Công tác cải cách hành chính đạt được những kết quả tích cực nhưng tình trạng công chức sách nhiễu vẫn còn; người dân, tổ chức vẫn phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính
Ngày 25-5, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ Tư pháp, TP Hải Phòng dẫn đầu
Công bố PAR INDEX năm 2021, ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ - cho biết đối tượng xác định PAR INDEX 2021 ở trung ương gồm 19 bộ, ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ) và 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Kết quả PAR INDEX 2021 của các bộ, ngành được phân loại gồm 3 nhóm điểm. Nhóm A có kết quả trên 90% gồm Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhóm B có kết quả từ trên 80% đến dưới 90% gồm 13 bộ: Nội vụ, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo. Nhóm C có kết quả dưới 80%, chỉ 1 đơn vị là Bộ Khoa học và Công nghệ, với PAR INDEX là 78,72%.
Chỉ số về sự hài lòng phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 của các tỉnh, thành Nguồn: BỘ NỘI VỤ
Về kết quả PAR INDEX 2021 của các tỉnh, thành cũng được phân theo 3 nhóm như trên. Trong đó, nhóm A, đạt chỉ số từ 90% trở lên, gồm TP Hải Phòng dẫn đầu với 91,8%; kế đến là tỉnh Quảng Ninh (91,14%), TP Đà Nẵng (90,25%). Nhóm B là 59 tỉnh, thành đạt kết quả chỉ số từ 80% đến dưới 90%.
Đứng cuối bảng xếp hạng - nhóm C - là tỉnh Kiên Giang (79,97%) và là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 80%. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Kiên Giang nằm trong nhóm 5 địa phương có kết quả PAR INDEX thấp nhất cả nước.
Hà Nội và TP HCM nằm trong nhóm B. Đáng chú ý, so với năm 2020, 2 địa phương này đều tụt hạng. Cụ thể, Hà Nội xếp thứ 10 với PAR INDEX đạt 88,54% (năm 2020 xếp hạng 8, chỉ số 86,07%), TP HCM hạng 43 với chỉ số 86,05% (năm 2020 xếp hạng 23, chỉ số 84,7%).
Về chỉ số SIPAS 2021 của các tỉnh, thành, tỉnh Quảng Ninh đứng thứ nhất, TP Hải Phòng thứ 2 và tỉnh Hưng Yên thứ 3.
Còn nhiều bất cập
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, nêu rõ: Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tập trung thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Nghị quyết 76/NQ-CP. Trên cơ sở đó, công tác cải cách hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Ông Phạm Minh Hùng nhấn mạnh những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ và các ngành, các cấp trong năm 2021 đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét; qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào các cấp chính quyền.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ một số bất cập trong cải cách hành chính, biểu hiện qua kết quả đo lường về sự hài lòng của người dân.
Kết quả SIPAS 2021 cho thấy nhiều người dân, tổ chức vẫn phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. Cụ thể, tỉ lệ người dân, tổ chức phải đi lại 1 lần để giải quyết thủ tục hành chính trung bình 30%, đi lại 2 lần trung bình 59,15%, đi lại 3 lần trung bình 6,23%, đi lại 4 lần trở lên trung bình 1,75%. Có 61/63 tỉnh, thành để xảy ra tình trạng người dân phải đi lại từ 4 lần trở lên để giải quyết thủ tục hành chính.
Tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu vẫn còn, theo báo cáo SIPAS 2021, có 0,45% người dân, tổ chức tham gia khảo sát điều tra cho biết bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu khi thực hiện dịch vụ công. Tỉnh có tỉ lệ người dân bị phiền hà, sách nhiễu khi làm thủ tục hành chính cao nhất là 2,3%, tỉnh có tỉ lệ thấp nhất là 0,25%.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/van-con-cong-chuc-gay-phien-ha-sach-nhieu-20220525220735717.htm
-
Ngày 7/5 Việt Nam không có ca mắc Covid-19, chỉ còn 17 ca xét nghiệm dương tính
-
5 vị trí đặt gương trong nhà dễ làm hao tán tiền của, đặt ở 3 vị trí này giúp tài lộc sinh sôi
-
Những lưu ý khi đầu tư bất động sản tại Bình Thuận
-
Tàu biển Việt Nam bị Singapore bắt giữ có nguy cơ bị phát mại
-
Giám đốc lĩnh án 6 năm tù vì làm lõi lọc Kangaroo giả
-
Đề xuất mở rộng đối tượng, nới điều kiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng
-
Thanh tra 23 dự án bất động sản có quỹ đất xây nhà ở xã hội
-
Chế độ nguồn điện thấp giúp kéo dài thời lượng pin nhưng lại 'gây hại' cho iPhone!
-
Ngân hàng phải trích dự phòng đầy đủ trước khi chia lợi tức cho cổ đông
-
TNA lãi ròng 33 tỷ đồng, hoàn thành 73% kế hoạch