Tránh ngộ nhận dẫn tới 'lạc lối' trong đầu tư chứng khoán

Thời kỳ 'mở mắt là chứng khoán lên' đã xa, thị trường đang rơi vào xu hướng giảm chưa thấy đáy. Tuy nhiên, xét về dài hạn, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt, song 'miếng bánh' này không phải 'dễ xơi', nhà đầu tư cần xem xét một cách cẩn trọng trước khi xuống tiền để tránh rơi vào những ngộ nhận gây 'lạc lối', nhất là giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay.

Hiện tại, P/E VN-Index đang về mức khoảng 11 lần, thấp hơn so với mặt bằng chung các thị trường trong khu vực có thể so sánh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Còn nếu nhìn về quá khứ thì VN-Index đang ở mức rẻ kỷ lục so với các năm 2008, 2018 và 2012.

Không phải cổ phiếu nào giảm giá cũng là hấp dẫn

Tính tới nay đã có tới hàng trăm cổ phiếu về dưới mệnh giá, và số mã cổ phiếu “trà đá” cũng tăng đột biến. Các chuyên gia cho rằng, với triển vọng sáng cùng mức P/E hấp dẫn, chứng khoán Việt đang trong "thời điểm vàng" để đầu tư.

Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào giảm giá cũng xứng đáng để “xuống tiền”, bởi trên thị trường chứng khoán (TTCK) không gì là không thể, cổ phiếu vốn đã rẻ vẫn còn có thể rẻ hơn, ngay cả những cổ phiếu “quốc dân”.

Nhà đầu tư cần xem xét một cách cẩn trọng trước khi xuống tiền để tránh rơi vào những ngộ nhận gây "lạc lối" (Ảnh: Int)

Chẳng hạn, trong bối cảnh thị trường chung điều chỉnh mạnh như hiện nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng “quốc dân” một thời đã về mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua sau khi đã “bay” hơn 50% giá trị (tính theo giá điều chỉnh). Trong đó, có một số mã đang giao dịch dưới mệnh giá như VBB của VietBank, VAB của Việt Á, ABB của An Bình.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã chiết khấu sâu từ đỉnh nhưng vẫn đang trong quá trình “dò đáy”, bởi nhóm ngành này đang đứng trước những thông tin tiêu cực như việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại, từ đó gây ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Hay như cổ phiếu HPG của doanh nghiệp đầu ngành thép - Tập đoàn Hòa Phát. Hiện tại, cổ phiếu này đang về mức 17.500 đồng/cp, tương đương với P/E là 2,56. Những tưởng P/E càng thấp thì cổ phiếu càng trở nên "rẻ" nhưng có những trường hợp lại không phải như vậy, và cổ phiếu HPG là một trong số đó, bởi đây là cổ phiếu có tính chu kỳ. P/E giảm cho thấy dấu hiệu ngành kinh doanh của doanh nghiệp đã đến chu kỳ giảm và khi đó, một doanh nghiệp dù làm ăn tốt đến mấy cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy.

“Với hầu hết các cổ phiếu, tỷ lệ P/E thấp được coi là một điều tốt lành, nhưng với các cổ phiếu chu kỳ thì điều này là ngược lại. Chỉ số P/E thấp của các công ty chu kỳ là dấu hiệu cho thấy công ty đang ở vào khúc cuối của giai đoạn thịnh vượng”, huyền thoại đầu tư Peter Lynch chỉ ra trong cuốn sách "Đánh bại Phố Wall".

Thực tế, bản thân Peter Lynch cũng từng phạm phải sai lầm. Năm 1971, khi là một nhà phân tích còn non tại Quỹ Fidelity, cổ phiếu Kaiser (KALU) đã giảm từ 25 xuống còn 11 USD/cp, Peter Lynch cho rằng đây là mức giá tốt để mua vào. Lãnh đạo của Fidelity làm theo ý kiến của công và mua vào 5 triệu cổ phiếu.

Ba tháng sau, cổ phiếu Kaiser vẫn tiếp tục giảm chỉ còn 10 USD/cp. Peter Lynch lại tiếp tục xúi mẹ mình mua mạnh vào. Ông cho rằng giá này đã là sàn lắm rồi, không thể thấp hơn được. Tuy nhiên, sau đó, Kaiser vẫn tiếp tục giảm, xuống 9, 8, 6 và cuối cùng là 4 USD/cp. Peter Lynch cùng đồng đội của ông đã phải gồng lỗ để tới vài năm sau bán lại khi giá về 30 USD/cp.

Từ câu chuyện trên có thể thấy được một ngộ nhận khác của nhà đầu tư. Đó là chờ tới khi giá cổ phiếu hồi về mức cũ rồi mới bán. Nhiều nhà đầu tư "lướt sóng" thất bại nhưng không muốn cắt lỗ mà cố gắng gồng để chờ tới khi giá về lại mức cũ do không muốn mất tiền. Song, đã từng có rất nhiều mã cổ phiếu sau khi tụt giá thì không thể hồi về mức giá cũ, nếu có thì cũng phải mất rất nhiều năm. Việc "ôm" cổ như vậy sẽ khiến lỗ chồng lỗ, càng ngày càng lỗ hơn, thậm chí còn mất rất nhiều cơ hội đầu tư vào những cổ phiếu có mức sinh lời tốt.

Ngoài ra, còn có những ngộ nhận khác như cho rằng giá cổ phiếu đã cao quá và không thể tăng nữa. Trên thực tế, không có một giới hạn nào cho việc tăng giá của cổ phiếu, bởi doanh nghiệp vẫn đang hoạt động hiệu quả với danh tiếng tốt thì cổ phiếu vẫn có thể tăng giá.

Hay như không phải cổ phiếu phòng thủ nào cũng là an toàn. Cổ phiếu nào cũng có lúc lên lúc xuống, ngay cả cổ phiếu phòng thủ cũng không thể ổn định mãi.

Cần kiên nhẫn chờ đợi khi "săn hàng sale off"

So sánh với các kênh đầu tư khác hiện nay, có thể thấy bất động sản cũng hấp dẫn khi đã bắt đầu suy giảm nhưng đầu tư bất động sản cần vốn lớn và trong bối cảnh hiện nay việc vay vốn từ kênh tín dụng ngân hàng cũng không quá thuận lợi. Trong khi đó, với mức lãi suất ngân hàng 8%-9% như hiện nay, kênh tiết kiệm đang có lợi thế hơn cả.

Do đó, muốn đầu tư vào kênh chứng khoán, nhất là trong bối cảnh hiện nay cần phải có những phân tích sâu hơn, có danh sách, mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, cần luôn quan sát và đưa ra những phán đoán hợp lý nhất để thu về lợi nhuận cho mình.

Một số chuyên gia cho rằng, không phải cổ phiếu nào cũng dùng mức định giá P/E để đánh giá. Nhiều nhóm ngành phải dùng P/B, phải đánh giá được Book Value, tức là chất lượng tài sản của doanh nghiệp mà chúng ta đầu tư một cách kỹ lưỡng. Kèm theo đó là hệ số CASH (tiền mặt) - điều này khá quan trọng trong bối cảnh lạm phát hiện nay.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở, CTCP Chứng Khoán Mirae Asset, mức định giá của thị trường đã về quanh 11 lần. Nếu như chúng ta có một giả định năm sau EPS tăng trưởng khoảng 10%, mức thấp nhất thì năm sau P/E forward đã về dưới mức 10, có thể gọi là thấp hơn trong lịch sử. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô và suy thoái toàn cầu đang làm cho EPS suy giảm và thị trường có thể đã hình thành một vùng đáy dài hạn để chúng ta có thể đầu tư và lựa kỹ EPS như thế nào, hay là P/B như thế nào.

“Mức định giá thấp như thế này thực sự hấp dẫn cho những dòng tiền trung và dài hạn từ một năm trở lên”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giai đoạn này, nhiều yếu tố vĩ mô bất định đang diễn ra đẩy rủi ro thị trường tăng cao.

Kết hợp những yếu tố nêu trên, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu VN30 khi nhóm này có mức P/E quanh 11, 12 lần hoặc là P/B quanh 1,7-1,8. Trong đó, với nhóm tài chính nên chú ý đến những ngân hàng có P/B 1 hoặc dưới 1 và đánh giá được giá trị sổ sách chất lượng, tức là mức độ nợ xấu trong giới hạn cho phép. Còn về nhóm phi tài chính, những doanh nghiệp sản xuất có tiền mặt nhiều, có tỷ lệ cổ tức đều trên 8% có thể giải ngân từ 20% - 30% số vốn đang có và chờ đợi yếu tố vĩ mô bình ổn hơn có thể gia tăng.

Nhìn chung, trong công cuộc đi săn hàng “sale off”, nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ đợi. Song, nên tránh xa nhóm penny, bởi trong bối cảnh suy thoái, những doanh nghiệp thuộc nhóm này chắc chắn sẽ lỗ, âm rất nặng, mất khả năng thanh toán về trái phiếu và mất khả năng thanh toán các nhóm nợ. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu có hệ số nợ cao, các doanh nghiệp chưa hoàn thiện chuỗi giá trị và có sức cạnh tranh yếu nên được hạ tỷ trọng.

“Về lâu về dài, TTCK là sẽ tăng trưởng theo chiều hướng đi lên. Trong ngắn hạn sẽ có áp lực nhưng ở góc độ dài hạn, tiềm năng tăng trưởng của thị trường không có gì phải lo lắng. Những nhà đầu tư ở lại với TTCK lúc này là rất kiên trì. Đối với chứng khoán, ai là người ở lại sau cùng sẽ là người chiến thắng”, Giám đốc Môi giới Hội sở của Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh.

Nguồn: vnbusiness.vn