Tránh tái diễn JTC, PMU 18, Bộ trưởng xử lý sao?

Việc Bộ Giao thông - Vận tải bất ngờ thu hồi chức năng chủ đầu tư đối với hàng loạt dự án hạ tầng đường sắt sử dụng vốn vay ODA từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (13 dự án) và Cục Đường sắt Việt Nam (5 dự án) để trực tiếp quản lý, điều hành, đồng thời rốt ráo cơ cấu lại hai ban quản lý dự án (PMU) trực thuộc đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và các nhà tài trợ.

Tránh tái diễn JTC, PMU 18, Bộ trưởng xử lý sao?

Ngoài một số dự án thông tin tín hiệu quy mô nhỏ, các dự án sắp được điều chuyển về Bộ Giao thông - Vận tải đều là những công trình đường sắt, đường sắt đô thị trọng điểm, có tác động lớn tới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước.

Được biết, Bộ Giao thông - Vận tải gấp rút cơ cấu lại công tác tổ chức, điều hành 18 dự án nhằm giúp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ chính là nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa. Bên cạnh đó, tiến độ, tổng mức đầu tư nhiều dự án hạ tầng đường sắt bị vỡ cũng là những giọt nước tràn ly dẫn tới quyết định quan trọng này.

Cụ thể, một số công trình trọng điểm dù được bố trí đủ vốn, nhưng chậm đưa vào khai thác, như 3 dự án thông tin tín hiệu, Dự án Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; hoặc bố trí nguồn lực không hợp lý dẫn tới thi công dang dở, như tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân…

Tuy nhiên, ngay cả khi quyết định này là cần thiết để cứu tiến độ các dự án và nằm trong thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải trên cả hai phương diện: cấp quyết định đầu tư và là bộ chủ quản, thì dư luận vẫn đặt ra cho lãnh đạo ngành nhiều câu hỏi.

Một là, vì sao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và 2 ban quản lý dự án dưới quyền được đánh giá là non kém, nhưng trong suốt một thời gian dài vẫn được giao trách nhiệm chủ đầu tư nhiều dự án trọng điểm, phức tạp?

Kết quả kiểm tra một số dự án do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư được Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện gần đây cho thấy, chủ đầu tư và nhà thầu mắc rất nhiều lỗi sơ đẳng trong quản lý dự án. Đáng nói hơn, những vi phạm này đã không được bất kỳ cơ quan nào phát hiện cho đến khi vụ việc đưa - nhận hối lộ của nhà thầu JTC (Nhật Bản) tại Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn I bị phanh phui.

Hai là, vì sao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp lại “xỏ nhầm giày” khi thực hiện vai chủ đầu tư nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA trong suốt thời gian dài, mà không được uốn nắn xử lý kịp thời?

Ba là, trong bối cảnh vòng xoáy tách - nhập và chuyển đổi các ban quản lý dự án, một trong những chủ thể quản lý quan trọng nhất, giữ vai trò tay hòm, chìa khóa chưa có dấu hiệu chấm dứt, liệu Bộ Giao thông - Vận tải đã thực sự tìm ra mô hình chuẩn trong quản lý vốn đầu tư công?

Chính vì vậy, cùng với việc khẩn trương ổn định công tác tổ chức, giải quyết thủ tục với các nhà tài trợ để giảm thiểu xáo trộn trong quá trình triển khai dự án, đã đến lúc, Bộ Giao thông - Vận tải, với tư cách là bộ tiêu tiền ngân sách nhiều nhất, cần nghiêm túc mổ xẻ, đánh giá, tìm ra những điểm yếu nhất trong chuỗi dây chuyền quản lý dự án để có giải pháp khắc phục. Đó chính là giải pháp căn cơ nhất nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, đồng thời tránh tái diễn những vụ như JTC, PMU18 trong lĩnh vực giao thông - vận tải.

Theo Anh Minh
Báo Đầu tư Bất động sản

{fcomment}