Tuy không có những vụ việc đình đám như Sonasezi, Tung Kuang, Hào Dương, nhưng thời gian qua, bất chấp mức xử phạt đã được nâng lên, số lượng các vụ xả thải ra môi trường có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa với thủ đoạn tinh vi hơn.
Tràn lan vi phạm
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an), từ đầu năm đến nay, vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, các làng nghề, lưu vực sông, khu đô thị... vẫn diễn ra khá phổ biến.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 320 triệu đồng đối với Công ty TNHH Duyệt Cường (xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa) sau khi phát hiện mỗi ngày dây chuyền sản xuất của công ty này xả từ 200 đến 400 m3 chất thải chưa qua xử lý ra sông, suối, khiến nước sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại Hưng Yên, ngày 28/8, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định xử phạt hơn 120 triệu đồng đối với Công ty BEEAHN Việt Nam (thôn Cao Xá, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ) sau khi công ty này bị lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường của Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.
Trước đó, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Tuấn Cường Plastic số tiền gần 220 triệu đồng, do gây ô nhiễm môi trường đối với 2 xã Chỉ Đạo và Minh Hải ở huyện Văn Lâm.
Tại tỉnh Tây Ninh, ngày 4/9, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hải Dương (ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) 227,5 triệu đồng về hành vi xả nước thải vào sông Vàm Cỏ Đông không có giấy phép, vượt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Ngày 25/8, Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Ninh cũng phát hiện Nhà máy chế biến hạt điều của Công ty TNHH Rals Quốc tế Việt Nam tại xã Bình Minh, TP. Tây Ninh xả nước thải từ ao chứa nước thải ra vườn cao su giáp nhà máy chảy về khu vực cầu Bến Dầu. Trước đó, Chi cục đã kiểm tra và bắt quả tang Nhà máy khoai mì thuộc Công ty TNHH tinh bột sắn huyện Dương Minh Châu xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh có văn bản tạm dừng hoạt động 44 nhà máy mì, cao su cho đến khi 44 doanh nghiệp đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải theo quy định và được Sở thẩm định, cho phép vận hành thử nghiệm.
Ngoài ra, hàng loạt vụ xả thải ra môi trường của các doanh nghiệp trên khắp cả nước đã bị phát hiện, xử lý như: PC49 - Công an tỉnh Hậu Giang bắt quả tang Công ty cổ phần Thủy sản Nam Sông Hậu (Khu công nghiệp Sông Hậu) trung bình mỗi ngày xả 450-900 m3 nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; Công an huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) phát hiện việc xả thải trái quy định tại hồ chứa xỉ thải thuộc Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (xã Phục Lễ)…
Doanh nghiệp chưa chùn tay
Theo số liệu của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày có 240.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra môi trường. Cơ quan chức năng nhận định, việc doanh nghiệp chấp nhận xả thải rồi bị phạt là do chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung cao hơn nhiều lần tiền phạt.
Chế tài xử lý xả thải ra môi trường được quy định cụ thể tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, mức phạt cao nhất đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng, đối với tổ chức là 2 tỷ đồng. Ngoài mức phạt hành chính, còn hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 1 đến 24 tháng.
Nghị định 179 cũng có quy định về việc khắc phục hậu quả vi phạm với điểm mới là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính gây ra và buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm gây ra theo quy định.
So với quy định trước đó, mức xử phạt cao nhất đã được điều chỉnh theo hướng tăng lên, nhưng chưa đủ để làm chùn tay doanh nghiệp. Kết quả thanh tra tại tỉnh Quảng Ngãi của Đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã chứng minh điều đó.
Theo ông Lương Duy Hanh, Chánh thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khi cơ quan chức năng tiến hành thanh tra 23 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thì có đến 18 doanh nghiệp vi phạm. Trong số 6 khu công nghiệp và 48 cụm công nghiệp được kiểm tra, mới có 2 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
“Nhiều dự án đi vào hoạt động, nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp còn ít, chưa phản ánh đúng thực tế. Số tiền xử phạt 6 tháng đầu năm có 230 triệu đồng là quá nhỏ so với thực tế vi phạm”, ông Hanh nhận xét.
Theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt vì việc đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải tốn kém hơn nhiều lần so với việc nộp tiền phạt. Mức phạt cho hành vi xả thải vẫn được coi là nhẹ, chưa đủ sức răn đe với doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, chế tài trong các quy định pháp luật của Việt Nam vẫn chưa có nhiều sức nặng để cưỡng chế doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường, do đó, nhiều cơ sở sản xuất vẫn thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường.
baodautu.vn
{fcomment}
-
Thanh khoản nhích tăng, tiền tiếp tục 'ập vào' cổ phiếu bất động sản
-
Cuộc chiến “đất vàng”
-
'Cò đất' lộng hành tại miền Trung
-
Đơn vị cung cấp đá nhân tạo cao cấp tại Hà Nội đảm bảo chất lượng?
-
FECON thành lập công ty liên doanh tại Myanmar
-
Ông Duterte quyết điều tra tháp đuốc gần 1 triệu USD ở SEA Games
-
Thị trường văn phòng TP. HCM, chưa thể vội mừng
-
Đi công tác dài ngày lãnh đạo vẫn yên tâm khi sử dụng phần mềm quản lý công việc CloudOffice
-
DBC đạt lợi nhuận 20,7 tỷ đồng trong quý II
-
Danh sách 82 trường ĐH-CĐ sử dụng điểm thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM