TP.HCM cần cơ chế mới đột phá và tương xứng để phát triển

Các đại biểu Quốc hội cho rằng cơ chế mới cho TP.HCM thay thế Nghị quyết 54 cần đủ hai yếu tố là tương xứng và đột phá.

Chiều 17-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi giám sát đối với UBND TP việc thực hiện Nghị quyết 54/2017 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm 2022; phương hướng, giải pháp các tháng cuối năm 2022.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa và đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Cần 10 lít xăng mà cắt còn 8 lít, làm sao chạy?

Tại buổi giám sát, ĐBQH - luật sư Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận giai đoạn đầu TP triển khai thực hiện Nghị quyết 54 khá tốt, xây dựng hàng loạt đề án tương đối tạm ổn. Tuy nhiên, đến nay nhìn lại, nhiều việc chưa làm được tốt.

Theo ĐB Nghĩa, về khách quan, tình hình dịch COVID-19 có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Nghị quyết 54, TP phải cách ly thời gian dài khiến nhiều dự án, chính sách bị ách tắc. Ông cũng nhìn nhận việc khai thác Nghị quyết 54 phục vụ cho một số dự án chống ngập, xây dựng TP thông minh chưa được tốt.

Kiến nghị để xây dựng một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, ĐB Nghĩa cho rằng cần nhấn mạnh đến tỉ lệ ngân sách để lại cho TP. Theo ĐB Nghĩa, Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP không có nghĩa là TP xin cơ chế ưu đãi mà nhằm để TP có điều kiện hoàn thành vai trò, nhiệm vụ đầu tàu của mình, góp phần cùng cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể, để thực hiện thành công các mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng thì TP phải phát huy được vai trò của mình thông qua Nghị quyết 54 và một số chính sách khác, trong đó có tỉ lệ ngân sách để lại.

“Khi đề nghị một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thì phải có cơ chế để TP hoàn thành vai trò, sứ mệnh mà Đại hội XIII của Đảng đề ra” - ĐB Nghĩa nói và dẫn chứng việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM cũng là một nhiệm vụ mà Đại hội XIII đề ra.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng kiến nghị cơ chế cho TP.HCM phải đủ hai yếu tố là tương xứng và đột phá. Ông cho rằng TP “cần 10 lít xăng mà cắt còn 8 lít là không được”. Trong đó, TP cần quyết liệt đề xuất về cơ chế nguồn thu nhập cho cán bộ, công chức TP, để cán bộ không phải “đi làm thêm chuyện này, chuyện kia mới đủ sống”.

Theo ĐBQH - luật sư Trương Trọng Nghĩa, nghị quyết (mới) thay thế Nghị quyết 54 phải có cơ chế để TP.HCM hoàn thành vai trò, sứ mệnh mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Vành đai 3: Cần chuẩn bị ngay từ bây giờ

Liên quan đến dự án đường vành đai 3, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh đây là một dự án của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo vị trí, thu hút đầu tư cho cả vùng kinh tế chứ không chỉ riêng TP.HCM.

ĐB Nghĩa kiến nghị khi xây dựng đường vành đai 3 không nên tận dụng quỹ đất hai bên để tạo nguồn vốn. Ông dẫn chứng khi làm đường Xuyên Á đã tận dụng quỹ đất hai bên để làm cây xăng, buôn bán…; nếu áp dụng việc này khi làm đường cao tốc sẽ không đạt hiệu quả.

“Muốn tạo quỹ đất phải trổ đường nhánh vào trong vài trăm mét để xây dựng các khu đô thị mới, ai muốn mua sắm, đổ xăng vào trong đó, chứ không khai thác lộ giới hai bên để xây nhà cửa, làm đẩy giá đất lên” - ĐB Nghĩa phân tích.

Về dự án này, ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, cho rằng đến thời điểm này, về mặt thủ tục và khâu chuẩn bị có thể yên tâm.

Theo ĐB Ngân, điều đáng lo là khâu triển khai. “Đường vành đai 2 đến giờ này chưa khép kín được, cái dở dang của đường vành đai 2 là nỗi trăn trở, mỗi lần tiếp xúc với ĐBQH, cử tri hay nhắc đến dự án này” - ĐB Ngân chia sẻ và nhìn nhận TP cần chuẩn bị dự án vành đai 3 như thế nào, triển khai ra sao để khi thông qua chủ trương đầu tư thì nhấn nút triển khai ngay.

ĐB Ngân cũng lo lắng đến yếu tố giá cả, lạm phát sẽ tác động lớn đến chi phí xây lắp. Do đó, TP cần chuẩn bị kịch bản về nguồn vốn. Cạnh đó là kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, theo ông Ngân, cần làm sao để không dẫn đến thưa kiện, thắc mắc của người dân. ĐB Ngân cho biết đây là những việc cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ chứ không phải đợi QH thông qua dự án.•

Tránh việc xin cơ chế nhưng không thực hiện được

Kết luận buổi giám sát, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, chia sẻ với những khó khăn do dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết 54. ĐB Tuyết đề nghị UBND TP có nghiên cứu để thực hiện tốt hơn khi có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Theo ĐB Tuyết, nhiều nội dung ban hành sớm nhưng triển khai chậm, nhất là liên quan đến quản lý tài chính ngân sách, cơ chế quyền; nhiều nội dung đề án được giao từ đầu nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Đồng thời, một số nội dung TP đề xuất nhưng không đủ nguồn lực thực hiện. ĐB Tuyết dẫn chứng nguồn lực liên quan đến nguồn cải cách tiền lương. “Nguồn của mình ít, thậm chí là thiếu nhưng mình lại đề xuất trung ương cho mình cơ chế đó” - bà nói và dẫn chứng việc ứng vốn cho các dự án sử dụng ngân sách trung ương hay chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức khiến cán bộ rất vui nhưng không làm được như kế hoạch đề ra.

“Không thể chúng ta xin nhưng cuối cùng chính chúng ta lại không thực hiện được” - bà Tuyết chia sẻ.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị UBND TP cần xác định rõ nguyên nhân của những hạn chế khi thực hiện Nghị quyết 54. Trong đó có nguyên nhân từ TP và cũng có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các cơ quan trung ương, do sự tháo gỡ của trung ương quá chậm nên TP không có được các nguồn thu.

Nguồn: https://plo.vn/tp-hcm-can-co-che-moi-dot-pha-va-tuong-xung-de-phat-trien-post680467.html