Từ vụ bắt quả tang đến “nghi án” sản xuất phân bón giả

Một vụ bắt quả tang sản xuất phân bón giả sau 5 tháng điều tra lại bị cho là không đủ bằng chứng để khởi tố tội sản xuất hàng giả. Đâu là sự thật?

Từ vụ bắt quả tang đến “nghi án” sản xuất phân bón giả

Những bất thường trong hoạt động của Thuận Phong

Được tin tố giác của nhân dân về việc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) có dấu hiệu sản xuất và buôn bán phân bón giả quy mô lớn, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban 389) đã thành lập Tổ công tác để điều tra xác minh thông tin.

Tháng 4/2015, Tổ công tác đã bí mật tiếp cận mục tiêu, xác định quy luật hoạt động, cách thức bố trí lực lượng bảo vệ, cảnh giới tại nơi sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong. Đây là khu đất thuộc kho K888/Cục Quân khí – Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng. Để có thể tác nghiệp, các thành viên Tổ công tác đã phải áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tiếp cận hiện trường và xác định thông tin tố giác là có cơ sở.

Thực tế có hoạt động sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong tại địa chỉ trên và Ban 389 nhận định, việc thuê đất của đơn vị quân đội để hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm né tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng. Tổ công tác tiếp tục giám sát địa bàn, đồng thời làm việc với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng để xây dựng phương án tiếp cận cơ sở này.

Ngày 24/4/2015, Đoàn công tác gồm các thành viên Văn phòng thường trực 389; Thiếu tướng Nguyễn Đình Được, Phó Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng, Phó ban Thường trực 1389 (Bộ Quốc phòng). Trên đường đến hiện trường, Ban 389 đã mời ông Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, Thường trực Ban Chỉ đạo 398 Đồng Nai, Cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai… và mời đại diện kho K888 đến để thực hiện việc kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Thuận Phong.

Sau khi Đoàn công tác vào nhà máy và đang đọc Quyết định kiểm tra thì một cán bộ của Đoàn đã phát hiện phía cuối kho xưởng bốc khói mù mịt. Tiếp cận khu vực lò hơi, Đoàn công tác phát hiện nhân viên của Thuận Phong đang tiêu hủy tài liệu, đốt màng co mang nhãn hiệu TICO. Sau khi nhanh chóng dập lửa đã tạm giữ hơn 12 kg màng co đã bị cháy sém.

Thực tế tại thời điểm kiểm tra, nhân viên của Thuận Phong đang tiến hành dán nhãn mác, sang chiết, đóng gói “phân bón được nhập khẩu từ Mỹ”. Kiểm kê sơ bộ, đoàn xác định có 3.224 chai phân bón các loại (tương đương hơn 4 tấn) được dán nhãn hàng hóa xuất xứ từ Mỹ (Made in USA). Đoàn kiểm tra còn phát hiện 148 kg nhãn hàng hóa đều ghi Made in USA; hơn 95 kg nhãn phụ các loại; 1.520 tem niêm phong nhãn hiệu HUMA GRO.

Có mặt tại buổi kiểm tra, ông Khiếu Mạnh Tường,Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong đã ký vào biên bản và xác nhận toàn bộ số nhãn hàng hóa của lô hàng này bao gồm nhãn tiếng nước ngoài và nhãn phụ, tem niêm phong, vỏ bao bì, can nhựa chưa phân bón (nhãn hiệu HUMA GRO) được công ty thuê in ấn và sản xuất trong nước.

Kiểm tra sổ sách của Công ty Thuận Phong, từ ngày 1/1/2014 đến thời điểm kiểm tra, Công ty Thuận Phong đã sản xuất và bán ra thị trường trên 40.000 chai phân bón có dán nhãn hiệu “Made in USA” các loại, tương đương trên 23.000 lít phân bón dạng nước.

Hàng thật hay hàng giả?

Ban 389 xác định rằng, với những bằng chứng tại hiện trường, Công ty Thuận Phong đang sản xuất hàng giả theo khoản e, Điều 3, Khoản 8 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi ngườitiêu dùng: “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa”.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 29 mẫu phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất và đang lưu giữ tại kho, khu vực sản xuất của Công ty để trưng cầu giám định chất lượng. Qua giám định, 19/29 mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu so với công bố, hàm lượng chất chính thấp hơn 70% so với tiêu chuẩn chất lượng ghi trên nhãn; một số mẫu còn lại ở mức kém chất lượng, chỉ đạt hơn 10% hàm lượng. Với kết quả này, Ban 389 cho rằng, phân bón của Thuận Phong là hàng giả về nội dung theo khoản a, Điều 3, Khoản 8 Nghị định 185/2013/NĐ-CP: “Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”.

Tuy nhiên, giải trình với cơ quan điều tra vào ngày 7/5/2015, ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong đã cung cấp Hợp đồng với Công ty Bio Huma Netics (Mỹ) là đơn vị sản xuất dòng sản phẩm Huma Gro, về việc Công ty được quyền đóng gói, sang chiết cũng như sử dụng các loại tem nhãn, chai được sản xuất, in ấn tại Việt Nam từ năm 2013.

Lãnh đạodoanh nghiệpnày khẳng định, Thuận Phong không sản xuất, mà chỉ thực hiện sang chiết sản phẩm từ bồn chứa lớn được nhập khẩu từ Mỹ sang các chai nhỏ từ 1 - 5 lít. Riêng bao bì, tem nhãn được Công ty đặt in ấn tại Việt Nam theo chuẩn của Công ty Bio Huma Netics đưa ra.

Thuận Phong cũng đề nghị mở niêm phong kho chứa thành phẩm, giải tỏa hàng hóa mà đoàn kiểm tra liên ngành của Ban 389 niêm phong trước đó. Tuy nhiên, kiến nghị này đã bị Ban 389 Đồng Nai bác bỏ và Ban 389 cho rằng, kiến nghị dỡ bỏ niêm phong kho chứa thành phẩm, giải tỏa hàng hóa của doanh nghiệp chỉ nhằm mục đích tẩu tán tang vật.

Với các bằng chứng nêu trên, Ban 389 khẳng định rằng, Thuận Phong đã tổ chức sản xuất phân bón giả bán ra thị trường gây thiệt hai cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón, nên cần sớm khởi tố vụ án, tiến hành điều tra nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhưng đến nay đã qua 5 tháng và dù có yêu cầu chỉ đạo xử lý của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng và cơ quan điều tra công an tỉnh Đồng Nai và Viện KSND tỉnh Đồng Nai lại cho rằng “không có đủ bằng chứng để kết luận Công ty Thuận Phong sản xuất hàng giả”.

Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban 389 bức xúc cho biết, Tổ công tác Ban 389 đã mật phục, bắt quả tang và các chứng cứ cho thấy Thuận Phong sản xuất phân bón giả. Giả cả về nhãn mác, xuất xứ đánh lừa người tiêu dùng là phân bón “Made in USA”, giả cả về chất lượng phân bón khi phần lớn mẫu phân bón được kiểm tra đều kém chất lượng.

“Với những chứng cứ đã rõ ràng như vậy nhưng tại sao đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa khởi tố vụ án là một điều rất khó hiểu?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán