Nợ đọng xây dựng cơ bản: DN cắn răng làm vì quan hệ

Các chuyên gia cho rằng, ngân sách hiện tại không có khả năng trả nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), chỉ còn có cách phát hành trái phiếu Chính phủ để trả nợ. Doanh nghiệp cho biết, dù bị nợ ngập đầu nhưng vẫn phải cắn răng làm để giữ quan hệ.

Càng bị nợ càng làm nhiều

Ông L.V.T., giám đốc một doanh nghiệp (DN) xây dựng tại Thanh Hóa tâm sự, biết là xây dựng các công trình vốn ngân sách sẽ bị nợ, nhưng giờ không làm không được. Doanh nghiệp buộc phải làm vì còn phải duy trì mối quan hệ với địa phương và tạo việc làm cho công nhân.

Ông cho biết, khi làm công trình nhà nước các nhà thầu phải tự bỏ vốn, sau đó mới quyết toán. Nếu có nhận được vốn, cũng chỉ là nhỏ giọt. Làm công trình nhà nước bị nợ thanh toán 6 tháng là bình thường. Nhiều công trình còn nợ 2-3 năm. Dù chỉ là đơn vị nhỏ, nhưng có thời điểm năm 2013, Cty ông bị địa phương nợ hơn 30 tỷ đồng. Sau hơn hai năm, công ty vẫn bị chôn vốn 10 tỷ đồng chưa đòi được.

Theo vị giám đốc trên, để có tiền thi công các công trình nhà nước, hầu hết DN nhỏ như của ông đều phải vay vốn ngân hàng.

“Lãi suất ngân hàng DN vẫn phải trả, nhưng không ai được trả lãi khi bị nhà nước nợ. Để duy trì hoạt động, chúng tôi phải vay ngân hàng, dùng tiền từ dự án này đập vào dự án kia, công trình trước trả công trình sau. Nợ chéo tạo ra vòng luẩn quẩn khiến nhiều DN, ngân hàng lâm vào cảnh không lối thoát”, ông nói.

Giới xây dựng cũng không ít lần chứng kiến nhiều trường hợp DN đứng bên bờ vực phá sản vì bị các cơ quan Nhà nước nợ thanh toán xây dựng cơ bản.

Đây là “nỗi đau” trong ngành xây dựng ai cũng biết nhưng chỉ là chưa công bố. Nhiều DN chết đứng vì bị ngân sách nợ, kéo theo dự án phải dừng thi công. “Để tìm lối thoát, công ty chỉ dám nhận vài công trình nhỏ để duy trì quan hệ và dần chuyển sang xây dựng dân dụng”, ông T. chia sẻ.

Báo cáo gửi Quốc hội cuối năm 2013 của Chính phủ về tình hình nợ đọng XDCB (từ vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ) cho thấy bức tranh màu xám phủ lên tương lai các doanh nghiệp. Tính tới 30/6/2013, nợ XDCB cả nước là 43.358 tỷ đồng (tại 15.638 dự án).

Các tỉnh, thành lớn cũng là nơi nợ XDCB nhiều nhất. Như Hà Nội, cuối năm 2013, thành phố nợ hơn 3.200 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2014, số nợ tăng lên 4.000 tỷ đồng (trong đó nợ của thành phố khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại là nợ của các quận, huyện).

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội ngày 10/7 vừa qua, khi nghe báo cáo về số nợ XDCB của Sở KH&ĐT, nhiều đại biểu cảm thấy kỳ lạ về số liệu. “Mỗi kỳ họp lại thấy báo cáo con số nợ khác nhau. Vậy đâu là con số cuối cùng?”, Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh cũng băn khoăn. Hay như TP Đà Nẵng, tới nay vẫn còn nợ hơn 2.000 tỷ đồng…

Nợ đọng xây dựng cơ bản: DN cắn răng làm vì quan hệ - 1

Nợ đọng xây dựng cơ bản khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Ảnh: Sỹ Lực

Trông chờ phát hành trái phiếu

Trao đổi với PVTiền Phongchiều 15/8, một lãnh đạo Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, trong hơn 2.000 tỷ đồng nợ XDCB của địa phương, hầu hết là ngân sách T.Ư nợ thành phố, như vốn cho các công trình do trung ương phê duyệt và cấp ngân sách: Nhà thi đấu thể dục thể thao Đà Nẵng (nợ 624 tỷ đồng), cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý (nợ hơn 1.000 tỷ đồng)…

Nợ XDCB không chỉ ảnh hưởng DN, mà còn ảnh hưởng chi đầu tư XDCB của địa phương. Các công trình đã hoàn thành và quyết toán, nhưng Đà Nẵng chưa có kinh phí thanh toán nên phải chờ vốn trung ương để trả nợ DN.

“Chúng tôi đã làm việc với các bộ, ngành để tạm ứng ngân sách trung ương năm 2014 chi trả nợ. Chính phủ cũng đã đồng ý tạm ứng cho Đà Nẵng. Thành phố đang triển khai phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu địa phương để có nguồn trả nợ một phần cho nhà thầu”, lãnh đạo Sở KH&ĐT Đà Nẵng nói.

“Rất khó để giải quyết, do có nhiều công trình được quyết định vội vã, theo phong trào và không nằm trong kế hoạch, chỉ để đáp ứng một nhu cầu gì đấy của địa phương. Như trường hợp đầu tư ngân sách cho xây dựng công trình phục vụ sự kiện Festival đờn ca tài tử tại Bạc Liêu, công trình đã đầu tư rồi chẳng nhẽ lại không trả”.

TS Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện tất cả tỉnh thành đều có nợ đọng XDCB. Tuy nhiên, giờ số nợ chính xác là bao nhiêu vẫn chưa rõ, nên cần rà soát và thống kê cụ thể.

Nếu thống kê hết chắc chắn phải lớn hơn nhiều con số 43.000 tỷ đồng được công bố. Về trả nợ, theo ông Doanh, ngân sách hiện không có khả năng trả nợ đọng XDCB. Chỉ còn có cách phát hành trái phiếu Chính phủ để trả nợ, nhưng phải hết sức cẩn trọng.

Về lâu dài, đầu tư ngân sách cần xét trên cơ sở hiệu quả mới làm, nếu vẫn đầu tư tùy tiện nợ sẽ còn tăng. Nhiều lần tại các kỳ họp, kỳ nào cũng quyết tâm sẽ không lặp lại đầu tư dàn trải, nhưng chỉ sau đó ít lâu đã thấy xuất hiện dự án mới nằm ngoài kế hoạch.

{fcomment}