Phương châm `5 nhà` để phát triển nông nghiệp

Ngày 8/4, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra phương châm “5 nhà” để thành công trong phát triển nông nghiệp.
Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình.Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu tinh thần của Chỉ thị 100, Khoán 10 của Trung ương là cởi trói thì cải cách hiện nay phải trên tinh thần kiến tạo, giải phóng và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp chính là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng nền nông nghiệp kiểu mới, kiến tạo lại nền tảng thị trường nông sản hàng hóa phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến của thế giới. Phải đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn bởi với kinh tế hộ nhỏ lẻ hiện nay khó có thể cạnh tranh trên thị trường.

Phải tạo cơ hội cho nông dân có sự lựa chọn sát hơn với thị trường, “anh không thể sản xuất cái anh có mà sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần”, Thủ tướng nhấn mạnh và bày tỏ vui mừng trước cách làm mới của Thái Bình, vừa thực hiện Luật Đất đai, đồng thời mở ra cơ chế mới về mở rộng hạn điền. Đó là chính quyền đứng ra ký hợp đồng với người dân rồi cho doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp với thời hạn từ 20 năm trở lên.

Bằng cơ chế này, đến nay tỉnh Thái Bình đã vận động tích tụ trên 5.000 ha đất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, kinh tế trang trại, phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô, tạo đột phá cho sự ra đời của thị trường thứ cấp về đất nông nghiệp gắn với việc bảo đảm lợi ích ổn định của người nông dân.

Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện đất chật người đông, Thái Bình cần có phương thức hợp lý để nông dân không bị mất đất mà vẫn tạo ra sản xuất hàng hóa như cách làm trên.

Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng đưa ra phương châm 5 nhà để thành công trong phát triển nông nghiệp gồm: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng.?Với niềm tin sâu sắc vào quê hương của “Tiếng trống năm 30”, Thủ tướng nhấn mạnh, Thái Bình cần phấn đấu trở thành tỉnh tiên phong khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển; tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu cho nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thái Bình có sẵn các điều kiện để hiện thực hóa tầm nhìn này như có trình độ thâm canh cao, hạ tầng nông nghiệp cơ bản, có 200 xã nông thôn mới, có 91 dự án với tổng vốn 3.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gần các trung tâm tiêu thụ lớn…

“Chúng ta đã có những “con sếu” lớn, nhà đầu tư lớn ở Thái Bình hôm nay và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đặt vấn đề. Nhưng tôi đề nghị sau Hội nghị này, tỉnh Thái Bình cần tiếp tục tập trung thu hút được những doanh nghiệp có uy tín, có tiềm lực, có tâm huyết. Không chỉ có một số “con sếu” mà phải có một “đàn sếu” rất đông để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Thái Bình”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng thị sát dự án trọng điểm

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thái Bình, chiều 8/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát việc thi công Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 và thăm Xí nghiệp Phân phối khí thấp áp miền Bắc.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 là một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với tổng vốn trên 26.000 tỷ đồng, gồm hai tổ máy, mỗi tổ máy 300 MW, sản lượng điện sản xuất khoảng 3,6 tỷ kWh/năm. Nhà máy nằm trong Trung tâm Điện lực Thái Bình bao gồm 2 nhà máy nhiệt điện, với tổng quy mô công suất 1.800 MW, tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy. Dự án khởi công từ đầu năm 2014 và dự kiến giữa năm 2018 cả hai tổ máy sẽ đi vào hoạt động. Tổng thầu EPC của Nhà máy là Tập đoàn Marubeni - Nhật Bản. Thị sát việc thi công nhà máy, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn cũng như các tiêu chí về môi trường.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Xí nghiệp Phân phối khí thấp áp miền Bắc thuộc Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp Việt Nam. Đây là công ty cổ phần, trong đó Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nắm 18% vốn điều lệ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hoạt động của Công ty thời gian vừa qua, biểu dương những nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Công ty, đóng góp cho ngân sách, mang lại cổ tức cho nhà đầu tư. Thủ tướng lưu ý Công ty xây dựng thương hiệu lớn mạnh, đóng góp vào thương hiệu PV GAS, nghiên cứu phương án để có sản phẩm mới và nhấn mạnh “không được bằng lòng với doanh số hiện nay”.

TTXVN

 Nguồn Tiền phong Online