Thủ tướng: 'Đội mũ bảo hộ, đeo khẩu trang trong lớp thì sao học được'

Sáng 7/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp nghe Ban chỉ đạo quốc gia báo cáo tình hình dịch Covid-19 và các biện pháp mới.

Sau 21 ngày qua không có ca mắc mới trong cộng đồng, người đứng đầu Chính phủ nhận định Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch Covid-19, dần trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới, 100% số tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại ổn định.

Giảm giãn cách xã hội thế nào để trở lại bình thường?

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không thể lơ là, mất cảnh giác bởi nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài còn lớn. Tình hình dịch bệnh trên toàn cầu còn diễn biến xấu, nhiều nước đang lây nhiễm mạnh, số người tử vong cao; một số nước ASEAN tình hình diễn biến phức tạp. Đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra vaccine phòng bệnh.

Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận các biện pháp giảm “giãn cách xã hội” thế nào để trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý về những biện pháp phòng dịch chưa phù hợp đang áp dụng ở một số địa phương. Thủ tướng dẫn chứng: “Vào lớp học vừa đội mũ bảo hộ, vừa đeo khẩu trang thì làm sao các em học được trong mùa hè nóng bỏng này”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bàn về việc giảm giãn cách xã hội thế nào để trở lại hoạt động bình thường sau dịch. Ảnh: VGP.

Câu chuyện học sinh quay trở lại trường sau dịch Covid-19 phải đeo khẩu trang, đội nón chống giọt bắn vừa qua nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng các giải pháp này là không cần thiết, có thể ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Trả lời câu hỏi của Zing về việc này tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết trong các tiêu chí đánh giá về nhà trường an toàn do Bộ Y tế khuyến cáo, không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn.

Theo ông, đây là sự sáng tạo của các địa phương, vì vậy, các địa phương cần cân nhắc cho phù hợp.

Tại cuộc họp sáng 6/5, Ban chỉ đạo quốc gia cũng cho rằng một số trường học có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như yêu cầu học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn, lớp học không được bật điều hòa... là cứng nhắc, máy móc, thậm chí cực đoan.

Theo các chuyên gia, những biện pháp này không những không cần thiết mà còn hại cho sức khỏe của học sinh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), phân tích việc mang nón che giọt bắn trong thời gian dài rất khó chịu. Học sinh không sử dụng quen sẽ đổ mồ hôi, ảnh hưởng đến mắt do trẻ thấy khó chịu nên dễ dùng tay để chạm vào mắt thường xuyên, đặc biệt là các em có đeo kính cận.

Tiếp tục kiểm soát người nhập cảnh, cách ly bắt buộc 14 ngày

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, tính đến 18h ngày 6/5, thế giới ghi nhận hơn 3,74 triệu người mắc tại 214 quốc gia, vùng lãnh thổ; 258.846 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, kể từ ngày 16/4 đến nay không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới tại cộng đồng. Trong vòng một tuần qua, chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc mới là chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, được cách ly ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Đến ngày 6/5, ổ dịch thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và xã Phố Là (Đồng Văn, Hà Giang) sau 28 ngày thực hiện cách ly y tế, không phát hiện trường hợp mắc mới cũng đã được gỡ phong tỏa.

Như vậy, về cơ bản tình hình dịch tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát tốt, nguy cơ xuất hiện các trường hợp dương tính tiềm ẩn trong cộng đồng là rất thấp.

Ban chỉ đạo quốc gia cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, với số mắc và số tử vong cao ở nhiều nước trên thế giới.

Vì vậy, vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài để có thể nới lỏng được ở bên trong, nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Ban chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người nhập cảnh và thực hiện cách ly 14 ngày một cách phù hợp và xét nghiệm đối với tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam. 


Nguồn: Báo Zing