'Trùm cao tốc' VEC: Lợi nhuận 'bốc hơi' 99,9% vì lỗ tỷ giá

'Trùm cao tốc' VEC: Lợi nhuận 'bốc hơi' 99,9% vì lỗ tỷ giá

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2018 vừa được Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) công bố, năm vừa qua, VEC ghi nhận 3.209 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm 2017.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của VEC đạt 2.561 tỷ đồng, tăng tới 60%.

Trong năm, "trùm cao tốc" này cũng ghi nhận 389 tỷ đồng doanh thu tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay), tăng 86%.

Về chi phí, VEC ghi nhận tới 2.887 tỷ đồng chi phí tài chính, gấp 3,4 lần năm 2017. Phần lớn trong số này là lỗ chênh lệch tỷ giá với 2.151 tỷ đồng (tăng gấp 5,9 lần), bên cạnh đó là lãi tiền vay, phí cam kết với 619 tỷ đồng và lãi trái phiếu phát hành với 116 tỷ đồng.

Cùng với đó, VEC cũng ghi nhận 62 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 47%.

Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của VEC chỉ vỏn vẹn 892 triệu đồng, giảm tới 99,9% so với con số 931 tỷ đồng của năm 2017.

Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của VEC đạt 96.452 tỷ đồng, tăng 8,3% sau một năm. Phần lớn tài sản của VEC là tài sản cố định với 63.228 tỷ đồng, kế đến là tài sản dở dang dài hạn với 13.591 tỷ đồng (tập trung nhiều nhất ở dự án Bến Lức - Long Thành với trên 13.000 tỷ), các khoản phải thu ngắn hạn với 12.134 tỷ đồng (tập trung ở dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án Bến Lức - Long Thành và dự án TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây) và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn với 6.733 tỷ đồng (tập trung ở VietinBank, Agribank và BIDV).

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của VEC đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 9.517 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,7% sau một năm. Nợ phải trả lên đến 86.935 tỷ đồng, tăng 9,7% và gấp 9 lần vốn chủ sở hữu.

Đi sâu hơn, nợ vay của VEC (toàn bộ là dài hạn) ở mức 66.517 tỷ đồng, tăng 11%. Đại đa số nợ vay có chủ nợ là Ngân hàng Phát triển Châu Á (31.244 tỷ đồng, vay bằng USD) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (28.959 tỷ đồng, vay bằng JPY).


Nguồn: Báo Vietnam Finance