TS Lương Hoài Nam: `Thất vọng với cơ cấu hệ thống giáo dục mới`

Đánh giá cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới Bộ Giáo dục đề xuất chưa có nội dung nào cải cách đáng kể, TS Lương Hoài Nam cho rằng Bộ đã không cầu thị tiếp thu những góp ý của người dân.

ts-luong-hoai-nam-that-vong-voi-he-thong-giao-duc-moi

TS Lương Hoài Nam.

Chia sẻ với VnExpress ngay sau khi Bộ Giáo dục trình Thủ tướng đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, TS Lương Hoài Nam nói: "Tôi rất thất vọng. Nhiều người tâm huyết với cải cách giáo dục Việt Nam, trong đó có tôi, đã gửi cho Bộ Giáo dục các phân tích, đề xuất, nhưng chưa nhìn thấy sự cầu thị tiếp thu. Hệ thống giáo dục Bộ đề xuất lần này chưa có nội dung cải cách nào đáng kể".

Theo ông, việc phân THPT thành 3 luồng định hướng chung, định hướng kỹ thuật - công nghệ và định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao) là điểm mới hiếm hoi thì lại không phù hợp với cách làm ở nền giáo dục tiên tiến. Nếu học sinh A có năng khiếu nghệ thuật hay thể thao và muốn đi theo lĩnh vực này thì tại sao lại bắt em đó học Lý, Hoá, Sinh... đến hết lớp 9?

Các hệ thống giáo dục tiên tiến phân luồng từ THCS. Singapore phân thành 4 luồng công lập (Express, Normal Academic, Normal Techinal và Vocational), chưa kể các luồng phổ thông tư thục, giáo dục năng khiếu, giáo dục đặc biệt. Đức cũng phân thành 4 luồng (Gymnasium, Hauptschule, Realschule và Gesamptschule), trong đó có luồng lên đến lớp 12, có luồng chỉ hết lớp 9. "Con gái tôi đang học dở cấp 2 ở Việt Nam thì sang Singapore học, ngay lập tức số môn học giảm đi một nửa so với ở Việt Nam. Ngoài ra, đa số môn học là do cháu tự chọn (trừ Toán và tiếng Anh)", TS Nam kể.

Sự kéo dài cào bằng nội dung giáo dục cho tất cả học sinh trong suốt 9 năm như lâu nay và như trong hệ thống giáo dục mới mà Bộ Giáo dục vừa trình là rất lạc hậu, TS Nam nhận xét. Nếu ví học sinh theo tố chất cá nhân là con chim, con cá, thì hãy để cho con chim được tập trung học bay, thi bay và ra đời đi bay, để cho con cá được tập trung học bơi, thi bơi và ra đời đi bơi, thay vì bắt con chim phải học, thi và làm những thứ của con cá, hoặc ngược lại. Phân luồng giáo dục, cá biệt hoá giáo dục phải từ THCS, vì người học thay vì vì người dạy.

Trong kết cấu hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm, TS Nam cho rằng không nên bắt mọi học sinh học hết 12 năm mới được thi vào cao đẳng. Ở đa số hệ thống giáo dục tốt, luồng này thường chỉ đòi hỏi 9-10 năm học phổ thông. "Cần cải tổ mạnh mẽ cấp THPT trong hệ thống giáo dục để có thể tương đương với các chứng chỉ A-Level, IB (điều mà tôi chưa thấy trong đề án của Bộ). Có như thế chương trình đại học mới có thể rút ngắn được", ông đề xuất.

ts-luong-hoai-nam-that-vong-voi-he-thong-giao-duc-moi-1

Thầy Đào Tuấn Đạt.

Là quản lý một trường THPT tư thục ở Hà Nội, thầy giáo Đào Tuấn Đạt cho rằng cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới Bộ Giáo dục trình Thủ tướng gần như không thay đổi so với hiện nay, ngoài phân THPT thành ba luồng. Tuy nhiên, để phân chia thành ba luồng như vậy không dễ. 

Thầy Đạt phân tích, đề án phân thành 3 định hướng “cơ học” và hành chính là định hướng chung, định hướng kỹ thuật - công nghệ và định hướng năng khiếu. Thực tế việc lựa chọn nghề nghiệp không bao giờ đơn giản và đo lường được nên cần cung cấp cho người học nhiều chọn lựa phù hợp với thiên hướng của họ. Mặt khác phải cần có sự liên thông giúp họ thay đổi được nguyện vọng khi thấy lựa chọn trước đó chưa phù hợp.

Ở bậc học THPT, thầy Đạt cho rằng học sinh cần chọn ban học phù hợp mà cách dễ hiểu nhất là “học môn gì”, còn sau này làm gì thì phải để họ có đủ 3 năm để định hướng, trừ các trường năng khiếu chuyên biệt như nghệ thuật, âm nhạc…

Về đề xuất rút ngắn thời gian học đại học từ 4-6 năm xuống còn 3-4 năm, thầy Đạt cho rằng các ban chuyên sâu chẳng hạn Toán - Lý, Hóa - Sinh, Văn - Sử, Kinh tế, Triết… phải sâu thì mới có cơ sở để rút ngắn thời gian học đại học. 

Đề xuất cơ cấu giáo dục quốc dân đơn giản của thầy Đào Tuấn Đạt:

ts-luong-hoai-nam-that-vong-voi-he-thong-giao-duc-moi-2

Trước đó ngày 6/1, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận ký tờ trình Thủ tướng đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục bậc cao; giáo dục thường xuyên - học tập suốt đời. Trong đó giáo dục mầm non gồm nhà trẻ và mẫu giáo; giáo dục phổ thông cơ bản không thay đổi, gồm: Tiểu học 5 năm; THCS 4 năm; THPT 3 năm. Giáo dục tiểu học và THCS (9 năm) chỉ có một luồng là giáo dục cơ bản.

THPT có 3 luồng, gồm: định hướng chung (có tính hàn lâm/khoa học như hiện nay); định hướng kỹ thuật/công nghệ; định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao). Giáo dục nghề nghiệp gồm đào tạo sơ cấp 1-3; Trung cấp 3 năm (để đảm bảo khối lượng kiến thức phổ thông tối thiểu tương đương THPT); Cao đẳng 2-3 năm. 

Giáo dục bậc cao gồm: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, đại học học 3-4 năm phân thành 3 luồng: Định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng; định hướng thực hành. Thạc sĩ học 1-2 năm, phân thành 2 luồng: Định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng.

Lan Hạ

Nguồn Vnexpress