Ngày 6/6, giá dầu thế giới giảm nhẹ, trong khi giá vàng giảm do đồng USD mạnh lên, chứng khoán Mỹ tăng nhẹ khi thị trường đang theo dõi tình hình lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng.
Cơ sở lọc dầu Aramco của Saudi Arabia ở khu vực al-Khurj, phía Nam thủ đô Riyadh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 6/6, giá dầu thế giới giảm nhẹ, trong khi giá vàng giảm do đồng USD mạnh lên, chứng khoán Mỹ tăng nhẹ khi thị trường đang theo dõi tình hình lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng.
Giá dầu thế giới không giữ được mốc 120 USD/thùng trong phiên 6/6
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 6/6, khi Saudi Arabia nâng giá dầu thô tháng Bảy, nhưng cũng có những nghi ngại rằng mục tiêu sản lượng cao hơn của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ sẽ không xoa dịu được tình hình nguồn cung thắt chặt.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 21 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 119,51 USD/thùng sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất trong phiên là 121,95 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 37 xu Mỹ, hay 0,3%, xuống 118,50 USD/thùng sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong ba tháng qua là 120,99 USD/thùng.
Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức (OSP) tháng Bảy đối với dầu thô nhẹ Arab của nước này được xuất sang châu Á thêm 2,10 USD so với giá tháng Sáu lên gần bằng mức giá cao nhất từ trước đến nay ghi nhận hồi tháng Năm.
Quyết định tăng giá này diễn ra sau khi OPEC+ tuần trước đã nhất trí tăng sản lượng tháng Bảy và tháng Tám thêm 648.000 thùng/ngày, tức nhiều hơn 50% so với mức tăng trước đó, nhưng tình hình căng thẳng trong năng lực lọc dầu toàn cầu vẫn khiến giá dầu tăng lên.
Mức tăng mục tiêu nói trên được chia cho tất cả các thành viên OPEC+, nhưng nhiều nước trong số đó chỉ còn rất ít khả năng tăng sản lượng, trong khi Nga còn đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Vì chỉ còn rất ít nước trong OPEC+ có năng lực sản xuất dư thừa, nên các chuyên gia của ngân hàng JP Morgan (Mỹ) dự đoán sản lượng của khối này sẽ chỉ tăng khoảng 160.000 thùng/ngày trong tháng Bảy và 170.000 thùng/ngày trong tháng Tám.
Giá vàng thế giới phiên 6/6 giảm do đồng USD mạnh
Giá vàng kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York giảm trong phiên 6/6 do đồng USD mạnh lên. Cụ thể, giá vàng giao tháng 8/2022 giảm 6,5 USD (tương đương 0,35%), xuống 1.843,7 USD/ounce.
Một cửa hàng vàng tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoài ra, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cũng làm vàng giảm giá.
Giới phân tích thị trường cho biết vàng gần đây chịu ảnh hưởng của chỉ số đồng USD, vốn phụ thuộc vào hai yếu tố gồm có các số liệu kinh tế Mỹ cũng như lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo các chuyên gia, mức giá quan trọng đối với vàng trong tuần này là ngưỡng kháng cự 1.900 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao kỳ hạn tháng Bảy tăng 18,4 xu Mỹ (tương đương 0,84%) lên 22,092 USD/ounce. Còn giá bạch kim giao cùng kỳ hạn tăng 13,6 USD (2,9%) lên 1.030 USD/ounce.
Còn tại Việt Nam, trước khi mở cửa phiên giao dịch ngày 7/6, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,60 - 69,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên 6/6
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ sau phiên giao dịch biến động mạnh ngày 6/6, khi thị trường đang theo dõi tình hình lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng, trước khi số liệu lạm phát được công bố.
Hoạt động giao dịch tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,1% lên 32.915,78 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,3% lên 4.121,43 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,4% và đóng phiên ở mức 12.061,37 điểm.
Chứng khoán Mỹ mở đầu tuần này một cách mạnh mẽ trước khi giảm trở lại khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ, một chỉ báo cho lạm phát và lãi suất, đã tăng lên trên mức 3%.
Ông Art Hogan, chiến lược gia của công ty chứng khoán National Securities (Mỹ), cho biết sự khởi sắc trước đó của chứng khoán Mỹ trong phiên này hầu như không có động lực nào phía sau, ngoại trừ câu chuyện tái mở cửa của Trung Quốc. Ông cho rằng các nhà đầu tư chứng khoán dường như đang “hết nhiệt” với thị trường.
Chứng khoán Mỹ đã ở trong thế phòng thủ trong phần lớn thời gian của năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hành động mạnh mẽ để thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.
Trọng tâm chú ý trong tuần này sẽ là báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 10/6, vốn được xem là cơ sở quan trọng cho những bước đi tiếp theo của Fed.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 6/6, VN-Index tăng 2,03 điểm lên 1.290,01 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 590 triệu đơn vị, tương ứng hơn 16.942 tỷ đồng. Toàn sàn có 141 mã tăng giá, 315 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 3,67 điểm xuống 306,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 85,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.873,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 116 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 3,67 điểm xuống 306,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 76,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.836,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 137 mã tăng giá, 149 mã giảm giá và 63 mã đứng giá./.
Nguồn:vietnamplus.vn
-
Bất động sản công nghiệp đắt khách
-
Kiên Giang đề nghị Bộ GTVT ủng hộ Bamboo Airways bay Rạch Giá
-
Chuyện ít biết về vị bộ trưởng 'quan lộ thần tốc', 'cha đẻ' của cầu Chương Dương
-
Bắc Ninh: Phó Chủ tịch thành phố Từ Sơn bị bắt
-
Mỗi bộ đều muốn bảo vệ “sân” của mình, không thể làm được
-
Ai đang giật dây làm giá đất ven cầu Nhật Tân?
-
HBC khởi công dự án Star Bay tại Phú Quốc
-
Cơ cấu lại nông nghiệp để thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn
-
Lý giải vì sao thí sinh chưa đăng ký được ca thi Kỳ thi đánh giá năng lực
-
Chứng khoán tăng phiên thứ ba liên tiếp