Thủ tục hành chính bảo hiểm xã hội sẽ còn 50 giờ

 Cùng với ngành thuế, bảo hiểm xã hội (BHXH) được đánh giá là lĩnh vực “nặng gánh” nhất trong việc thực hiện cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong năm qua, nhằm thực hiện bằng được mục tiêu giảm số giờ thực hiện TTHC xuống 49,5 giờ, tương đương mức bình quân của các nước ASEAN 6 đến cuối năm 2015, để cải thiện môi trường kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ.

Thủ tục hành chính bảo hiểm xã hội sẽ còn 50 giờ

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, năm 2014 được coi là năm hoàn thiện cơ chế chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tự nguyện và là năm cải cách mạnh mẽ TTHC của BHXH Việt Nam, để tiến tới cắt giảm mạnh số giờ thực hiện TTHC trong năm 2015, tạo thuận lợi nhất cho người dân và các doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng các dịch vụ BHXH.

Theo ông Sinh, việc cắt giảm số giờ thực hiện TTHC trong thời gian qua của BHXH chủ yếu tập trung trên 3 khía cạnh, đó là giảm thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin và thông qua cách thức tiếp nhận và trả kết quả. Đối với việc giảm số giờ thông qua cắt giảm thủ tục, trên thực tế, không phải đến bây giờ mà ngay từ năm 2010, BHXH Việt Nam đã rà soát và cắt giảm bộ TTHC từ 263 thủ tục xuống còn 115 thủ tục, nhờ đó đã được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận giảm 119 giờ, từ 335 giờ trước xuống còn 216 giờ. Năm 2014, với việc ban hành Quyết định 1018/QĐ-BHXH về việc sửa đổi công tác thu chi các loại BHXH, y tế và thất nghiệp, dự kiến sẽ giảm được hơn 100 giờ thực hiện các TTHC.

Cụ thể, theo kết quả báo cáo của BHXH, với việc bỏ mẫu văn bản đề nghị của đơn vị trong 8 thủ tục và bỏ bản danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT trong 10 thủ tục quy định tại Quyết định số 1111/QĐ-BHXH, đã giảm được khoảng 24 giờ cho việc sắp xếp tài liệu giấy tờ, in báo cáo định kỳ, chuẩn bị biểu mẫu báo cáo, thu thập và kiểm tra các tài liệu, chuẩn bị giấy tờ chứng minh. Cùng với đó, việc bỏ các chỉ tiêu về “ngày, tháng, năm sinh, giới tính, mức đóng cũ, đến tháng… năm, không trả thẻ, đã có sổ BHXH” trên danh sách lao động tham gia đóng BHXH và BHYT đã giảm thêm được 40,5 giờ cho việc thu thập thông tin của người lao động, nhập thông tin, kiểm tra các tài liệu, sắp xếp hồ sơ tài liệu, đối chiếu, kê khai, ghi nhận của cơ quan BHXH.

Ngoài ra, cùng với việc sửa đổi khâu thu hồi thẻ BHYT khi người lao động thôi việc, di chuyển hoặc nghỉ chế độ tại đơn vị theo cách khi người lao động chuẩn bị ngừng việc tại đơn vị, đơn vị đó có thể thông tin cho cơ quan BHXH biết trước để báo giảm, đơn vị có trách nhiệm thu hồi thẻ của người lao động trả cho cơ quan BHXH, đã giảm thêm được 36 giờ cả năm, tổng cộng là giảm được 105 giờ cho cả năm.

Liên quan đến việc giảm giờ thông qua thay đổi cách thức tiếp nhận và trả kết quả, với việc thực hiện Quyết định số 1018, ông Sinh cho biết, đã thay đổi cơ bản cách thức tiếp nhận và trả kết quả của BHXH. Theo đó, bên cạnh phương thức tiếp nhận và trả kết quả tại trụ sở BHXH như vẫn thực hiện từ trước tới nay, thì BHXH áp dụng phương thức mới, cơ quan BHXH tỉnh, huyện cử cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại DN hoặc hợp đồng với bưu điện để thực hiện việc chuyển, nhận hồ sơ.

“Với việc áp dụng phương thức này, DN sẽ không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi việc thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH và không phải trả cước phí dịch vụ vận chuyển”, ông Sinh phân tích và cho biết thêm, với những thay đổi trong cách tiếp nhận và trả kết quả như vậy, dự kiến, trong năm 2015 sẽ có thể giảm thêm khoảng 25 giờ.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin và giao diện điện tử vào các giao dịch tác nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm mạnh số giờ thực hiện các thủ tục so với trước đây. Năm 2014, BHXH đã đưa vào triển khai thí điểm giao dịch bằng phần mềm hỗ trợ kê khai thủ tục BHXH và bảo hiểm y tế áp dụng cho 30.000 DN tại 36 tỉnh, thành. Theo tính toán, với hình thức kê khai được hỗ trợ bằng phần mềm này sẽ có thể giảm số giờ thực hiện TTHC thêm khoảng 40 giờ nữa trong năm 2015.

Cũng liên quan ứng dụng công nghệ thông tin, bắt đầu từ 1/4/2015, BHXH cho biết sẽ thực hiện giao dịch điện tử theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đánh giá của WB, nếu thực hiện hình thức giao dịch điện tử thì số lần giao dịch được tính là 1 lần so với 12 lần/năm như hiện nay.

“Với việc đưa vào áp dụng hình thức giao dịch điện tử này, sẽ góp phần giảm mạnh số lần giao dịch, nhờ đó, tiết kiệm thời gian, chi phí, mang lại lợi ích hết sức thiết thực cho DN”, bà Joanna Nasr, đồng tác giả Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB nhấn mạnh.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán