Nhiều câu hỏi của báo giới tập trung vào các sai phạm đất đai đã được nêu ra tại cuộc họp báo Thanh tra Chính phủ quý IV/2014 tổ chức cuối tuần qua. Đây cũng là lĩnh vực được Thanh tra Chính phủ ghi nhận giá trị sai phạm lớn trong năm.
Tại cuộc họp báo, liên quan đến câu hỏi trên 10 héc-ta đất của Tập đoàn Nam Cường được UBND TP. Hải Dương giao cho xây dựng khu đô thị theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, Nam Cường bán cho Công ty Hải Linh trong khi dự án chưa có quyết định cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra Chính phủ đã vào thanh tra, vậy việc mua đi bán lại dự án như vậy có những sai phạm gì? Ông Phí Ngọc Tuyển, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương rà soát lại việc này, hiện vụ việc đang trong quá trình thanh tra, chưa ra kết luận chính thức.
Liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng Khu kinh tế Vũng Áng có nhiều sai phạm, nhiều báo đặt câu hỏi, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp giấy chứng nhận cho Tập đoàn Formosa không đúng quy định lên tới 70 năm, trong khi thẩm quyền chỉ có 50 năm. Tại sao đến thời điểm này, Thanh tra Chính phủ chưa công bố kết luận thanh tra tại Hà Tĩnh và sai phạm này sẽ bị xử lý ra sao? Đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, kết luận thanh tra tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2004 - 2011 đã được xây dựng xong, tuy nhiên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn xin lùi thời gian công khai kết luận thanh tra để chờ ý kiến các bộ ngành. Sau khi có ý kiến các bộ ngành, Thanh tra Chính phủ đã dự kiến công bố kết luận thanh tra, nhưng do công văn của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thuộc nhóm văn bản mật, nên Thanh tra Chính phủ đang phải chờ xin ý kiến Thủ tướng mới công bố.
Về việc giao đất, theo Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, theo Luật Đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ có thẩm quyền giao đất dự án thời hạn 50 năm, kéo dài hơn, UBND tỉnh phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai lại có quy định cho phép địa phương có thể giao đất tới 70 năm. Khu kinh tế Vũng Áng là dự án lớn, có yếu tố nước ngoài, hiện Chính phủ đang chỉ đạo ưu tiên thực hiện nhằm hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đồng thời do có sự vênh nhau giữa các quy định về giao đất nên vụ việc này cần phải được xem xét cẩn trọng.
Cũng liên quan đến các sai phạm về đất đai, Thanh tra Chính phủ cho biết, qua thanh tra tham nhũng tại Hà Nội, phát hiện sai phạm lên tới trên 1.500 tỷ đồng, chủ yếu là nợ tiền sử dụng đất, chậm nộp tiền thuê đất, sử dụng đất. Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, Hà Nội phải đôn đốc thu hồi hơn 1.500 tỷ đồng vào ngân sách. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn có thể không có khả năng nộp, do đó, Hà Nội phải có chế tài tiếp theo. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan để xảy ra tình trạng trên, Thanh tra Chính phủ cũng đã làm rõ các nguyên nhân chủ quan và kiến nghị giải pháp xử lý.
Năm 2014, Thanh tra Chính phủ tiến hành 55 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng của địa phương; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và thanh tra trách nhiệm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Trong đó có 16 cuộc thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý khai thác khoáng sản và đầu tư xây dựng của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến nay đã kết thúc 44 cuộc, ban hành 27 kết luận thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm số tiền 13.664 tỷ đồng, 638 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi 1.216 tỷ đồng, 6 héc-ta đất; kiến nghị xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và xử lý khác 12.448 tỷ đồng, 632 hé-ta đất; kiến nghị xem xét trách nhiệm và xử lý hành chính 28 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 7 vụ việc.
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương triển khai 7.017 cuộc thanh tra, kết thúc và ban hành kết luận 5.340 cuộc; phát hiện vi phạm số tiền là 8.172 tỷ đồng, 2.400,5 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 6.843 tỷ đồng, 1.676,6 héc-ta đất; kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 1.329 tỷ đồng, 723,9 héc-ta đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.073 tập thể, 15.421 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 48 vụ việc.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Thực phẩm rẻ tiền là khắc tinh của bệnh ung thư
-
Sức khỏe bé 7 tháng tuổi sống sót sau gần 1 giờ ngã xuống biển hiện ra sao?
-
Đầu tư SCIC đăng ký mua 790.000 cổ phiếu VNM
-
Căn hộ 100 m2 cho người mê sách
-
Lần đầu ngồi xe điện VN Electric Car tham quan Sapa cảm giác như thế nào?
-
Honda HR-V có giá khoảng 600 triệu đồng
-
Làm gì khi thưởng Tết không như mong đợi?
-
Máy đánh bóng rung 3 chiều LKH-PB: Chất lượng, giá tốt từ LEKAR
-
Motorola Moto E7 Power ra mắt, giá từ 2,4 triệu đồng
-
Ngôi nhà gần 100 năm của cặp vợ chồng đẹp bất ngờ sau cải tạo