Thụy Sỹ: Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng trong tháng 6/2022

Nhóm dự báo kinh tế BAK Economics cho biết lạm phát, trên thực tế đã vắng bóng hơn một thập kỷ qua, đang trở lại Thụy Sỹ.

Chi phí cho hàng hóa gia dụng của người tiêu dùng Thụy Sỹ trong tháng 6/2022 đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,5% so với tháng trước đó, chủ yếu do chi phí nhiên liệu và dầu sưởi tăng cao.

Chi phí cho hàng hóa gia dụng của người tiêu dùng Thụy Sỹ trong tháng 6/2022 đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Historical Church

Văn phòng Thống kê Liên bang Thụy Sỹ (FSO) ngày 4/7 cho biết tỷ lệ lạm phát lõi (không bao gồm chi phí năng lượng và nhiên liệu) của nước này là 1,9% vào tháng Sáu.

FSO cũng cho biết giá của tất cả hàng hóa nhập khẩu đã tăng 8,5% trong tháng trước. Theo số liệu mới nhất, các sản phẩm xăng dầu trong tháng Sáu đã đắt hơn 48,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chi phí được chuyển cho người tiêu dùng tại các trạm xăng - với chi phí vận tải tăng 13%.

Dầu sưởi, được sử dụng để sưởi ấm nhiều ngôi nhà ở Thụy Sỹ, nằm trong số các sản phẩm "Năng lượng và Nhiên liệu" đã tăng giá gần 30%. Cơ quan quản lý năng lượng Thụy Sỹ đã cảnh báo hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình sẽ tăng đến 47% trong năm tới. Trái cây và rau quả - một trong những mặt hàng “không bền” cũng tăng giá đáng kể.

Theo công ty chuyên về nền tảng giao dịch trực tuyến SMG Swiss Marketplace Group và công ty tư vấn bất động sản IAZI, thị trường bất động sản vẫn chưa cảm nhận được tác động của lạm phát, với mức chào bán căn hộ tăng 1,1% trong tháng Sáu. Các chuyên gia bất động sản cho rằng lãi suất tăng sẽ tiếp tục giữ giá trong tầm kiểm soát, cùng với sự gia tăng chi phí sưởi ấm.

BAK Economics cũng tự tin rằng một số yếu tố sẽ giúp kéo chậm đà tăng lạm phát hàng năm xuống 2,7% cho Thụy Sỹ. Chúng bao gồm việc tăng lãi suất, tăng lương vừa phải và nới lỏng nguồn cung bị thắt chặt – yếu tố đã gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu kể từ khi kết thúc các biện pháp phong tỏa để phòng dịch COVID-19. Những dấu hiệu đầu tiên về sự nới lỏng trong nhu cầu đã xuất hiện khá rõ ràng, với giá của một số mặt hàng đã có xu hướng giảm gần đây.

Tuy nhiên, mức tăng lạm phát trong tháng Sáu vẫn là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1993 của Thụy Sỹ. Dù vậy, tỷ lệ tăng vẫn thấp hơn mức được ghi nhận ở Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 8,6%.

Điều này là do đồng franc Thụy Sỹ mạnh giúp các nhà nhập khẩu có sức mua lớn hơn. Ngoài ra, mạng lưới thủy điện của Thụy Sỹ giúp đất nước này ít phụ thuộc vào khí đốt và dầu nhập khẩu hơn các nước láng giềng như Đức.

Song lạm phát vẫn cao hơn lãi suất mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, buộc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) phải tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng trước. SNB dự kiến lạm phát sẽ đạt 2,8% trong cả năm và các nhà kinh tế dự kiến sẽ tăng lãi suất trong những tháng tới.

SNB cũng đã giảm tốc mua ngoại tệ để ngăn đồng franc tăng giá quá cao. Điều này báo hiệu rằng SNB đã sẵn sàng để duy trì sức mạnh của đồng franc Thụy Sỹ so với các loại tiền tệ khác nhằm kiềm chế lạm phát./.

Nguồn: bnews.vn