Tỷ lệ chênh lệch lương theo giới của Hàn Quốc cao nhất OECD trong suốt 26 năm qua đã phản ánh định kiến xã hội còn tồn tại ở nước này, ngăn cản phụ nữ trên con đường sự nghiệp.
Với giọng đầy khích lệ, người quản lý nam giới nhắc Soo Jin (đã đổi tên) - cô gái 25 tuổi - nhớ rằng cô đã có thể giữ cho mình chiếc ghế duy nhất trong team mà anh dành cho phụ nữ.
“Anh ấy nói nếu có nhiều phụ nữ trong cùng nhóm, họ sẽ bắt đầu cãi vã và phá rối những thành viên còn lại”, Soo Jin - người làm việc trong lĩnh vực tài chính tại một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc - chia sẻ. “Anh ấy công khai nói về điều này trong một bữa tối. Anh ấy nghĩ câu chuyện này sẽ giúp tôi cảm thấy tốt hơn”.
Đây không phải là câu chuyện hiếm có tại Hàn Quốc. Tại một nhóm khác trong bộ phận của Soo Jin, các nhân viên nam công khai lo ngại về việc tuyển dụng thêm một phụ nữ, khi ứng viên có năng lực tốt nhất hiện là nữ.
“Họ nói họ không thoải mái khi làm việc cùng phụ nữ, vì chúng tôi có ‘lối suy nghĩ khác’”, Soo Jin nói, đồng thời cho biết công ty thậm chí còn phát những cuốn sổ có màu sắc khác nhau cho nhân viên nam và nữ.
Theo Korea Herald, kể từ khi gia nhập OECD vào năm 1996, Hàn Quốc luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng chênh lệch tiền lương theo giới. Theo báo cáo OECD công bố hồi tháng 12/2022, khoảng cách mức lương trung vị theo giới của Hàn Quốc năm 2021 là 31,1%. Nói cách khác, nữ giới chỉ nhận được 68,9% mức lương của nam giới.
Hàn Quốc là thành viên OECD duy nhất ghi nhận con số chênh lệch lương theo giới tính cao hơn 30% trong nhóm khảo sát. Israel theo sau với 24,3%, Nhật Bản với 22,1% và Latvia với 19,8%.
Nước này cũng có sự khác biệt lớn về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động: Chỉ 55% nữ giới so với 73,7% nam giới. Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt xếp thứ 99 và 116 trên 146 quốc gia trong báo cáo khoảng cách giới năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Financial Times đưa tin.
Lãng phí nguồn lực nhân sự
“Số lượng nữ giới ở độ tuổi 20 tham gia thị trường lao động tăng lên, nhưng dần giảm khi bước vào độ tuổi 30 bởi việc kết hôn và sinh con”, Kim Nan Joo - nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc - cho biết.
“Từ góc nhìn của các công ty, nhân viên nữ sẽ từ bỏ sự nghiệp sau khi kết hôn và sinh con. Góc nhìn này đương nhiên khiến phụ nữ khó thăng tiến và trở thành vấn đề quan trọng trong sự nghiệp”, bà nói thêm.
Peter Matanle - giảng viên cao cấp tại Đại học Sheffield - cho biết các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản thường đặc biệt không khai thác hết năng lực của phụ nữ.
“Phụ nữ Hàn Quốc có trình độ học vấn cao nhất xét trong nhóm OECD, nhưng cơ hội tuyển dụng cấp quản lý lại thấp hàng đầu”, ông nói. “Đây quả là sự lãng phí lớn về năng lực và kiến thức”.
Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng chênh lệch tiền lương theo giới trong nhóm OECD suốt 26 năm liền. Ảnh: Reuters.
Nhật Bản đã đạt một số bước tiến khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động theo chương trình “nữ quyền” bắt đầu vào năm 2013. Động thái này đẩy tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động lên hơn 70%.
Tháng 12/2022, tập đoàn tiêu dùng Suntory thông báo về nữ giám đốc điều hành đầu tiên là bà Makiko Ono. Tập đoàn hiện có hội đồng quản trị gồm 9 thành viên, trong đó 4 giám đốc là nữ và 2 người không phải công dân Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, năm ngoái, tập đoàn LG bổ nhiệm nữ giới làm giám đốc điều hành của hai công ty con. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên một trong số 5 tập đoàn lớn hàng đầu Hàn Quốc chọn giám đốc điều hành không phải từ thành viên gia đình sáng lập.
Ngoài ra, hội đồng quản trị của nhà sản xuất ôtô Hyundai đã có thành viên nữ đầu tiên vào năm ngoái.
“Một sân chơi toàn nam giới”
Dẫu vậy, theo dữ liệu của CEO Score hồi tháng 10/2022, chỉ có 11 phụ nữ làm giám đốc điều hành trong số 500 công ty hàng đầu Hàn Quốc, tăng 0,7% trong thập kỷ qua. 3/11 người là thành viên gia đình sáng lập công ty.
Còn theo Unicosearch phân tích hồi tháng 6/2022, chỉ có 5,6% giám đốc điều hành tại 100 công ty hàng đầu là nữ, với hơn 1/4 công ty không có giám đốc điều hành nào là nữ.
“Giống như một sân chơi do nam giới thống trị vậy”, Ju Hyun (đã đổi tên) - 45 tuổi, người phụ nữ duy nhất trong nhóm 20 quản lý tại một công ty nổi tiếng của Hàn Quốc - nói.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã thiếu các ứng viên nữ đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, khi những người được thăng chức làm không tốt, điều này được coi là bằng chứng họ vốn không nên được thăng chức, thay vì chứng tỏ (công ty) cần thúc đẩy và khuyến khích sự nghiệp của họ ngay từ những ngày đầu”, cô nói thêm.
Soo Jin và Ju Hyun - làm trong các lĩnh vực khác nhau - đều nói cấp quản lý thường xuyên gây áp lực cho nhân viên nữ hoặc quay lại làm việc sớm và ngay sau khi sinh con, hoặc đừng quay lại.
“Khi một đồng nghiệp của tôi mang thai, người quản lý hỏi cô ấy liệu có thực sự quay lại không, chồng cô kiếm được bao nhiêu, liệu cô ấy làm việc chỉ vì đam mê hay không”, cô kể lại.
Trong khi đó, Ju Hyun nói thế hệ trẻ chứng kiến những gì phụ nữ ở độ tuổi 30 đang phải trải qua, và “họ kết luận lập gia đình sẽ không mang lại lợi ích gì”.
Nhiều công ty vẫn nhìn nhận nhân viên nữ sẽ từ bỏ sự nghiệp sau khi kết hôn và sinh con. Ảnh: Bloomberg.
Bộ trưởng Lao động Lee Jung Sik từng thừa nhận mối liên hệ giữa phân biệt đối xử dựa trên giới tính tại nơi làm việc và tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc và có một số động thái hy vọng cải thiện tình hình.
Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý Tổng thống Yoon Suk Yeol phủ nhận sự tồn tại của vấn đề phân biệt giới tính mang tính cấu trúc, đồng thời cho rằng tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc thấp là do “chủ nghĩa nữ quyền”.
“Văn hóa Hàn Quốc vẫn mang đậm tính gia trưởng. Thật khó để thay đổi nhận thức đã ăn sâu, cho rằng năng lực của nữ giới kém hơn nam giới”, Shin Sang A - Chủ tịch Hiệp hội Nữ công nhân Seoul - cho biết.
Các chuyên gia cho rằng về lâu dài, việc doanh nghiệp không cải thiện được tính đa dạng sẽ gây ra hậu quả tài chính nếu các nhà đầu tư rút lui.
“Ngày càng có nhiều bên coi sự đa dạng là yếu tố cân nhắc đầu tư”, Chris Vilburn - người đứng đầu bộ phận Quản lý Châu Á tại Goldman Sachs Asset Management - cho biết.
Tháng 1/2022, Hiệp hội Quản trị Doanh nghiệp Châu Á gửi thư ngỏ với các đề xuất nhằm cải thiện sự đa dạng về giới trong hội đồng quản trị các công ty niêm yết tại Nhật Bản.
“Giới tính trở thành phần quan trọng trong các chính sách đầu tư có trách nhiệm của nhiều chủ sở hữu tài sản và nhà đầu tư toàn thế giới, khi ngày càng có nhiều lời phản đối chống lại công ty có hội đồng quản trị đơn giới”, bức thư viết với chữ ký từ 30 nhà đầu tư.
Nguồn: zingnews.vn
-
Chủ tịch PVI nói gì về thông tin cổ đông Talanx đòi thoái vốn?
-
Ngân hàng lại lo thừa tiền
-
Đồng Nai khen thưởng các lực lượng công an chi viện chống dịch
-
Ông chủ SoftBank trở thành người giàu nhất Nhật Bản
-
Vợ tối mắt nơi xứ người, chồng ở nhà vui thú bên bà chủ quán bia
-
Những chiếc bánh quy độc đáo chỉ muốn nhìn, không nỡ ăn
-
Đã bắt được nghi phạm sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh
-
Sau ly hôn, chồng đột nhập nhà vợ cũ trộm 50 tỉ đồng
-
Nên chọn Hàn Quốc hay Nhật Bản để đi du học?
-
Xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều nước, WHO họp khẩn