Vào thế 'nhập khẩu' lạm phát

PHÓNG VIÊN: - Ông nhìn nhận ra sao về những tác động của giá cả hàng hóa thế giới đến Việt Nam những tháng đầu năm?

Ông CẤN VĂN LỰC: - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ đầu năm đến hết tháng 4, giá năng lượng toàn cầu tăng 30% so với đầu năm, giá hàng hóa khác tăng 16%. Việt Nam là nước nhập khẩu nên không tránh khỏi tác động.

Trong 4 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,27% so với đầu năm và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020, CPI bình quân tăng 0,89%. Trong 4 tháng, lạm phát cơ bản bình quân chỉ tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2020.

Thực ra CPI của 4 tháng chưa tăng mạnh là sức cầu còn yếu và yếu tố vòng quay tiền. Như vậy, lạm phát do yếu tố giá cả là chủ yếu, còn do yếu tố tiền tệ khá khiêm tốn, ít nhất là tính đến thời điểm hiện nay.

Lạm phát tăng do yếu tố giá cả có thể nhìn thấy ở chi phí logistics. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN và gấp 1,3-1,5 lần trung bình thế giới; trong khi tỷ trọng chi phí logistics trong giá thành sản phẩm cao (chiếm đến 30-35% của nhiều ngành hàng), đã tác động đến tăng giá hàng hóa và lạm phát của Việt Nam.

Thí dụ, nếu giá gạo hoặc lương thực xuất khẩu tăng 10% so với năm 2020 do chi phí logistics tăng thì giá gạo trong nước cũng tăng theo (thậm chí tăng cao hơn, khoảng 12-15%), tác động làm CPI chung tăng 0,4-0,5 điểm phần trăm.

- Như ông nói lạm phát do yếu tố tiền tệ còn khá khiêm tốn. Song “tiền rẻ” dường như đang mang đến những rủi ro khó lường, bằng chứng là các cơn sốt đất vừa qua cũng như sự bùng nổ về thanh khoản trên thị trường chứng khoán, thưa ông?

- Trong vấn đề tiền tệ, tôi cho rằng có những rủi ro tiềm ẩn và phức tạp bởi 2 lý do chính. Thứ nhất, cung tiền tăng vừa phải nhưng nếu hiệu quả sử dụng vốn thấp, sẽ tạo áp lực dài hạn lên lạm phát, nhất là trong bối cảnh quy mô lượng cung tiền (M2) so với GDP của Việt Nam với các nước là tương đối lớn (ở mức 138% GDP, cao hơn bình quân khu vực ASEAN), quy mô tín dụng Việt Nam cuối năm 2019 tương đương 138% GDP (so với bình quân ASEAN-9 là 86% GDP).

Trong khi đó, hệ số ICOR Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ở mức 6,13 lần, cao hơn nhiều so với khu vực và tiêu chuẩn WB đối với nước đang phát triển (ICOR chỉ 3-4 lần).

Thứ hai, vòng quay tiền chậm lại trong nền kinh tế thực nhưng “tiền rẻ” lại đang chảy vào bất động sản, chứng khoán, tiền kỹ thuật số… và trở thành một trong những nguyên nhân gây ra cơn sốt, tăng nóng của các thị trường này thời gian qua.

Với thị trường bất động sản, giá bất động sản Việt Nam năm 2020 tăng 20-36% so với năm 2019 - cao hơn so với mức tăng trung bình của thế giới (5,6%). Giá đất nền có hiện tượng sốt nóng tại nhiều địa phương có thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng mới hay sân bay, cầu cảng…

Cơ quan quản lý đã nhận diện và có các biện pháp kiềm chế mạnh nên cơn sốt bất động sản đã tạm lắng xuống.

Với thị trường chứng khoán, giá chứng khoán tăng mạnh từ đầu năm đến nay là do dòng vốn rẻ từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, từ lãi suất cho vay thấp; vai trò hàn thử biểu nền kinh tế của thị trường chứng khoán đang bị lung lay khi mà mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán với nền kinh tế thực trở nên lỏng lẻo; tâm lý bầy đàn và đòn bẩy tài chính luôn hiện hữu, nhất là đối với thị trường chứng khoán Việt Nam…

Những yếu tố này thiếu tính bền vững và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái cảnh báo, kiểm soát dòng tiền mạnh hơn trong thời gian gần đây.

Ảnh minh họa.

- Vậy theo ông đâu là những yếu tố giảm áp lực lạm phát?

- Theo tôi, đầu tiên là nền tảng vĩ mô, tỷ giá cơ bản ổn định. Đến thời điểm hiện nay, các cân đối lớn của Việt Nam (nợ công, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại...) ở trạng thái tốt hơn so với giai đoạn trước, cộng với đà kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 5 năm qua; quan hệ cung - cầu ngoại tệ khá ổn, thị trường vàng được kiểm soát tốt hơn…

Tất cả những yếu tố này cộng với chính sách điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt, chủ động đã và đang giúp tỷ giá cơ bản ổn định.

Thứ hai là sự phối hợp chính sách giữa tiền tệ, tài khóa và giá cả ngày càng nhịp nhàng hơn, thể hiện qua việc phát hành trái phiếu chính phủ thời gian qua. Thứ ba, cơ cấu rổ hàng hóa tính CPI ngày càng tiệm cận quốc tế (xu hướng giảm tỷ trọng nhóm hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm) giúp mặt bằng lạm phát dài hạn ổn định hơn (sau giai đoạn lạm phát cao 2008-2011) và hầu như không xảy ra cú sốc giá đột biến giá. Thứ tư là sức cầu còn yếu và vòng quay tiền còn chậm.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát tăng cao trong năm nay vẫn rất lớn. Do vậy, tôi cho rằng cần tiếp tục nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao; tiếp tục các biện pháp chấn chỉnh hiện tượng sốt giá bất động sản đất nền vì đây là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý đầu tư, thị trường…

Nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa; gắn quan điểm điều hành, kiểm soát lạm phát với yêu cầu phục hồi, tăng trưởng kinh tế cả ngắn hạn và trung - dài hạn để ứng xử phù hợp, không thái quá; chú trọng thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ và tăng cường phối hợp liều lượng, thời điểm điều tiết thị trường, nhất là thị trường trái phiếu; tiếp tục lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm áp lực cho vốn tín dụng, đa dạng hóa kênh huy động, phân phối vốn trong nền kinh tế…

Tuy vậy, cần quan tâm đến vấn đề rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu, từ đó có đánh giá tác động và giải pháp phù hợp đối với Việt Nam.

Một điều nữa là chúng ta phát triển kinh tế số, các kênh phân phối điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt vừa hỗ trợ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng cường phân phối hàng hóa kịp thời, giảm áp lực lạm phát vừa tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế.

Nguồn SGĐT