Đề án tái cơ cấu ngành xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành theo Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 26/1/2015, trong đó có những mục tiêu lớn có thể làm thay đổi tương quan thị trường bất động sản trong những năm tới.
Đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 25m2/người
Đối với lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, phấn đấu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25 m2/người; giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư xây dựng mới khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị; tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%.
Đây là những mục tiêu rất lớn, bởi ngay tại một thị trường bất động sản phát triển với thu nhập bình quân đầu người vào loại cao nhất cả nước như TP. HCM, tính đến cuối năm 2014, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, diện tích nhà ở bình quân đầu người mới đạt 16,9 m2.
Bên cạnh đó, một mục tiêu lớn nữa là phát triển thị trường bất động sản ổn định, vững chắc, có cấu trúc hoàn chỉnh và cơ cấu hợp lý; khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và các loại bất động sản khác; phấn đấu nguồn thu từ kinh doanh bất động sản và đất đai đạt từ 10 - 15% tổng nguồn thu ngân sách.
Về lĩnh vực vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, phấn đấu chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng bảo đảm các tiêu chuẩn trong nước, một số đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; giá trị sản xuất, giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng duy trì sự tăng trưởng ổn định, bền vững, bình quân khoảng 10%/năm; sản xuất xi măng đạt khoảng 115 triệu tấn/năm; đồng thời, phát triển mạnh sản phẩm cơ khí xây dựng, nhất là các sản phẩm cơ khí phi tiêu chuẩn; tăng tỷ trọng cơ khí chế tạo trong nước.
Đề án cũng nêu rõ định hướng tái cơ cấu một số lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của ngành xây dựng. Trong đó, về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản sẽ tiếp tục rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên phạm vi cả nước, tiến hành phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với kế hoạch phát triển từng loại bất động sản của từng địa phương; nghiên cứu, giải quyết tình trạng các khu đô thị mới dở dang, nhất là tại Hà Nội và TP. HCM.
Đồng thời, Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, nhằm cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp, thông qua các hình thức hỗ trợ về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng ưu đãi. Cùng với đó là mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài...
Phát triển đa dạng các loại hàng hoá bất động sản
Để thực hiện mục tiêu trên, định hướng xuyên suốt là tăng cường vai trò quản lý, kiểm soát của Nhà nước đối với thị trường bất động sản phải dựa trên nguyên tắc Nhà nước quản lý bằng công cụ pháp luật, chủ động điều tiết thị trường với tư cách đại diện chủ sở hữu đất đai thông qua việc kiểm soát thị trường quyền sử dụng đất sơ cấp và ban hành các chính sách tín dụng, thuế, tài khoá một cách linh hoạt.
Bên cạnh đó, sẽ tái cơ cấu hàng hoá bất động sản theo hướng phát triển đa dạng các loại hàng hoá bất động sản, nhất là bất động sản nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Quy định về cơ cấu các loại nhà ở, đa dạng hoá sản phẩm ngay từ khâu quy hoạch, phê duyệt dự án, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển cân đối cung - cầu và có khả năng thanh toán. Đẩy mạnh phát triển nhà xã hội và nhà thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp, điều chỉnh hợp lý nguồn cung nhà ở thương mại cao cấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên phạm vi cả nước, tiến hành phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu thị trường, phù hợp với kế hoạch phát triển từng loại bất động sản của từng địa phương...
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian tới, Cục sẽ xây dựng kế hoạch triển khai từng nội dung cụ thể của Đề án để mọi thành phần liên quan cùng thực hiện.
“Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, nhằm cải thiện về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp thông qua các hình thức hỗ trợ về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng ưu đãi…”, ông Hà nói và cho biết thêm, cần hình thành và tạo điều kiện để các định chế tài chính phi ngân hàng như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tín thác bất động sản… phát triển, để thu hút các nguồn vốn cho thị trường bất động sản; điều chỉnh chính sách tín dụng, tài khoá để tạo điều kiện về vốn trung hạn và dài hạn cho các chủ thể tham gia thị trường; hoàn thiện chính sách thuế, phí và lệ phí để khuyến khích sử dụng có hiệu quả bất động sản, giao dịch công khai, hạn chế đầu cơ, trốn lậu thuế.
Bên cạnh những giải pháp cơ bản trên, theo ông Hà, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các địa phương, cũng như việc sử dụng đất theo kế hoạch được duyệt, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Đối với các công trình nhà ở đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính từ khâu thẩm định, phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án. Đặc biệt là giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án cho phù hợp với nhu cầu thị trường; thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; Tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan, các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở tạo điều kiện cho người dân mua nhà có đủ điều kiện sinh sống tại các khu nhà ở đã được xây dựng.
Trong cuộc trao đổi với Đầu tư Bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngay tại khu vực đô thị, theo tính toán của Bộ Xây dựng, còn tới 80% số người cần sự hỗ trợ về nhà ở. Chính vì vậy, theo ông Dũng, việc thực hiện quyết liệt Chiến lược nhà ở quốc gia với mục tiêu lớn nhất là cải thiện chất lượng, số lượng nhà ở cho người dân, kể cả những người nghèo, người không có thu nhập là rất quan trọng.
“Với ngành xây dựng, phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu bắt buộc. Không có chuyện tự nguyện, tự giác như trước đây. Trách nhiệm đảm bảo nhà ở cho người dân là trách nhiệm có tính pháp lệnh”, ông Dũng khẳng định.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Xe điện Tùng Lâm: Đảm bảo tiến độ sản xuất, bàn giao đúng hạn trong mùa dịch
-
16 ứng dụng Android độc hại cần xóa ngay khỏi điện thoại của bạn
-
20 tháng 10 và những nữ doanh nhân tròn vẹn hai vai
-
Giá vàng trong nước bật tăng gần 200 nghìn đồng/lượng
-
Ngắm mẫu iPhone SE 2022 sắp ra mắt đẹp mãn nhãn
-
Thị trường ô tô trước giờ “G”: Xe sang vắt chân lo chạy thuế
-
Suy thoái kinh tế: Ngày càng bi quan
-
Gần 300 người Việt ở Ukraine về nước
-
Ra mắt xe sang thể thao Lexus LC Coupe 2021 mới
-
Cô giáo 22 tuổi mất tích bí ẩn trên đường đi dạy học