Một trong những tin tức lớn nhất để thúc đẩy thị trường vàng vào tuần tới sẽ là Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới trở thành trung tâm mới cho sự bùng phát Covid-19, vượt qua Trung Quốc và Ý với tổng số người bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó là quyết định thực hiện chương trình mua trái phiếu không giới hạn của Cục dự trữ Liên bang Mỹ nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống lại Covid-19. Dù có điều chỉnh giảm vào giữa tuần nhưng giá vàng vẫn kết thúc tuần ở vùng giá cao 1.626 USD/ounce và thiết lập tuần tăng tốt nhất thập kỉ.
Trong khi đó, giá vàng trong nước bình ổn hơn, tiệm cận mốc 48 triệu đồng. Từ tuần trước, diễn biến của giá vàng trong nước đã khá lệch so với thị trường toàn cầu khi giá vàng ngoại giảm sâu còn giá vàng nội thì chỉ giảm nhỏ giọt. Sang tuần này, giá vàng trong nước cũng tăng nhưng với biên độ thấp hơn nhiều giá vàng thế giới.
Tỷ giá USD/VND tuần qua tăng mạnh đầu tuần sau đó giảm nhiệt. Cuối tuần, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá trung tâm và thị trường tự do tương đối ổn định. Vietcombank niêm yết 23.510 – 23.700 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi cả 2 chiều mua bán. ACB niêm yết 23.530 - 23.700 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng cả 2 chiều mua bán.
VN-Index chốt phiên cuối tuần qua tăng nhẹ 0,27%, lên mức 696,06 điểm. Tuy vậy, nếu tính trong 2 tháng qua, VN-Index đã mất gần 300 điểm. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại tính từ đầu tháng 2 đến nay cũng lên tới gần 30.000 tỷ đồng. Tăng trưởng GDP quý I/2020 của Việt Nam chỉ đạt mức 3,82%, thấp nhất trong 10 năm. Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của các DN giảm sút. TTCK đã đi trước và phản ánh được diễn biến vĩ mô thông qua quá trình điều chỉnh của chỉ số VN-Index thời gian qua. Do đó, các chuyên gia đánh giá kể cả các phiên hồi phục cuối tuần vừa qua vẫn chưa thể nói rằng quá chình tạo đáy đã kết thúc. Thị trường có thể điều chỉnh về vùng 600 - 650 điểm trong tuần giao dịch tiếp theo.