OSC và VIS hợp nhất: Tìm cơ hội ‘hồi sinh’

 Thêm một cuộc “se duyên” nữa giữa hai CTCK đồng cảnh ngộ và có vẻ sự kết hợp này đang khá xuôi chèo mát mái khiến nhiều người khác rục rịch đi tìm đối tác xứng đôi vừa lứa cho mình.

OSC và VIS hợp nhất: Tìm cơ hội ‘hồi sinh’

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) cho biết, thủ tục hợp nhất giữa VIS và CTCK Đại Tây Dương (OSC) đã hoàn tất, hiện chỉ chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp giấy phép thành lập chính thức.

Hiện tại, VIS đã cơ bản thực hiện xong việc cơ cấu lại sau khi hợp nhất, việc chuyển đổi sở hữu cổ phần cũng đã được hoàn tất. Các cổ đông đang sở hữu cổ phần của VIS và OSC sẽ được chuyển đổi thành cổ phần mới của công ty sau hợp nhất.

Cụ thể, cổ phần của VIS sẽ được chuyển đổi theo tỷ lệ 4:1, nghĩa là cổ đông sở hữu 4 cổ phần VIS sẽ được chuyển đổi thành 1 cổ phần của công ty sau hợp nhất. Tỷ lệ chuyển đổi cổ phần OSC là 13,5:1, cổ đông sở hữu 13,5 cổ phần OSC sẽ được chuyển đổi thành 1 cổ phần của công ty sau hợp nhất.

Trước hợp nhất, OSC là cái tên liên tục bị cơ quan quản lý thị trường đưa vào diện cảnh báo do thua lỗ trong nhiều năm, với mức lỗ lũy kế tính đến hết quý III/2013 hơn 7 tỷ đồng (trước đây, OSC có vốn điều lệ 135 tỷ đồng). Trong khi VIS có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, cũng lỗ lũy kế lên tới 76 tỷ đồng (tính đến hết quý III/2013, thời điểm tiến hành hợp nhất), âm hết vốn chủ sở hữu. Hai CTCK này tiến hành hợp nhất với số vốn điều lệ mới là 60 tỷ đồng và điều quan trọng là các khoản lỗ lũy kế trước đó của cả hai đơn vị được xóa sạch.

Về các thủ tục triển khai, lãnh đạo VIS cho biết, quá trình hợp nhất giữa VIS và OSC đã được lãnh đạo UBCK và các vụ chức năng ủng hộ tích cực. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các Sở giao dịch, Trung tâm Lưu ký cũng như sự hỗ trợ của Ngân hàng Quốc tế (VIB). Hơn nữa, vì trước VIS đã có hai CTCK thực hiện sáp nhập nên mọi thủ tục cũng được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Theo ông Tuấn, Công ty hình thành sau hợp nhất đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về mức độ an toàn tài chính theo quy định của UBCK. 6 tháng đầu năm 2014, Công ty đã có lãi và dự kiến cả năm 2014, lợi nhuận sẽ vượt 5 tỷ đồng so với kế hoạch.

Sau khi hợp nhất, số tài khoản khách hàng của VIS đạt hơn 10.000 tài khoản, trong đó có hơn 2.000 tài khoản từ OSC chuyển sang. Với mức vốn điều lệ hiện tại của Công ty hợp nhất là 60 tỷ đồng nên VIS chỉ được thực hiện hai nghiệp vụ môi giới và tư vấn DN. Ông Tuấn cho biết, dự kiến đầu năm 2015, VIS sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn để phát triển nghiệp vụ môi giới.

Sau thương vụ hợp nhất khá suôn sẻ giữa CTCK MB (MBS) và CTCK VIT từ tháng 12/2013 và nay là VIS và OSC, hiện nay, trên thị trường, nhiều CTCK cũng đang ngỏ ý tìm đối tác để tìm kiếm cơ hội hợp nhất, những mong xóa lỗ và làm lại từ đầu.

“Manh nha” ý định hợp nhất từ năm 2012 nhưng đến nay CTCK APEC vẫn chưa tìm được đối tác cho mình. Mặc dù vậy, trong cuộc trao đổi gần đây, lãnh đạo APEC cho biết, việc này đang được rốt ráo triển khai để vừa đáp ứng định hướng tái cơ cấu thị trường của cơ quan quản lý, vừa tìm đường gỡ khó cho doanh nghiệp. Chiến lược của APEC cũng như những CTCK đang có ý định M&A là muốn tìm kiếm những đối tác có lợi thế cạnh tranh để sau khi tái cơ cấu có thể gia tăng năng lực cạnh tranh cho Công ty.

Mong muốn là như vậy, đồng thời bản thân các lãnh đạo CTCK cũng cho biết, việc hợp nhất là cần thiết để tồn tại, song để tìm được một đối tác đồng thuận về định hướng phát triển là điều không đơn giản và mất rất nhiều thời gian.

Điều này cũng được minh chứng bằng việc dù Đề án tái cấu trúc các CTCK được Bộ Tài chính phê duyệt từ đầu năm 2012, nhưng đến nay mới có 1 “cặp đôi” CTCK thực hiện hợp nhất thành công và 1 cặp đôi sắp được “tác thành”.

Hoàng Anh

{fcomment}