PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, cho biết, một vài ngày tới, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn về phương án gửi các cơ sở giáo dục ĐH. Cụ thể, sẽ tổ chức xét tuyển, tuyển sinh ĐH, CĐSP sau khi hoàn thành cả 2 đợt kỳ thi tốt nghiệp THPT (áp dụng đối với cơ sở đào tạo và thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển). “Như vậy, thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho các em. Với phương án này, các cơ sở đào tạo không cần tính toán, để dành chỉ tiêu xét tuyển đợt 2, giống như đã thực hiện trong năm 2020”, bà Thủy nói. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn khiến cho khoảng cách giữa đợt 2 thi THPT quá xa, Bộ GD&ĐT sẽ có các chỉ đạo và hướng dẫn tiếp theo.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết hoàn toàn ủng hộ phương án đề xuất mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra. Đề xuất xét tuyển 1 đợt đảm bảo công bằng cho thí sinh và chủ động cho các cơ sở giáo dục ĐH. Theo ông Triệu, nếu thi đợt 2 muộn quá thì Bộ cần có hướng dẫn phù hợp để các trường có kế hoạch dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt sau.
Thí sinh còn thiếu giấy tờ, mắc lỗi khi đăng ký
Trên website của Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nhà trường cho biết tính đến ngày 26/6, còn có 26 thí sinh nộp thiếu học bạ khi đăng ký xét tuyển vào trường bằng phương thức xét tuyển. Ngoài ra, còn nhiều thí sinh thiếu giấy tờ liên quan đối tượng ưu tiên, dấu xác nhận của trường THPT…
Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Ban tuyển sinh cho biết, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng của trường thường gặp các lỗi kỹ thuật như điền sai địa chỉ email, lỗi đính kèm ảnh… Tại Học viện Tài chính, trong số hơn 10.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến có 1.408 hồ sơ bị lỗi liên quan học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ…
Hiện nay, các trường ĐH đều lo lắng vấn đề hồ sơ ảo. TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cho biết, phương thức xét tuyển học bạ đối tượng là thí sinh đạt giải cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố hằng năm đều có tỷ lệ ảo khá lớn. Năm nay, trường đã nhận được 10.000 hồ sơ (xét hơn 2.000 chỉ tiêu) nhưng vẫn lo ảo. Do các trường đều ưu tiên tuyển sinh đối tượng học sinh giỏi, học sinh trường chuyên nên thí sinh có nhiều lựa chọn. Vì vậy, số thí sinh xác nhận nhập học cuối cùng có khi chỉ đạt 10-20%.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Ngoại thương, cho biết, những năm trước có tỷ lệ ảo nhất định. Nhưng năm nay, Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có giãn khoảng cách thời gian xét tuyển nên thí sinh đã cân nhắc, lựa chọn phù hợp, không bị dồn cùng lúc phải tham gia xét tuyển hai trường như những năm trước. Đây là kinh nghiệm mà bà Hiền chia sẻ với những trường có cùng khối ngành khi tổ chức xét tuyển bằng phương thức riêng. Thực tế cho thấy, tình trạng ảo đối với những phương thức xét tuyển riêng không qua hệ thống lọc ảo của Bộ GD&ĐT ở các trường rất cao. Nhiều trường thí sinh đăng ký 10 nhưng khi xác nhận nhập học không được 1. Các trường nên nhìn nhau để xét tuyển sẽ vừa tránh ảo vừa thuận lợi cho thí sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, đề xuất, đối với xét tuyển học bạ, cũng nên có phần mềm lọc ảo để giúp các trường thuận lợi trong tuyển sinh.
Nguồn Tienphong