăng mạnh ở một vài mã bluechip ở thời điểm cuối phiên, đặc biệt là trụ GAS khiến mã này giảm tới 4.000 đồng (-3,54%) xuống mức thấp nhất trong ngày 109.000 đồng/cổ phiếu khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ, dù sắc xanh vẫn chiếm thế áp đảo.

Tương tự, HNX-Index cũng được kéo tăng khi bước vào phiên giao dịch chiều, nhưng khi đến ngưỡng 88,5 điểm, áp lực chốt lời gia tăng mạnh đẩy chỉ số này quay đầu giảm điểm và đóng cửa cũng trong sắc đỏ.

Thanh khoản toàn thị trường phiên này cũng tương đương phiên đầu tuần, đạt trên 3.900 tỷ đồng, khối ngoại tiếp tục duy trì mua ròng. SAM tiếp tục là cổ phiếu “ngôi sao” ở phiên này cho dù đã để tuột mất sắc tím với khối lượng khớp lệnh đạt trên 12,7 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.

Về phần các Dự, xu hướng nhận định cho phiên này hầu hết không có gì thay đổi về đà giảm của thị trường, bởi vậy các Dự chỉ tập trung nhiều vào việc khuyến nghị nhà đầu tư, trong đó khuyến nghị hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu được nhắc nhiều nhất.

Phiên này, MSBS tiếp tục cho rằng chỉ số sẽ bật tăng trở lại từ ngưỡng 610 điểm: “Theo nhận định của chúng tôi, thị trường ngày 23/9 có thể vẫn sẽ giảm đầu phiên về ngưỡng 608 - 610 điểm và bật tăng trở lại”. Do đó cũng là Dự duy nhất bị mất điểm ở phiên này.

Đến phiên giao dịch 24/9, đa số nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng khi thị trường liên tục có diễn biến sáng tăng, rồi bị bán mạnh cuối giờ. Nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là GAS vẫn là lực hãm chính của chỉ số.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục lao dốc với nhiều mã giảm sàn, trong khi nhóm cổ phiếu khoáng sản lại le lói tín hiệu tích cực và nhóm bất động sản vẫn hút mạnh dòng tiền. Chỉ khi lực cầu gia tăng ở cuối phiên sáng, kéo một số mã dầu khí hồi phục, VN-Index mới kết phiên trong sắc xanh nhạt.

Đối với HNX, chỉ số HNX-Index cũng bắt đầu phiên giao dịch trong sắc đỏ. Mặc dù áp lực bán vẫn hiện hữu, nhưng với cầu mua tốt, nhóm cổ phiếu trụ cột trên sàn này là dầu khí và chứng khoán đều có sự phục hồi mạnh, qua đó giúp chỉ số cũng có được màu xanh.

Trong buổi giao dịch chiều, bỏ qua những nhận định không mấy tích cực, thị trường đã sôi động hơn khá nhiều, dòng tiền vào cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, cũng giống như hai phiên trước, kịch bản “úp sọt” cuối phiên lại tái diễn.

Lệnh bán ồ ạt tung ra trong đợt khớp lệnh ATC khiến mọi nỗ lực giữ mốc tham chiếu đều tan biến. Mặc dù sắc xanh chiếm ưu thế hơn, nhưng việc cả GAS và VNM cùng giảm mạnh đã kéo VN-Index đóng cửa lùi sâu về mốc 603 điểm. Trong khi HNX-Index cũng đảo chiều giảm nhẹ do đà giảm mạnh của nhóm dầu khí.

Phiên này, ngoài nhóm khoáng sản, thị trường đón nhận thêm con sóng nhẹ đến từ nhóm vận tải biển. Thanh khoản toàn thị trường giảm nhẹ so với phiên trước, đạt gần 3.900 tỷ đồng.

Về phần các Dự, trong xu thế giảm chung của thị trường, những nhận định của IVS, KIS, BSC, VCSC, FPTS, VDSC, MBKE, SSI không có nhiều thay đổi so với những nhận định ở các phiên trước, mà vẫn tập trung vào khuyến nghị danh mục đầu tư.

Phiên giảm khá sâu này cho thấy nhận định của BVSC và SHS ít nhiều đã bị trật, còn MSBS vẫn với nhận định tăng điểm thì hoàn toàn trật.

“Với lực bán có phần suy yếu và lực cầu giá thấp hiện được duy trì khá tốt, nhiều khả năng cả 2 chỉ số sẽ không rơi vào một nhịp giảm điểm sâu. Mặc dù vậy, do thị trường đang thiếu vắng nhóm ngành dẫn dắt sau khi ngành dầu khí cho dấu hiệu suy yếu nên diễn biến điều chỉnh giằng co có thể sẽ tiếp tục diễn ra”, BVSC nhận định.

SHS cũng cho rằng: “Chúng tôi đánh giá trong các phiên tới động lực tăng của VN-Index chưa trở lại, tuy nhiên chỉ số này cũng sẽ không có khả năng giảm sâu. Vùng 608 – 610 điểm tiếp tục là vùng hỗ trợ khá quan trọng cho xu thế ngắn hạn của chỉ số này”.

Còn MSBS vẫn nhận định: “Dựa trên mẫu hình nến và việc chỉ số RSI rơi xuống vùng quá bán, chúng tôi cho rằng phiên giao dịch ngày 24/9 thị trường sẽ tăng điểm trở lại”.

Trong khi đó, MBS đã đưa ra nhận định sát hơn về phiên giao dịch này: “Thị trường vấn tiếp tục trong quá trình tìm kiếm ngưỡng hỗ trợ mạnh trong nhịp điều chỉnh hiện tại. VN-Index đã giảm 7 phiên liên tục tuy nhiên với đà rơi giảm dần, cho thấy chỉ số có thể đang ở gần ngưỡng hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu lực mua không đủ mạnh để bảo vệ vùng 600-610, thị trường có thể sẽ giảm xuống sâu hơn để thu hút lực cầu”.

Tới phiên giao dịch 25/9, diễn biến trong buổi sáng khá giống với các phiên trước khi trên sàn hầu hết được bao phủ bởi sắc xanh, nhưng chỉ số VN-Index vẫn suy giảm và nguyên nhân chính vẫn là các cổ phiếu bluechip, trong đó VIC đã “thế chân” GAS đè chỉ số khi có thời điểm đã giảm chạm sàn.

Một số mã thuộc họ dầu khí, khoáng sản như PXI, PXS, PVT, PET, KSA, KSB, KSH… đua nhau tăng điểm.

Đối với sàn HNX, dù mở cửa với sắc xanh nhạt nhưng khi nhận tín hiệu đỏ từ sàn HOSE, cùng với áp lực bán gia tăng khiến HNX-Index cũng nhanh chóng đổi sắc.

Dần về cuối phiên sáng, áp lực bán gia tăng, trong khi cầu mua vào thiếu tích cực khiến cả 2 chỉ số giảm sâu hơn, trong đó VN-Index đánh mất mốc 600 diểm.

Trong buổi giao dịch chiều, áp lực bán không ngừng tăng mạnh, kéo các mã lớn giảm mạnh hơn, trong đó VIC và MWG tiếp tục giảm sàn, VN-Index có thời điểm mất hơn 9 điểm. Tuy nhiên, trái với những phiên giao dịch trước, lực cầu bắt đáy rất mạnh được tung vào khi chỉ số giảm sâu và đặc biệt là trong đợt khớp ATC, kéo VN-Index tăng một mạch qua ngưỡng 605 điểm, qua đó chính thức chấm dứt chuỗi 8 phiên giảm điểm liên tiếp.

HNX-Index “nhờ hơi” VN-Index cũng tăng khá mạnh trở lại, trong đó động lực chính vẫn là nhóm cổ phiếu dầu khí.

Về phía các Dự, SHS đã đúng khi cho rằng, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 598 – 609 điểm. Trong khi MSBS rốt cuộc cũng có được điểm đầu tiên trong tuần khi chỉ số đã tăng như “mong muốn”.

“Nếu để ý đồ thị hiện tại của VN-Index, có thể thấy khoảng thời gian khá tương đồng giữa thời điểm tăng và giảm trong vùng 609 – 640 điểm của VN-Index. Như vậy, khả năng khi chỉ số này về xuống dưới vùng này, lượng cung và cầu sẽ trở nên cân bằng giúp đà giảm sẽ chậm lại. Trong các phiên tới, động lực tăng điểm mạnh mẽ chưa thể xuất hiện trở lại, do vậy nhiều khả năng chỉ số này sẽ dao động trong biên độ hẹp quanh vùng 598 – 609 điểm”, SHS nhận định.

Còn MSBS cho rằng: “Nhiều khả năng phiên 25/9 sẽ là phiên hồi phục của thị trường khi mà dòng tiền tham lam sẽ quay trở lại bắt đáy khi chỉ ố VN-Index giảm sâu vào đầu phiên và chạm quanh mốc 600 điểm (+/-5 điểm)”.

Ngược lại, BVSC thì có nhận định khác: “Theo quan sát của chúng tôi, thị trường đang ở vùng” trống” về mặt thông tin hỗ trợ. Thậm chí nhà đầu tư còn trong trạng thái khá “trơ” với các tin tức vĩ mô tích cực được công bố gần đây. Hiện tượng này phần nào cho thấy xu hướng điều chỉnh ngắn hạn và sự thận trọng đang chiếm ưu thế trên thị trường. Trong bối cảnh đó, cả hai chỉ số có thể sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh về những mức điểm thấp hơn nữa để lôi kéo dòng tiền quay trở lại thị trường”.

Trong khi các Dự khác như FPTS, BSC, KIS, MBS, VCSC, VDSC, MBKE, IVS, SSI tiếp tục chọn phương án nhận định trung lập.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 26/9, với tâm lý tích cực có được từ những phút cuối của phiên giao dịch trước, nhà đầu tư đã giao dịch cởi mở hơn nhiều trong phiên sáng 26/9. VN-Index mở cửa trong sắc xanh và mức thanh khoản khá.

Trên HNX, nhóm dầu khí tiếp tục là lực đỡ chính giúp HNX-Index có được sắc xanh từ đầu phiên.

VN-Index nhiều lần thử thách ngưỡng cản 610 điểm, nhưng đều thất bại và khép phiên sáng áp sát mốc 609 điểm, trong khi HNX-Index cũng bị đẩy trở lại mốc 89 điểm khi cố leo đến ngưỡng 90 điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, giằng co mạnh vẫn là diễn biến chính của VN-Index khi áp lực bán luôn hiện hữu. Tuy nhiên, việc mua đỡ giá trong phiên này đã không còn được duy trì đều đặn như ở phiên sáng, VN-Index theo đó cứ yếu dần. Và điều lo ngại lại xảy ra trong đợt ATC khi lực xả được ồ ạt tung vào, nhấn thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index không giữ nổi mốc 605 điểm.

Sàn HNX cũng không phải là ngoại lệ khi các mã dẫn dắt như dầu khí hay chứng khoán bị bán mạnh khiến chỉ số HNX-Index cũng lùi dưới tham chiếu.

Về phía các Dự, với phiên hồi kỹ thuật ở phiên 25/9, cả 3 Dự là MSBS, VCSC, IVS đều có chung nhận định VN-Index sẽ có phiên hồi tiếp theo, với MSBS, thậm chí sẽ là phiên tăng mạnh. Nhưng thị trường là như vậy, luôn có những kết quả bất ngờ với việc cả 2 chỉ số lại giảm nhẹ cuối phiên.

“Với diễn biến tích cực trong phiên 25/9, ngày 26/9 sẽ là một phiên hồi phục mạnh của thị trường. Thị trường có thể sẽ tăng nhẹ đầu phiên sau đó bứt phá từ phiên 2”, MSBS nhận định.

Còn VCSC cho rằng: “Hai chỉ số có thể hồi phục nhẹ và kiểm định các mức 610 của chỉ số VN-Index và 90.0 của chỉ số HNX-Index trong phiên giao dịch ngày 26/9”.

Tương tự, IVS cũng đánh giá: “Một yếu tố nữa mà phiên ngày 26/9 có thể sẽ tích cực về mặt điểm số do lực mua mạnh cổ phiếu VIC và GAS. Đây là 2 cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh thời gian vừa qua và đẩy chúng rơi vào vùng quá bán. Vì thế lực cầu mua bắt đáy 2 cổ phiếu này sẽ giúp cho thị trường tích cực hơn. Nhìn chung, xét riêng phiên cuối tuần nhiều khả năng thị trường sẽ là một phiên tăng điểm nhẹ”.

Trong khi các Dự còn lại đã “an toàn” nhờ tiếp tục chọn phương án trung lập.

Tổng kết tuần giao dịch 22/9 đến 26/9, trị trường đã kém sôi động đi rất nhiều khi bên mua trở nên thận trọng hơn, thanh khoản theo đó giảm mạnh so với tuần giao dịch trước đó.

VN-Index tiếp tục mất điểm trong tuần giao dịch này, nhưng không còn mạnh như tuần trước. Với cùng 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, VN-Index giảm 8,31 điểm (-1,35%) xuống 604,98 điểm, còn HNX-Index giảm 0,33 điểm (-0,37%) xuống 88,56 điểm.

Đối với các Dự, MSBS là Dự trúng nhiều nhất của tuần trước (3 phiên) thì tuần này quay “180 độ” trở thành Dự trật nhiều nhất với 4 phiên trật. Tiếp đến là BVSC với cùng 2 phiên trật, còn lại là IVS, SHS, VCSC và MBKE cùng trật 1 phiên. Tuy nhiên, an ủi cho MSBS là đưa ra nhận định chính xác về xu hướng tuần với nhận định thị trường sẽ có những phiên bulltrap.

Ngược lại, Dự xuất sắc nhất tuần này là SHS nhưng cũng chỉ có 2 phiên trúng, còn lại BVSC, FPTS, MSBS và MBS cùng trúng 1 phiên.

Với “còi vàng”, chỉ còn góp mặt có BSC, KIS, SSI, VDSC “cạnh tranh” nhau với cả 5 phiên nhận định trung lập. Trong khi đứng ngay sau là MBS, MBKE, FPTS, IVS và VCSC với cùng 4 phiên trung lập.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/22/9

HOSE(-1,36/0,22/611,93)

HNX(-0,66/0,75%/88,22)

BVSC, FPTS, SHS

BSC, VDSC, MBS, SSI, IVS, VCSC

MSBS, MBKE

T3/23/9

HOSE(-1,54/0,25%/610,39)

HNX(-0,48/0,54%/87,75)

SSI, IVS, SHS, MBKE, VCSC, FPTS, BVSC, BSC, KIS, MBS, VDSC

MSBS

T4/24/9

HOSE(-6,8/1,11%/603,59)

HNX(-0,04/0,05%/87,71)

MBS

IVS, KIS, BSC, VCSC, FPTS, VDSC, MBKE, SSI

BVSC, SHS, MSBS

T5/25/9

HOSE(+1,51/0,25%/605,1)

HNX(+0,94/1,07%/88,65)

SHS, MSBS

FPTS, BSC, KIS, MBS, VCSC, VDSC, MBKE, IVS, SSI

BVSC

T6/26/9

HOSE(-0,12/0,02%/604,98)

HNX(-0,09/0,1%/88,56)

FPTS, SHS, BSC, KIS,

BVSC, MBS, SSI, MBKE, VDSC

MSBS, VCSC, IVS

N.Tùng

{fcomment}