Chạy mô hình toán, phát hiện lỗi hậu tái cấu trúc 3 ngân hàng

Với những con số được lượng hóa nhờ mô hình đã cho thấy không ít ngân hàng có hiệu quả giảm sau khi sáp nhập, hợp nhất, tự tái cấu trúc.....

Chạy mô hình toán, phát hiện lỗi hậu tái cấu trúc 3 ngân hàng

Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu đang diễn ra ngày hôm nay tại Ninh Bình, phân tích định lượng kết quả tái cơ cấu nhóm các ngân hàng TMCP thực hiện mua bán, sáp nhập và tự tái cấu trúc giai đoạn 2011 - 2013, GS. Trần Thọ Đạt và các cộng sự tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, kết quả chạy mô hình DEA đã cho thấy sự thay đổi hiệu quả giảm về lợi nhuận của các ngân hàng.

Đầu tiên, đối với ngân hàng HDBank, hiệu quả lợi nhuận sụt giảm sau khi tiến hành sáp nhập DaiABank. Sự thay đổi này có thể được giải thích như sau: trước M&A, HDBank là ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh và không bị xét vào nhóm ngân hàng yếu kém. Ngược lại, DaiABank lại là ngân hàng có quy mô nhỏ và hoạt động mang tính chất địa phương với tỷ lệ nợ xấu liên tục tăng.

Do vậy, sau khi DaiABank sáp nhập, HDBank phải gánh tỷ lệ nợ xấu khá lớn (hơn 5%) của DaiABank, khiến cho mức độ hiệu quả lợi nhuận của HDB bị giảm từ 1 điểm năm 2011 xuống 0,93 điểm năm 2013.

Ngoài HDBank, GS. Trần Thọ Đạt và các cộng sự cho rằng, Navibank dù được NHNN chấp thuận tự tái cấu trúc nhưng kết quả mô hình DEA cho thấy quá trình này của Navibank đã không tạo được chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Ngược lại, so với năm 2011, hiệu quả lợi nhuận của Navibank năm 2013 đã bị giảm tới 0,14 điểm. Kết quả này khá tương đồng với kết quả thu thập được từ báo cáo tài chính của Navibank, khi đến 31/12/2013 trong cơ cấu tài sản có của Navibank có tới hơn 3.100 tỷ đồng các khoản phải thu, các khoản lãi và phí phải thu, trong đó các khoản lãi và phí phải thu tăng mạnh từ 1.325 tỷ đồng đầu năm 2013 lên tới hơn 2.231 tỷ đồng cuối 2013.

Còn đối với ngân hàng LienVietPostBank và Vietinbank (bán cổ phần chiến lược), nghiên cứu của GS. Trần Thọ Đạt và các cộng sự cho thấy, cả trước và sau quá trình mua bán, sáp nhập, bán cổ phần chiến lược, hai ngân hàng này đều đạt mức hiệu quả lợi nhuận bằng 1.

Thực tế, LienVietPostBank được sáp nhập từ hai tổ chức tín dụng có tình hình tài chính lành mạnh. Tương tự, trước khi bán cổ phần cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, VietinBank cũng không nằm trong nhóm các ngân hàng bị khoanh vùng yếu kém. Chính vì vậy, cho dù có sự thay đổi về sở hữu, hai ngân hàng LienVietpostbank và Vietinbank đều không gặp khó khăn trong việc duy trì hiệu quả về lợi nhuận.

Cuối cùng, kết quả mô hình DEA cho thấy sự chuyển biến tích cực về hiệu quả lợi nhuận của PVcombank, SHB và TPBank sau tái cấu trúc. Sau khi hợp nhất PVFC và Westernbank, hiệu quả về lợi nhuận của PVcombank có sự thay đổi nhẹ, tăng 0,06 điểm.

Đối với SHB, từ hiệu quả lợi nhuận đạt 0,93 điểm năm 2011, sang năm 2013, hiệu quả về lợi nhuận đã đạt 0,96 điểm. Điều này thể hiện rằng quá trình sáp nhập Habubank vào SHB bước đầu đã thành công tốt đẹp.

Tương tự như SHB, TPBank từ mức hiệu quả lợi nhuận chỉ đạt 0,63 điểm năm 2011 đã tăng lên đến 0,99 điểm năm 2013. Kết quả này có được là do TPBank đã tự tái cấu trúc thành công với việc tận dụng thế mạnh của cổ đông chiến lược là Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI.

Bảng: Kết quả mô hình DEA đánh giá hiệu quả về lợi nhuận của ngân hàng trước và sau tái cấu trúc

STT

Ngân hàng

Hiệu quả

lợi nhuận 2011

Hiệu quả về lợi nhuận 2013

1

HDBank

1.00000

0.93978

2

Lienvietpostbank

1.00000

1.00000

3

Navibank

0.95397

0.81332

4

PVcombank

0.67122

n/a

5

SHB Bank

0.93006

0.95855

6

TPBank

0.63192

0.99266

7

Vietinbank

1.00000

1.00000

Hồng Dung

{fcomment}