Vàng điên cuồng 74 triệu/lượng: Bắt đáy chứng khoán hay dồn hết mua đất

Các thị trường hàng hóa và tài chính đang biến động rất mạnh trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine chưa có tín hiệu tích cực, đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran có thêm những cản trở. Vàng và dầu tăng vọt, còn chứng khoán phân hóa.

Vàng, dầu lên đỉnh lịch sử

Giá vàng và dầu trên thế giới vừa trải qua một phiên tăng hiếm có. Mở cửa phiên đầu tuần, giá dầu thô có lúc tăng gần 20% lên gần ngưỡng 140 USD, trong khi vàng tăng vọt vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce sau khi có thông tin Quốc hội Mỹ đang bàn thảo một dự luật cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga..

Trong khi đó, chiến sự Nga - Ukraine vẫn căng thẳng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran bị vướng mắc khi Nga và Trung Quốc đưa ra thêm yêu cầu. Kỳ vọng dầu của Iran cung ứng vào thị trường, bù đắp phần nào dầu lửa thiếu từ Nga, cũng tiêu tan.

Thông tin từ RT cho biết, Nga sẽ tạm dừng đường ống Yamal-Europe nguồn cung cấp khí đốt sang hướng Tây. Động thái này sẽ khiến châu Âu, đặc biệt là Đức, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế.

Trước đó, giá dầu thô và vàng trên thị trường cũng đã ghi nhận tuần tăng mạnh hiếm có trong 2 năm qua khi mà chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine leo thang, gây ra mối lo ngại về sự thiếu nguồn cung nhiều hàng hóa quan trọng trên phạm vi toàn cầu.

Giá dầu tăng mạnh, lên 140 USD/thùng.

Trên Reuters, đại diện Saxo Bank cho rằng, căng thẳng không chỉ tác động đến nhu cầu mua trú ẩn, mà quan trọng hơn, nó còn ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng và dự báo nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Trong nước, giá vàng miếng SJC có phiên được đẩy tăng thêm gần 4 triệu đồng/lượng lên mức cao kỷ lục mọi thời đại: 74 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng.

Đồng USD tăng mạnh so với rổ tiền tệ, từ mức 97 điểm lên 99 điểm, mức cao nhất kể từ 2020. Tỷ giá trung tâm USD/VND tăng từ mức quanh 23.130 lên 23.159 đồng đổi 1 USD. USD tại Vietcombank tăng lên mức 22.710 đồng đổi 1 USD (mua vào) và 22.990 đồng (bán ra).

Chứng khoán châu Âu ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất trong vòng 2 năm qua, trong khi đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.

Chứng khoán Mỹ phiên 7/3 lao dốc. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 800 điểm sau khi đã giảm trong 4 tuần trước đó. Giới đầu tư lo ngại giá năng lượng tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và làm gia tăng lạm phát. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite thậm chí còn mất 3,6% và rơi vào thị trường con gấu (thị trường giá xuống) sau khi sụt giảm hơn 20% so với đỉnh cao ghi nhận cuối 2021.

Chứng khoán châu Á cũng giảm mạnh. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc sụt hơn 2% trong phiên 8/3 khi cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục đè nặng tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Việt Nam phân hóa, nhiều cổ phiếu tài chính, ngân hàng, chứng khoán và bất động sản giảm mạnh. Trong khi đó, nhóm dầu khí, vàng bạc, phân bón tăng lển đỉnh lịch sử. Nhóm cổ phiếu hàng thiết yếu cũng tăng giá. Trong phiên 8/3, chỉ số VN-Index giảm khá mạnh, giảm hơn 25 điểm và lùi về ngưỡng 1.473 điểm.

Vàng vượt ngưỡng 2000 USD/ounce, trong nước lên trên 74 triệu đồng/lượng.

Đầu tư vàng, bắt đáy chứng khoán hay dồn vào đất

Sau vài tuần thận trọng, một số tờ báo lớn của Mỹ như Bloomberg đã đề cập tới nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ.

Trước khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, hầu hết các dự báo đều cho rằng, nền kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục vững chắc và lạm phát đã lên đỉnh (7,5% hồi tháng 1). Tuy nhiên, căng thẳng tại Ukraine liên tục leo thang khiến giá cả hàng hóa thiết yếu; trong đó có dầu, khí, kim loại, thực phẩm... tăng vọt. Các chuyên gia cảnh báo, căng thẳng Nga - Ukraine sẽ khiến lạm phát ở Mỹ tăng phi mã, kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái.

Trung Quốc cũng vừa bất ngờ đưa ra mục tiêu tăng trưởng cực thấp và phải đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế, khi quốc gia này vẫn đang triển khai chính sách zero-Covid và chi tiêu của hộ gia đình khá ảm đạm.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các ngân hàng đầu tư lớn như Barclays và J.P. Morgan đều cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, nâng dự báo lạm phát.

Theo đó, châu Âu sẽ tiến đến gần với sự suy thoái, trong khi kinh tế Nga rơi vào mức giảm sâu với hai con số. Nền kinh tế châu Âu, vốn phụ thuộc vào năng lượng của Nga, có thể sẽ rơi vào một cuộc suy thoái thứ 3 trong vòng 2 năm.

CNBC Rapid Update vẫn nhận định kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng dương nhờ sự hồi phục sau đại dịch, nhưng cũng cho hay vẫn chưa thể ước tính kinh tế Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước cú tăng giá sốc của dầu khí.

Dầu lên 140 USD, vàng 74 triệu, cơn gió ngược khiến toàn cầu chao đảo

JPMorgan đánh giá hậu quả của việc Nga ngừng xuất khẩu 4,3 triệu thùng/ngày sang Mỹ và châu Âu là cực kỳ đáng sợ. Mỹ có thể chứng kiến tình trạng trạng lạm phát kèm suy thoái, hay còn gọi là đình lạm.

Morgan Stanley lo ngại TTCK thế giới sắp đối mặt với "một cơn bão". Theo đó, rủi ro giảm giá vẫn còn nghiêm trọng nhất trong vòng 6-8 tuần tới. Và thị trường giá xuống vẫn chưa hoàn thiện cả về thời gian và giá cả. Ngay cả những người lạc quan về TTCK cũng đang dao động.

Trong khi chứng khoán đối mặt với rủi ro giảm giá hơn nữa, vàng được dự báo sẽ còn tăng giá. Theo OANDA, chưa có dấu hiệu nào cho thấy giao tranh ở Ukraina sẽ giảm leo thang và thế giới đối mặt với suy giảm tăng trưởng. Điều đó sẽ kích thích dòng tiền chảy vào tài sản an toàn hơn nữa, trong đó có kim loại quý.

Gần đây, Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng mức kỳ vọng về giá vàng lên 2.150 USD/ounce.

Theo Mirae Asset, căng thẳng Nga-Ukraine leo thang khiến dòng tiền rút khỏi chứng khoán và tìm đến các tài sản phi rủi ro để trú ẩn, như vàng.

Tại Việt Nam, giá cả leo thang trên thế giới được đánh giá cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và TTCK.

Tuy nhiên, lạm phát tại Việt Nam vẫn đang ở mức khá thấp. Nhiều nhóm ngành hưởng lợi từ những bất ổn thị trường hàng hóa trên thế giới như thép, phân đạm, dầu khí,... qua đó bù đắp cho sự suy giảm chung trên thị trường.

Mirae Asset nhận định, TTCK Việt Nam đang phản ánh tâm lý thận trọng hơn của nhà đầu tư trước các rủi ro bên ngoài gia tăng. Điểm tích cực là thanh khoản thị trường đã có sự cải thiện đáng kể trong tuần cuối của tháng 2, nhóm dầu khí, bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng, may mặc và trang sức, vận tải thu hút dòng tiền tốt.

Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới đến từ chương trình hồi phục kinh tế giai đoạn 2022-2023 có quy mô khoảng 4% GDP, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, kích cầu tiêu dùng, và đầu tư.

Đồng thời, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng phục hồi mạnh từ mức nền thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khoảng 13% trong năm 2022, với mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, nhu cầu bên ngoài hồi phục.

Thị trường bất động sản Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục hút dòng tiền và là kênh trú bão khi lạm phát cao. Tuy nhiên, thị trường này sẽ bị ảnh hưởng nếu lạm phát quá cao.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/dau-140-usd-vang-74-trieu-luong-bat-day-chung-khoan-hay-don-het-mua-dat-821338.html