Phiên giao dịch chiều 18/9: Tháo chạy

Áp lực bán tháo đã diễn ra trên diện rộng trong phiên giao dịch chiều nay, đặc biệt là ở các nhóm tăng nóng vừa qua, đẩy cả 2 sàn giảm mạnh.

Phiên giao dịch chiều 18/9: Tháo chạy

Đúng như nhận định của hầu hết các công ty chứng khoán, thị trường trong ngắn hạn vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và khả năng điều chỉnh mạnh rất dễ xẩy ra. Theo KIS, trong một vài phiên tới, các chỉ số sẽ còn rung lắc mạnh khi các quỹ ETF tăng cười tái cơ cấu danh mục cũng như tình trạng phân hóa còn tiếp diễn.

Bước vào phiên giao dịch chiều ngày 18/9, áp lực bán tháo trên diện rộng diễn ra trên cả hai sàn. Toàn bảng điện tử hầu hết đều đỏ điểm, chỉ còn lác đác một số mã duy trì được đà tăng điểm. Tuy nhiên, lực cầu cũng tỏ ra không thua kém và vợt khá mạnh khiến thanh khoản thị trường tăng mạnh.

Đóng cửa, trên sàn HOSE với tới 184 mã giảm, chỉ 52 mã tăng và 50 mã đứng giá tham chiếu. Chỉ số Vn-Index giảm 9,86 điểm (-1,58%) xuống 615,8 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 179,59 triệu đơn vị, trị giá 3.565,23 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận tiếp tục tăng mạnh với khối lượng 16,81 triệu đơn vị, trị giá 681,83 tỷ đồng. VN30 giảm 6,03 điểm (-0,91%) xuống 659,63 điểm với 6 mã tăng, 22 mã giảm và 2 mã đứng giá.

Trên sàn HNX có tới 161 mã giảm, chỉ 70 mã tăng và 46 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index giảm 2,08 điểm (-2,31%) xuống 88,07 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 112,8 triệu đơn vị, trị giá 1.718,98 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,9 triệu đơn vị, trị giá 123,29 tỷ đồng. Nhóm HNX30 có tới 21 mã giảm, chỉ 6 mã tăng và 3 mã đứng giá, chỉ số HNX30-Index giảm 6,01 điểm (-3,2%) xuống 181,78 điểm.

Trên sàn HOSE, GAS là lực cản lớn nhất của thị trường với mức giảm lên tới 5.000 đồng (-4,20%) xuống 114.000 đồng/CP. Bên cạnh đó, các cổ phiếu bluechip khác cũng giảm khá mạnh như CSM giảm 2.700 đồng (-5,53%), DRC giảm 3.500 đồng (-5,69%), FPT giảm 1.500 đồng (-2,65%), KDC giảm 1.000 đồng (-1,68%)…

Trong khi đó, số nhỏ cổ phiếu trong nhóm Vn30 còn giữ được sắc xanh lại chủ yếu giao dịch khá thấp nên hỗ trợ không nhiều cho thị trường như PNJ tăng 1.300 đồng (+4,19%), PPC tăng 600 đồng (+2,42%), MSN tăng 500 đồng (+0,61%)…

Đáng chú ý nhóm cổ phiếu chứng khoán, chỉ sau phiên đột biến tăng trần hôm qua (ngày 17/9) đã suy giảm rất mạnh và những nhà đầu tư mua trần phiên trước đang ngậm ngùi vì đang chịu rủi ro cao. Cụ thể, HCM giảm 2.000 đồng (-4,83%), SSI giảm 1.300 đồng (-4,21%), BSI giảm 300 đồng (-3,03%), còn AGR giảm sàn với mức giảm 500 đồng (-6,17%) xuống 7.600 đồng/CP.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí không còn lình xình dưới mốc tham chiếu nữa, mà đồng loạt giảm sàn gồm PVT, PXI, PXL, PXS, PXT, PTL. Tuy nhiên, thanh khoản của các cổ phiếu này khá cao với PVT khớp 5,26 triệu đơn vị, PTL khớp hơn 3 triệu đơn vị, PXS cũng khớp hơn 2,1 triệu đơn vị cùng PXI và PXL cùng chuyển nhượng hơn 1,5 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thủy sản cũng điểm có một số nhuộm sắc "xanh mắt mèo" như ACL, AVF.

Bên cạnh đó, cổ phiếu đột biến HAG cũng không được như kỳ vọng ở phiên sáng khi lực cầu không còn mạnh mẽ. Đóng cửa, HAG chỉ còn tăng 500 đồng (+2,09%) với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10 triệu đơn vị.

FLC cũng chịu áp lực bán chung của thị trường và tiếp tục rơi thêm một bước giá. Đóng cửa, FLC giảm 300 đồng (-2,50%) xuống 11.700 đồng/Cp với thanh khoản lớn nhất thị trường đạt 17,16 triệu đơn vị.

Ngược lại, SAM lại khá ấn tượng mặc dù giá cổ phiếu giảm mạnh xuống gần mức sàn nhưng lực cầu hấp thụ khá mạnh khiến thanh khoản cổ phiếu tăng cao. Hiện SAM giảm 600 đồng (-4,92%) và thanh khoản đạt hơn 8,25 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, trong khi họ Sông Đà vẫn duy trì đà tăng hỗ trợ tốt cho thị trường, thì nhóm cổ phiếu dầu khí cùng chứng khoán cũng đồng loạt mất phanh. Đáng chú ý trong nhóm dầu khí PVC chạm sàn với mức giảm 4.000 đồng (-9,80%), PVS giảm 2.500 đồng (-5,75%), cùng PVE, PVV, PXA giảm sàn. Trong khi họ chứng khoán có SHS giảm 1.300 đồng (-9,9%) xuống giá sàn, VND giảm 1.100 đồng (-6,18%), BVS giảm 1.300 đồng (-7,74%)…

Cổ phiếu PVX cũng chịu áp lực đẩy bán mạnh khiến giá cổ phiếu rời xa mốc tham chiếu và giảm 300 đồng (-4,76%) xuống 6.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 12,35 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.

Phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại trạng thái mua ròng tuy giá trị khá thấp. Trong đó, trên sàn HOSE, khối này vẫn bán ròng giá trị đạt 72,29 tỷ đồng, còn trên HNX sau 7 phiên bán ròng đã chuyển sang mua ròng 78,28 tỷ đồng.

Phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại trạng thái mua ròng tuy giá trị khá thấp. Trong đó, trên sàn HOSE, khối này vẫn bán ròng giá trị đạt 72,29 tỷ đồng, còn trên HNX sau 7 phiên bán ròng đã chuyển sang mua ròng 78,28 tỷ đồng.

Thanh Thuy

{fcomment}