Tử thần rình rập 23 sinh mạng
Đợt mưa giông năm 2018 đã khiến nửa ngọn núi đá Lèn Bai với khoảng gần 1.000m3 đá đổ ụp xuống, rất may gia đình bà Phạm Thị Lương, trú thôn Xuân Lộc, xã Xuân Khang, huyện Như Thanh và các hộ dân lân cận đều thoát nạn trong gang tấc. Với bà Lương và 3 hộ dân khác đang sinh sống tại đây, đó là một ký ức kinh hoàng. Khi chúng tôi đến, căn nhà của bà Lương đang trong tình trạng cửa đóng, then cài từ mấy ngày trước. Hàng xóm của bà cho biết, sau trận mưa lớn hồi đầu năm, cả gia đình bà Lương với 7 nhân khẩu đã đưa nhau đi tránh nạn tại nhà của một người họ hàng ở xã bên.
Rời nhà bà Lương, chúng tôi tìm đến gia đình anh Lô Văn Quý. Trong căn nhà gỗ khá khang trang của mình, anh Quý buồn rầu cho biết: Trận lở núi năm 2018 đã lấy đi của gia đình anh một căn chòi tạm với 4 con dê, 6 cây lát cổ thụ cùng nhiều hoa màu trồng sát chân núi, rất may không có thiệt hại về người. Ngay sau sự cố, vì lo sợ ngọn núi tiếp tục gieo tai ương, gia đình anh cùng 3 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đã làm đơn gửi lên chính quyền các cấp tại huyện Như Thanh, đề nghị được di dời, tái định cư đến nơi ở mới an toàn hơn. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, anh đã lên xã xin rút lại đơn, không chuyển đi nữa vì… lâu không thấy núi sạt, nỗi sợ đã dần mòn theo thời gian.
“Thực sự thì ngay sau khi xảy ra vụ lở núi, chúng tôi rất muốn chuyển đến nơi ở mới để bảo đảm an toàn, yên tâm sinh sống. Nhưng tính lại, giờ chuyển đến nơi ở mới, số tiền hỗ trợ của Nhà nước là không đủ để chúng tôi làm nhà. Nếu dựng lại được nếp nhà như hiện tại, người dân chúng tôi buộc phải vay ngân hàng, trong khi nguồn thu của gia đình rất eo hẹp. Với lại, chúng tôi đã nhiều đời gắn bó với mảnh đất này rồi, giờ không đành rời bỏ nó để ra đi. Thôi thì đành phó mặc cho Trời!”– anh Quý bày tỏ.
Tìm hiểu về nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở núi đá tại đây, chúng tôi được người dân cho biết: Ngọn núi Lèn Bai từ 2018 trở về trước vốn chưa từng xảy ra hiện tượng sạt lở đá. Tuy nhiên vào khoảng năm 2010, tại đây xảy ra một vụ cháy rừng kéo dài, đá vôi bị nung đỏ đã khiến kết cấu rắn chắc của đá núi bị phá vỡ, dẫn đến vụ sạt lở vào tháng 9/2018 như đã nói ở trên. Hiện nay, qua các đợt mưa lớn, tình trạng sạt lở núi đá vẫn xảy ra cục bộ. Đơn cử như vào tháng 4/2019, lại xảy ra một đợt sạt lở nghiêm trọng khác tại khu vực này… Theo thống kê của UBND xã Xuân Khang thì số hộ nằm trong vùng nguy hiểm, bị đe dọa trực tiếp là 4 hộ với 23 nhân khẩu.
Chưa thể di dời vì vướng thủ tục
Vì sao nằm trong vùng nguy hiểm suốt gần 2 năm qua mà 4 hộ dân với hơn 20 sinh mạng tại thôn Xuân Lộc vẫn chưa thể di dời đến nơi an toàn? Đem câu hỏi này đến UBND xã Xuân Khang, chúng tôi được ông Lê Kim Do- Chủ tịch UBND xã Xuân Khang cho biết: Ngay sau khi xảy ra hiện tượng lở núi, đe dọa cuộc sống của các hộ dân khu vực thôn Xuân Lộc, chính quyền địa phương đã cho cắm biển cảnh báo, cấm người và gia súc qua lại trong vùng nguy hiểm, đồng thời báo cáo cụ thể tình hình lên huyện. Trước sự cấp bách này, UBND huyện Như Thanh đã giao cho xã xây dựng phương án di dời 4 hộ dân. UBND huyện Như Thanh cũng thống nhất trích từ ngân sách huyện, hỗ trợ mỗi hộ nằm trong diện phải di dời 50 triệu đồng, số kinh phí này sẽ được bố trí thông qua nguồn ngân sách năm 2020 của xã. Tuy nhiên đến nay, UBND xã Xuân Khang vẫn chưa nhận được khoản tiền này.
Sau khi xây dựng kế hoạch, UBND xã đã lên phương án để di dời các hộ dân đến khu đất tại trường tiểu học thôn Xuân Lộc cũ hiện nay đã không còn sử dụng. Tuy nhiên vì đây là đất công, nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua. Trong khi đó, mãi đến tháng 1/2020, dự án tái định cư cho 4 hộ dân nói trên mới được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt đưa vào kế hoạch sử dụng đất của huyện năm 2020. “Nguyên nhân chính dẫn đến việc chúng tôi chưa thể di dời bà con ra vùng an toàn vẫn là do vướng thủ tục thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công. Tôi đã giao cho địa chính xã cùng các ban ngành phải hoàn tất các hồ sơ thủ tục liên quan đến việc thu hồi đất ngay trong nửa đầu tháng 2/2020 để trình UBND tỉnh, phấn đấu trước mùa mưa bão sẽ hoàn thành việc di dời các hộ dân ra nơi ở mới!”– ông Do nói.
Về vấn đề người dân tại xã Xuân Lộc đã đồng loạt rút đơn, xin được ở lại, ông Lê Kim Do cũng cho biết: Mặc dù mức hỗ trợ cho bà con là thấp nhưng xã đang khẩn trương vận động người dân di dời vì sự an toàn của chính họ. Hơn nữa đây là quy định, không thể khác được. “Để người dân yên tâm chuyển đến nơi ở mới, xã cũng đã lên phương án sẽ cấp cho mỗi hộ dân 500m2 đất, trong đó có 400m2 đất ở và 100m2 đất canh tác. Đồng thời, UBND xã Xuân Khang sẽ đề nghị với huyện UBND huyện Như Thanh, sau khi di dời người dân sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích nơi ở cũ của họ thành đất canh tác và giao lại cho người dân canh tác, có thêm nguồn sinh kế!”– ông Do cho biết thêm.