Những mâu thuẫn trong việc hợp tác đầu tư, khai thác mỏ đá hoa tại Khau Tu Ka (Lục Yên, Yên Bái) đã khiến hai bên đưa nhau ra tòa.
Được biết, từ năm 2004, CTCP Tập đoàn Thái Dương đã tổ chức khảo sát và lựa chọn mỏ đá hoa tại Khau Tu Ka để làm thủ tục xin đầu tư khai thác. Cũng trong năm này, ông Phan Quốc Quảng và bà Lương Tuyết Hạnh có tham gia góp vốn đầu tư mỏ đá Khau Tu Ka.
Theo nguyên đơn - CTCP Tập đoàn Thái Dương, ông Đoàn Văn Huấn, đại diện theo pháp luật của Công ty đồng ý để ông Quảng, bà Hạnh tham gia góp vốn với tư cách cá nhân và hưởng lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn. Thỏa thuận này không có văn bản nhưng cả hai bên đương sự đều thừa nhận. Ông Quảng và bà Hạnh mỗi người đóng góp 30% trong số 9 tỷ đồng vốn cần huy động kinh doanh. Sau đó, ông Quảng và bà Hạnh đã nộp tiền mặt mỗi người khoảng 300 triệu đồng.
Đến năm 2006, Cục Địa chất khoáng sản cấp phép cho Công ty Thái Dương được phép thăm dò mỏ đá, diện tích 6,5 héc-ta. Tháng 2/2007, Công ty Thái Dương và ông Quảng, bà Hạnh đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất - kinh doanh với nội dung các bên cùng góp vốn để tổ chức khai thác, sản xuất và tiêu thụ thành phảm đá vôi trắng tại mỏ đá Khau Tu Ka, tổng vốn góp là 9 tỷ đồng, Công ty Thái Dương góp 40%, ông Quảng và bà Hạnh mỗi người góp 30%.
Tháng 8/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác đá hoa trắng bằng phương pháp lộ thiên cho Công ty Thái Dương. Quá trình đầu tư kéo dài 9 năm, ông Quảng đã góp tổng cộng 880 triệu đồng, bà Hạnh góp 890 triệu đồng. Theo đơn khởi kiện của Công ty Thái Dương, công ty này đã đầu tư gần 40 tỷ đồng trên tổng giá trị dự án 170 tỷ đồng.
Sau này giữa hai bên đã phát sinh mâu thuẫn, phía ông Quảng, bà Hạnh đề nghị Công ty Thái Dương thành lập chi nhánh tại Yên Bái để thực hiện công việc đã thỏa thuận, đồng thời yêu cầu lập tài khoản riêng để theo dõi chi tiêu các khoản tiền đã đóng góp. Tuy nhiên, Công ty Thái Dương không đồng ý vì cho rằng, việc này trái với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Số tiền góp vốn của ông Quảng, bà Hạnh không được các cổ đông nhất trí cho hạch toán vào dự án mỏ đá Khau Tu Ka, do đó, Công ty Thái Dương không có nghĩa vụ giải trình các khoản tiền mà Công ty đã chi tiêu không có sự thống nhất của ông Quảng, bà Hạnh.
Theo Công ty Thái Dương, ông Quảng, bà Hạnh còn tìm người mua mỏ đá, tự giới thiệu mình là cổ đông của mỏ đá và đề nghị các bên thống nhất để bán nhưng Công ty Thái Dương không đồng ý.
Sau đó, giữa hai bên có nhiều lần va chạm, hai bên đều khẳng định bên kia đã thuê người đe đọa, đánh đối phương.
Công ty Thái Dương đề nghị Tòa án tuyên bố chấm dứt hợp đồng hợp tác sản xuất - kinh doanh mà hai bên đã ký vì ông Quảng, bà Hạnh đã có vi phạm vượt quyền hạn của bên góp vốn kinh doanh và có hành vi đe dọa, xâm phạm đến tài sản của Công ty, không thiện chí hợp tác. Công ty Thái Dương sẽ hoàn trả số tiền góp vốn và lãi cho ông Quảng, bà Hạnh.
Ông Quảng, bà Hạnh có đơn phản tố cho rằng, số tiền góp vốn chưa đủ không phải do họ không đóng góp, mà do ông Huấn cố tình không đồng ý cho họ nộp. Tháng 12/2012, bà Hạnh và ông Quảng dưới sự chứng kiến của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Yên Bái đã gặp ông Huấn để góp vốn nhưng ông Huấn không đồng ý với ý kiến của ông Quảng lafà yêu cầu lập chi nhánh tại Yên Bái và có 30% cổ phần trong chi nhánh.
Theo ông Quảng, bà Hạnh, đề nghị chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư của Công ty Thái Dương là không có cơ sở pháp lý, trong khi đó dự án đã đi vào khai thác và phát sinh lợi nhuận, nhưng những thành viên góp vốn lại không nhận được đồng tiền nào.
Ông Quảng, bà Hạnh đề nghị Tòa án bác yêu cầu chấm dứt hợp đồng của nguyên đơn; hoặc nếu chấm chấm dứt hợp đồng thì Công ty Thái Dương phải thanh toán cho họ mỗi người 30% giá trị mỏ đá mà họ đã đầu tư ứng với giá trị mỏ tạm tính là 200 tỷ đồng; hoặc Công ty Thái Dương chuyển nhượng lại mỏ đá cho họ và họ sẽ thanh toán cho Công ty Thái Dương 40% trên tổng giá trị mỏ đá 200 tỷ đồng.
Đơn phản tố của ông Quảng, bà Hạnh đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị Tòa án buộc Công ty Thái Dương phải thành lập chi nhánh để thực hiện các công việc theo hợp đồng như đã thỏa thuận, buộc Công ty Thái Dương lập tài khoản riêng theo dõi các khoản tiền đã góp, buộc Công ty Thái Dương tiến hành bổ sung ông Quảng, bà Hạnh cùng là nhà đầu tư trên giấy phép đầu tư.
Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Quảng, bà Hạnh, và không xem xét yêu cầu khởi kiện của Công ty Thái Dương, bởi yêu cầu khởi kiện đã bị đình chỉ do nguyên đơn không cử người tham gia tố tụng.
Sau khi có bản án sơ thẩm, Công ty Thái Dương đã kháng cáo và Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã có đơn kháng nghị bản án nói trên.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Triệu phú Mỹ Vương Phạm: Tôi áy náy vì lấy đi chén cơm của người khác
-
Công nghệ mới trên iPhone 15 Pro
-
Đâu là đơn vị chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ tiệc lưu động trọn gói tại Hà Nội?
-
Thực hiện lối sống lành mạnh để phòng tránh ung thư
-
Madrid sẽ cấm ô tô cá nhân vào năm 2019
-
10.000 nhân viên FPT chinh phục 13 vòng Trái Đất để gây quỹ từ thiện
-
Thửa thêm chìa khóa, khoắng gần 50 chiếc điện thoại di động
-
Nên chọn Hàn Quốc hay Nhật Bản để đi du học?
-
Khó kỳ vọng lợi nhuận của PXT
-
VN-Index có khả năng sẽ lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.380-1.400 điểm