Các cách giúp đường hô hấp của trẻ khỏe mạnh trong mùa đông

Một số bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ

Ho, viêm mũi họng: Trẻ mắc viêm mũi họng, ho dài do virus thì chỉ sau 1-2 ngày sẽ có những triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, sốt, nhức đầu… Sau 4-5 ngày, trẻ bắt đầu ho nhiều, ho dai dẳng. Một số trẻ còn bị đau bụng, nôn, tiêu chảy.

Viêm amidan: Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng dễ mắc viêm amidan khi thời tiết thay đổi thất thường. Trẻ bị viêm amidan có biểu hiện sốt tái phát nhiều lần, họng đau rát, sưng amidan và xuất hiện nhiều mủ trắng trong amidan.

Viêm phổi: Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng gây tử vong phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Một số triệu chứng dễ thấy ở trẻ bị viêm phổi là sốt, ho có đờm, khó thở, đau ngực.

Viêm phế quản cấp: Viêm phế quản cấp có nguyên nhân do virus trong hơn 95% trường hợp, thường là một phần của nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh có triệu chứng là ho khan hoặc ho khạc ít đờm đi kèm với các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên, khó thở chủ quan là kết quả của đau ngực hoặc cảm giác thắt ngực khi hít thở. Trong quá trình thuyên giảm, ho là triệu chứng cuối cùng giảm bớt và thường mất từ 2 đến 3 tuần hoặc thậm chí lâu hơn. Hầu hết chỉ khắc phục làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Ảnh minh họa

Các cách giúp đường hô hấp của trẻ khỏe mạnh

Giữ ấm đường thở

Khu vực mũi họng là cửa ngõ dễ dàng cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Đây cũng là nơi tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với các tác nhân gây bệnh như không khí, khói bụi, virus… Chính vì vậy, nếu không được chăm sóc đúng cách và giữ ấm thường xuyên trong mùa lạnh, trẻ không tránh khỏi việc mắc các bệnh đường hô hấp.

Trẻ nhỏ sức đề kháng yếu, do đó, cơ thể cần luôn được giữ ấm để tăng miễn dịch trước tác nhân gây bệnh. Thời tiết hanh khô, gió lạnh, cũng khiến đường hô hấp giảm tiết chất nhầy trên niêm mạc, từ đó làm giảm khả năng phòng bệnh của trẻ.

Cha mẹ cần đeo khẩu trang, mặc ấm cho bé trước khi ra ngoài để phần mũi họng, cổ, bụng không cảm thấy lạnh. Khi được giữ ấm, cơ thể vốn có cơ chế tự nhiên như tự sinh lớp chất nhầy trên niêm mạc chứa IgA - một loại kháng thể miễn dịch - giúp bảo vệ đường thở cho bé.

Ảnh minh họa

Bổ sung dinh dưỡng giúp tăng cường đề kháng

Một chế độ ăn đủ đạm có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể có được hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ăn đủ đạm (protein) giúp nhanh dứt bệnh. Protein được ví như một dạng “hồ dán” giúp chữa lành vết thương trên cơ thể. Đạm (protein) có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, và các loại đậu/đỗ. Cơ thể người cần nạp 5-6 phần đạm mỗi ngày, tương đương 40g thịt/cá/tôm, 1 quả trứng, 1 bìa đậu, 1 cốc sữa.

Bên cạnh đó, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin cũng hỗ trợ duy trì sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể. Vitamin có nhiều trong trái cây tươi, rau xanh, nước ép hoa quả, dầu cá…

Bổ sung bào tử lợi khuẩn cho đường hô hấp

Việc vệ sinh mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý là chưa đủ. Mũi, họng được xem là cửa ngõ dẫn đến bệnh tật và là con đường “chính ngạch” dẫn mầm bệnh vào cơ thể. Chính vì vậy, đường hô hấp (cụ thể là mũi, họng) cần được chăm sóc tốt hơn. Các bào tử lợi khuẩn khi được bổ sung vào đường hô hấp giúp hỗ trợ làm sạch lớp bụi bẩn bám dính và chống lại sự phát triển cũng như gây hại của các vi khuẩn gây bệnh tại đây, đồng thời bắt giữ các virus, ngăn không cho chúng xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể để gây bệnh.

Việc bổ sung bào tử lợi khuẩn cho đường hô hấp là một bước tiến không chỉ giúp vệ sinh tai mũi họng đơn thuần mà còn giúp hỗ trợ ngăn ngừa và giảm nguy cơ viêm nhiễm tai mũi họng; bảo vệ và phục hồi niêm mạc mũi của trẻ.

Ảnh minh họa

Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm

Trẻ nhỏ thường lười uống nước, mùa đông lại càng ít uống hơn. Do đó, cha mẹ cần khuyến khích bé uống nhiều nước hơn. Tuy nhiên, trong mùa lạnh, mẹ nên cho bé uống nước ấm. Mỗi ngày bé cần uống khoảng 1,5 lít nước ấm và nên uống ngay khi họng hơi khô không nên đợi khát mới uống.


Nguồn: SKĐS