Trung Quốc mở 'mỏ vàng' thị trường tài chính

Trung Quốc sẽ mở rộng vai trò của các tổ chức xếp hạng tín dụng và công ty môi giới ngoại trên thị trường trái phiếu

Tuy nhiên, liệu việc Trung Quốc mở cửa toàn diện cho các nhà đầu tư ngoại sớm hơn lịch trình dự kiến 1 năm có ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

Động tĩnh của Trung Quốc?

Cụ thể, tuyên bố của Ngân hàng Trung ương nêu rõ, Trung Quốc sẽ mở rộng vai trò của các tổ chức xếp hạng tín dụng và công ty môi giới ngoại trên thị trường trái phiếu. Đây là những biện pháp mới được đưa ra với mục đích mở cửa thị trường dịch vụ tài chính.

Cùng với đó, Bắc Kinh sẽ dỡ bỏ giới hạn về sở hữu cổ phần của người nước ngoài đối với chứng khoán, bảo hiểm và các công ty quản lý quỹ đầu tư vào năm 2020. Các biện pháp bổ sung còn bao gồm việc loại bỏ rào cản gia nhập đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài, chẳng hạn như cam kết hoạt động 30 năm, và hủy bỏ yêu cầu 25% vốn chủ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia các công ty quản lý tài sản bảo hiểm Trung Quốc.

Về kế hoạch tự do hóa thị trường tài chính, sẽ có 11 điểm của Trung Quốc cho phép tất cả các công ty thuộc S&P Global xếp hạng tất cả các loại trái phiếu trên thị trường chứng khoán địa phương.

Theo các chuyên gia cho rằng, động thái mới nhất của Trung Quốc trong việc mở rộng cửa thị trường tài chính chủ yếu là do sức ép đến từ các điều kiện của Mỹ trong đàm phán thương mại. Mặt khác, Trung Quốc buộc phải thúc đẩy các chính sách tài chính nói trên do các con số kinh tế suy giảm gần đây, ảnh hưởng từ thương chiến với Mỹ.

Hubert Tse, đối tác tại công ty luật Boss & Young ở Thượng Hải đánh giá, sự "nới lỏng" của Trung Quốc là một tin tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính toàn cầu đang tìm cách mở rộng hoạt động cũng như tìm một chỗ đứng trên thị trường tài chính Trung Quốc.

Điều này sẽ làm thị trường tài chính Trung Quốc chứng kiến sự tăng điểm của hàng loạt cổ phiếu đang được niêm yết. “Thị trường chứng khoán Trung Quốc vốn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi quy mô lớn. Do vậy, chỉ cần chiếm được một phần nhỏ thị phần ở đây là có thể thu được mức lợi nhuận khổng lồ. Mặt khác, các thị trường chứng khoán tại các thị trường mới nổi sẽ có sự sụt giảm điểm”, ông Hubert nhận định.

Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, các nhà hoạch định chính sách thận trọng hơn nhiều trong khoảng thời gian này. Nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện nay đã khó khăn hơn nhiều.

Về mặt tài khóa (chi tiêu của chính phủ), không gian có vẻ rộng hơn, nhưng chính quyền địa phương hiện cũng mắc nợ rất cao. Thêm vào đó, các công ty quốc tế buộc phải thích nghi với môi trường pháp lý mơ hồ và đối mặt với các đối thủ được hậu thuẫn bởi chính phủ Trung Quốc.

Tiềm năng “hút” vốn

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của công ty chứng khoán Yuanta cho biết, ngoài việc chính phủ Trung Quốc mở cửa nới room cho nhà đầu tư, quốc gia này còn mở sàn giao dịch chứng khoán công nghệ.

Bên cạnh đó, nguyên nhân của đợt mở cửa này nhằm thu hút dòng tiền đã rút ra khởi thị trường chứng khoán Trung Quốc từ năm 2014.

“Vào thời điểm đó, các nhà đầu tư rút một lượng lớn vốn ra khỏi Trung Quốc sau khi FED tăng lãi suất, để phòng ngừa rủi ro chính phủ Trung Quốc đã phải cấm một số giao dịch. Sau thời điểm đó FED đã hạ lãi suất giúp kéo lại dòng vốn về thị trường Trung Quốc”, ông Minh nhận định.

Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam chắc chắn sẽ là quốc gia hưởng lợi từ việc mở room của Trung Quốc. Trước mắt, việc thông thoáng thị trường sẽ tạo sự lạc quan cho Việt Nam. Cùng với đó, đây sẽ là tiền đề để các dòng vốn ngoại đầu tư vào các thị trường mới nổi, nhất là sau một thời gian thị trường đã ổn định trở lại.

Với mức tăng trưởng kinh tế tốt, mức độ lạm phát và tỷ giá ổn định là những điều kiện cơ bản để nhà đầu tư nước ngoài đặt kỳ vọng. Thêm vào đó, các lợi thế từ những hiệp định thương mại mới đây sẽ giúp nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi. Từ đó cũng sẽ thu hút thêm vốn ngoại rót vào mua cổ phiếu tại Việt Nam

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là dấu hiệu không hẳn đáng mừng. Thị trường tài chính Trung Quốc luôn luôn hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với dòng vốn chất lượng cao đến từ khu vực châu Âu, Mỹ.

Các chính sách được Trung Quốc công bố nếu được áp dụng cũng sẽ là “hố đen” hút vốn ngoại. Do đó, có khả năng về lâu dài, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào thị trường này thay vì đổ về các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh mở rộng được thị trường xuất khẩu, tăng doanh thu và lợi nhuận nên sẽ thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư, nhất là gom mua cổ phiếu trên sàn để tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại. Đồng thời, giữ được đà tăng trưởng kinh tế tốt, mức độ lạm phát và tỷ giá ổn định cũng là những điều kiện cơ bản để nhà đầu tư nước ngoài đặt kỳ vọng

Nguồn: Báo DĐDN