Thăm ngôi nhà trăm cột

Ngôi nhà cổ nằm trong một khuôn viên rộng hơn 4.000 m2.

Dù gọi là nhà trăm cột những sự thực, ngôi nhà có đến 120 cột, trong đó 68 cột chính và 52 cột vuông nhỏ phụ trợ. Với tổng diện tích là 882 m2 tọa lạc trong khu vườn rộng hơn 4.000 m2, ngôi nhà có chiều ngang là 21 m, dọc 42 m. Nhà có kiểu chữ “Quốc” với 3 gian, 2 chái. Điều độc đáo hơn nữa, đây là ngôi nhà rường miền Trung điển hình nằm lọt giữa vùng quê Nam Bộ. Hơn 100 năm đã trôi qua với bao mưa nắng nhưng ngôi nhà vẫn vững chãi, đặc biệt là những giá trị trong kỹ thuật chạm khắc khiến công trình này trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo ở vùng đất này.

Nhiều nhà chuyên môn đã đánh giá, nhà trăm cột là một công trình kiến trúc, điêu khắc cổ mang đậm phong cách Huế còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Công trình này cũng là một tuyệt phẩm thể hiện đôi bàn tay khéo léo của con người. Nhà trăm cột được dựng hoàn toàn bằng gỗ cẩm lai, gỗ mun, gỗ đỏ… Tài liệu của gia chủ cho thấy, ngôi nhà này do ông Trần Văn Hoa đầu tư xây dựng. Trước đây ông Hoa là Hương Sư làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn, có chân trong Hội đồng địa hạt. Nhờ khẩn hoang hơn 500 ha đất lúa tốt, lại gặp giá bán cao nên ông nhanh chóng trở nên giàu có.

Theo các ghi chép để lại, nhà trăm cột được khởi công từ đầu năm 1898 đến năm 1904 thì hoàn thành. Có khoảng 15 thợ mộc tham gia hoàn thiện công trình này. Đó là những người thợ lành nghề, được ông Hoa đón từ Huế vào để thi công. Các tư liệu cũng cho biêt, những người thợ đã mất tới 3 năm cho việc chạm khắc. Ban đầu, nhà có 160 cột, diện tích xây dựng gần 900 m2, nhưng bây giờ ngôi nhà còn 120 cột…

Nhà trăm cột, mặt tiền hướng Tây Bắc, có kiến trúc kiểu xuyên trính (còn gọi là nhà đâm trính, nhà rường) - một kiểu thức truyền thống, phổ biến, điển hình cho lối kiến trúc nhà dân dụng của tầng lớp trên ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX, có mái rui, lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9 m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác.

Ngay trước mái hiên là 8 đầu kèo được chạm trổ theo kiểu “vân hóa long” (mây hóa rồng). Những hình ảnh vân hóa long này được cách điệu, chỉ là hình ảnh mây, hoa lá mà tạo nên được một cái đầu rồng. Bên cạnh đó, còn có kiểu “dây lá hóa” đặc trưng của Huế rất sắc sảo.

Mái nhà lợp ngói âm dương đại - tiểu có 3 lớp, lớp trong cùng bắng ngói trắng có tính cách nhiệt, tác dụng như một trần nhà, nên dù bên ngoài nắng nóng mà trong nhà vẫn mát rượi. Nền nhà cao khoảng 0,9m bằng đá, nền lát gạch tàu hình lục giác. Chính diện có 3 bậc cấp đi vào nhà, bậc cấp chính nằm giữa có 6 bậc tượng trưng cho sinh – lão – bệnh – tử – sinh – lão dùng cho bậc trưởng thượng hay gia chủ đi vào, còn bậc cấp 2 bên chỉ có 5 bậc tượng trưng cho sinh – lão – bệnh – tử – sinh dùng cho hàng con cháu.

Bên trong ngôi nhà trăm cột.

Kết cấu của toàn bộ ngôi nhà gồm có: Ngôi nhà chính có 3 gian 6 chái, phần trước là được thiết kế kiểu “ngoại khách nội tự” nghĩa là phía ngoài cùng là phòng khách, phía sau là nơi thờ tự. Phần sau và các chái để ở và sinh hoạt, phòng ăn nhà bếp, sân sau diện tích 100m² nằm gọn trong tòa nhà phía sau có 2 dãy lu chứa nước…

Nhiều tác phẩm điêu khắc trong ngôi nhà trăm cột ở Long Hựu thôn là thực hiện “điêu khắc trên không” nghĩa là các nghệ nhân phải đeo tòng teng lên mái nhà hoặc đứng trên thang để khắc chạm, chứ không phải ngồi ở dưới đất chạm khắc để lắp ghép như bây giờ.

Sự sáng tạo nhiều kiểu thức của nghệ thuật trang trí từ cặp lồng đèn kéo quân cho đến bộ salon hình thúng. Ngoài những “mô-típ” cổ điển, các yếu tố Nam Bộ cũng được lồng ghép một cách khéo léo nằm bên cạnh các đồ án phương tây được chạm khắc với nhiều thủ pháp kỹ xảo điêu luyện.

Quan sát kỹ công trình này có thể nhận ra nét tài hoa của người thiết kế và thi công. Tuy vậy, có được công trình đến ngày hôm nay chúng ta đặt chân thăm quan, tìm hiểu thì không thể không biết ơn ông chủ Trần Văn Hoa. Với đam mê của một người nghệ sĩ, ông đã dành ra một số tiền rất lớn để xây dựng nên ngôi nhà này. Vào thời điểm đó điều này ít người làm được.

Năm 1997, nhà trăm cột đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Kể từ đó đến nay, mỗi năm ngôi nhà độc đáo xứ Cần Đước đón nhiều bà con từ các địa phương, và rất nhiều khách du lịch nước ngoài cũng tìm đến.


Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết