Quy tắc thương mại tự do EU và những cuộc chiến rượu vang khốc liệt

Cuộc chiến rượu vang đang diễn ra ở Pháp cũng đang gây ra sự phẫn nộ tại Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu Chính phủ Pháp phải "dập tắt" các cuộc tấn công như vậy và cho rằng hành động này đã vi phạm các quy tắc thương mại tự do của EU.

Vào một buổi tối cuối tháng 3, một nhóm những người trồng nho đeo mặt nạ đen xâm nhập vào một trong những doanh nghiệp nhập khẩu rượu vang lớn nhất nước Pháp và ném ba quả bom xăng. Chỉ trong vài phút, cả cơ nghiệp của Công ty Passerieux Vergnes Diffusion chìm trong biển lửa.

Nông dân nổi dậy

Trước đó, một nhóm nông dân trồng nho đã đột nhập vào hai nhà phân phối rượu lớn tại vùng Languedoc, một trong những vùng trồng nho lớn nhất nước Pháp. Họ phá hủy văn phòng và đổ rượu vang xuống đường, biến đường phố thành một dòng sông đỏ.

Các doanh nghiệp bị nông dân Pháp tấn công có một đặc điểm chung: họ nhập khẩu một lượng lớn rượu vang rẻ tiền từ Tây Ban Nha, khiến cho các nhà sản xuất rượu vang nội địa lo ngại nguồn thu nhập của họ bị ảnh hưởng.

quy-tac-thuong-mai-tu-dong-eu-va-nhung-cuoc-chien-ruou-vang-khoc-liet

Những người làm rượu vang Pháp đứng nhìn rượu chảy xuống đường từ một xe tải chở rượu nhập khẩu từ Tây Ban Nha gần biên giới hai nước. Ảnh: Getty Images

"Tôi rất hoảng loạn. Mọi thứ đã bị phá hủy", ông René Vergnes, một người dân vùng Languedoc, điều hành công ty nhập khẩu và phân phối rượu vang Passerieux Vergnes Diffusion trong 35 năm qua, than thở.

Ông Vergnes là nạn nhân mới nhất trong cuộc chiến tranh rượu vang đang diễn ra khắp các vùng trồng nho nấu rượu lớn nhất của Pháp, nơi các nhà sản xuất rượu vang đang phải cạnh tranh quyết liệt với rượu vang nhập khẩu từ các nước khác trong Liên hiệp châu Âu (EU).

Cuộc chiến rượu vang đang diễn ra ở Pháp cũng đang gây ra sự phẫn nộ tại Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu Chính phủ Pháp phải "dập tắt" các cuộc tấn công như vậy và cho rằng hành động này đã vi phạm các quy tắc thương mại tự do của EU. Các nhà sản xuất rượu vang Tây Ban Nha cũng cho biết hành động quá khích của nông dân Pháp đang làm xao lãng mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với ngành sản xuất rượu vang châu Âu, trong đó có việc Vương quốc Anh rời khỏi EU sẽ khiến xuất khẩu rượu vang sang thị trường lớn nhất của khối này giảm mạnh hoặc trên thị trường toàn cầu rượu vang châu Âu phải cạnh tranh gay gắt với rượu vang từ các nước ngoài khối như Úc, Chile và nhiều quốc gia khác.

Cạnh tranh không công bằng?

Mặc dù Pháp thường được biết đến là một nhà sản xuất rượu vang danh tiếng, cất rượu trong những lâu đài cổ xưa, nhưng ở khu vực Languedoc, hay còn được biết đến với cái tên Pays d'Oc, hơn một thế kỷ qua người dân đã xây dựng ngành công nghiệp rượu vang nhắm tới phân khúc bình dân, giá rẻ.

Những người trồng nho ở vùng này cho rằng, họ đang đối mặt với cạnh tranh không công bằng, đặc biệt là từ Tây Ban Nha, nơi cuộc khủng hoảng kinh tế mấy năm trước đã làm cho giá rượu vang giảm mạnh.

Nhiều người nhấn mạnh, các quy tắc thương mại của EU càng làm trầm trọng thêm những khó khăn của họ gặp phải thông qua việc cho phép tự do lưu chuyển hàng hóa nội khối mà đôi khi không đáp ứng các yêu cầu về sản xuất và chất lượng tại nước nhập khẩu. Các tiêu chuẩn dán nhãn của EU cũng giúp các nhà bán lẻ dễ dàng xóa bỏ sự khác biệt giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa của Pháp.

Từ mùa hè năm ngoái đến nay, nông dân trồng nho nổi loạn của nước Pháp đã thực hiện hàng chục vụ tấn công các xe tải chở rượu vang từ Tây Ban Nha ở biên giới nước Pháp và đổ rượu vang trên các con đường cao tốc. Những vụ tấn công hung hãn đó cũng nhắm tới các doanh nghiệp như ông Vergnes, người đã môi giới cho một số khách hàng Pháp ký hợp đồng tiêu thụ rượu vang Tây Ban Nha.

Pháp đã tìm nhiều cách để làm dịu tình hình. Tháng trước, chính phủ nước này đã tổ chức một cuộc họp gồm các bộ trưởng và các đại diện nhà sản xuất rượu vang của Pháp và Tây Ban Nha. Kết thúc buổi họp, tất cả đều lên án các hành động bạo lực và đồng ý cần tăng cường hợp tác.

Song tại vùng Languedoc, nơi những vườn nho trải dài từ Thung lũng sông Rhône đến biên giới Tây Ban Nha, các tuyên bố như trên không tạo ra nhiều khác biệt.

Trong khi một số nhà máy rượu vang địa phương đã đầu tư vào các sản phẩm chất lượng cao hơn, nhiều nông dân trồng nho vẫn sản xuất ra rượu vang rẻ tiền nhắm tới phân khúc khách hàng ít tiền. Chính những người này bị ảnh hưởng nhiều nhất từ rượu vang nhập khẩu.

Với chi phí lao động và thuế cao gấp gần hai lần so với ở Tây Ban Nha, các nhà sản xuất rượu của Pháp phải rất chật vật khi cạnh tranh. Pháp cũng áp dụng các quy định về trồng nho nghiêm ngặt, tốn kém hơn so với các quy định ở Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác.

"Rượu Tây Ban Nha không phù hợp với các quy định của chúng tôi, nhưng EU lại yêu cầu chúng tôi chấp nhận nó", ông Puech, người sở hữu một vườn nho ở La Rouvière, một ngôi làng phía Bắc thành phố Nîmes, cho biết. "EU như một khuôn mẫu thiếu sức sống. Nó tạo ra những bất lợi về cạnh tranh trong cùng một thị trường", ông nói.

Các nhà sản xuất rượu vang Tây Ban Nha cho rằng, lập luận trên chỉ là một cái cớ biện minh cho chủ nghĩa bảo hộ. "Chúng tôi sản xuất rượu với chi phí thấp hơn vì mức lương thấp hơn", Juan Corbalán García, người đại diện cho các hợp tác xã nông nghiệp thực phẩm ở Brussels, nói. "Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta đang cạnh tranh không công bằng".

Chờ đợi sự thay đổi

Khu vực Languedoc vừa mới bắt đầu hồi phục sau một đợt mất mùa kéo dài cả một thập kỷ. Thời kỳ đó, nhiều nhà sản xuất rượu vang rơi vào tình trạng phá sản, vài người đã phải tự tử. Sản lượng rượu vang chỉ mới hồi phục và đạt đỉnh vào năm 2015.

Trong những năm sản lượng thấp, các thương nhân như ông Vergnes chọn mua rượu vang Tây Ban Nha để bù vào khoản thiếu hụt từ nguồn rượu vang trong nước. Nhưng khi sản lượng đã hồi phục, các nhà sản xuất ở Languedoc lại đối mặt với tình trạng rượu tồn kho không bán được do các nhà môi giới vẫn tiếp tục nhập khẩu rượu vang Tây Ban Nha. Năm ngoái, Pháp đã trở thành nhà nhập khẩu rượu vang lớn nhất từ Tây Ban Nha, theo FrancAgriMer, một cơ quan nông nghiệp của Pháp.

Hàng ngàn người đã biểu tình, yêu cầu Chính phủ Pháp tạo ra sân chơi bình đẳng bằng cách giảm thuế và các loại phí. Các hiệp hội đã gặp các nhà bán lẻ để yêu cầu dán nhãn xuất xứ rõ ràng hơn. Và khi các cuộc họp không mang lại kết quả nào, những người trồng nho đã hành xử theo cách riêng của họ. Nhiều người biểu tình đã đập vỡ hàng ngàn chai rượu tại các siêu thị như Carrefour, bán các loại rượu vang Tây Ban Nha rẻ tiền nhưng lại trình bày giống như rượu vang Pháp với nhãn dán in hình ảnh các tòa lâu đài, các cánh đồng hoa lavender, và bán với giá cạnh tranh ngang ngửa với rượu Languedoc để thu lợi.

Một người trồng nho ở Languedoc cho biết họ đã bị đẩy đến giới hạn cuối cùng. Ông nói thêm rằng các cuộc biểu tình và tấn công đã dừng lại nhưng có thể tiếp tục nếu mọi việc không được cải thiện. Ông cho biết mình đã nhìn thấy cha mẹ và các gia đình khác ở Languedoc bị rơi vào vòng xoáy nợ nần trong suốt thời kỳ khủng hoảng rượu vang trước đó và mong muốn tránh khỏi một cuộc khủng hoảng mới.

"Tôi không làm việc đó cho vui", một nông dân trồng nho nói về các cuộc tấn công mà ông trực tiếp tham gia. "Nhưng trong một hệ thống toàn cầu, những người ở dưới đáy của chuỗi giá trị luôn luôn bị thiệt hại nhất. Chúng tôi muốn được lắng nghe".

Ông Vergnes, ông chủ của công ty môi giới nhập khẩu rượu vang bị đốt cháy Passerieux Vergnes Diffusion ở trên cho rằng, thông điệp của nông dân trồng nho Pháp dường như đã có tác dụng. Bên cạnh việc dừng các hợp đồng mua rượu của Tây Ban Nha, ông Vergnes đang đặt nhãn hiệu mới cho các loại rượu vang ở vùng Languedoc, có in logo "Made in France".

Các nhà phân phối rượu vang Pháp chính hãng cũng đang thảo luận cách thức cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng dễ phân biệt về chất lượng. Carrefour và các nhà bán lẻ lớn khác đã đồng ý mua thêm rượu vang của vùng Languedoc và trưng bày sản phẩm này nổi bật tại các kệ hàng với những ký hiệu rõ ràng phân biệt giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu.

"Languedoc luôn là một vùng đất quyến rũ", ông Vergnes nói. "Nhưng tôi có thể hiểu rằng họ đang trong tình trạng khủng hoảng", ông nói thêm. "Nếu họ không làm tất cả điều này, liệu mọi thứ có thực sự thay đổi?".

(Theo Douongnhapkhau.com.vn)