Đã 5 tháng trôi qua kể từ khi thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, nhưng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vẫn chưa mua lại được đồng vốn đầu tư ngoài ngành nào của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Nghị quyết 15/NQ-CP giao SCIC mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi đã thực hiện các biện pháp thoái vốn.
Hiện SCIC đã có văn bản gửi 12 doanh nghiệp gồm, PVN, Viettel, EVN, VNPT, Satra (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn), Vinacomin, Vinalines, Vinatex, Vinafood 1, Vinafood 2, CNS (Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn), VRG (Tập đoàn Công nghiệp cao su) và cũng đã nhận được thông tin cụ thể liên quan tới việc 12 đơn vị này đã, đang đầu tư vào ngân hàng nào, công ty bảo hiểm nào, giá trị sổ sách bao nhiêu, trích lập dự phòng rủi ro thế nào.
SCIC cũng đã làm việc trực tiếp với VNPT, Satra, Vinalines… về vấn đề mua lại số vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, đồng thời thực hiện thẩm định sơ bộ hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của ABBank (EVN đầu tư); Maritime Bank và Tienphong Bank (VNPT đầu tư)…, nhưng đến nay, việc mua bán vốn đầu tư ngoài ngành vẫn chưa thực hiện được thương vụ nào.
Theo ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, nguyên nhân chưa thực hiện được thương vụ mua bán vốn đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán của tập đoàn, tổng công ty nào là do, theo Nghị quyết 15/NQ-CP, việc thoái vốn tại công ty đầu tư tài chính, ngân hàng, ngoài SCIC đảm nhận, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng được quyền mua lại, hoặc chuyển giao phần vốn này về Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, những đơn vị “lỡ” đầu tư đang “đứng giữa ngã ba đường”, không biết bán cho ai để có lợi nhất.
Cũng theo Nghị quyết 15/NQ-CP, giá SCIC mua được xác định theo giá thị trường, nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giảm giá đầu tư đã được trích lập. Tại thời điểm chuyển nhượng khoản đầu tư cho SCIC, nếu đơn vị nào chưa trích lập, hoặc trích lập chưa đủ dự phòng, thì phải trích lập bổ sung đầy đủ. “Thời gian để bán khoản vốn này cho SCIC vẫn còn hơn một năm nữa, nên nhiều đơn vị có ý chờ đợi thị trường khởi sắc mới bán để giảm lỗ, hoặc giảm số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro cũng là nguyên nhân khiến việc mua bán chưa được thực hiện. Ngoài ra, nhiều đơn vị hy vọng, thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ tung vốn để mua lại ngân hàng nhỏ, nhờ đó, họ sẽ bán được khoản đầu tư tài chính “hời” hơn so với bán cho SCIC”, ông Đạo nói.
Đối với cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết, theo ông Đạo, việc xác định khoản dự phòng rủi ro rất đơn giản. Ví dụ, trước đây, đơn vị nào đó mua cổ phiếu ngân hàng với giá 12.000 đồng, giờ giá giao dịch trên sàn chứng khoán chỉ còn 7.000 đồng, thì phải trích lập dự phòng rủi ro mỗi cổ phiếu là 5.000 đồng. Nhưng với ngân hàng chưa niêm yết như ABBank chẳng hạn, hiện tại EVN đang nắm giữ trên 16% vốn, rất muốn bán, SCIC cũng rất muốn mua, nhưng lại vướng phải xác định khoản dự phòng rủi ro do Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Còn đối với SCIC, ông Đạo thừa nhận, thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP, không có nghĩa là SCIC có nghĩa vụ mua lại toàn bộ khoản đầu tư vào ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty, mà với tư cách là định chế đầu tư tài chính của Chính phủ, trước khi quyết định mua lại khoản vốn nào, SCIC phải nghiên cứu rất kỹ xem ngân hàng mà SCIC định “thế chân” tập đoàn, tổng công ty hoạt động ra sao, sức khỏe có tốt không, hoạt động hiệu quả đến đâu, tình hình tài chính thế nào…
“Mặc dù vậy, khi tiếp quản vốn tại ngân hàng nào đó, chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm, vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước tương tự các doanh nghiệp mà SCIC đang làm đại diện chủ sở vốn nhà nước hiện nay. Cùng với ngân hàng, SCIC sẽ củng cố hoạt động, tổ chức, bộ máy, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và đến lúc nào đó, khi giá cổ phiếu ngân hàng tăng, chúng tôi sẽ bán cổ phần, thu hồi vốn cho Nhà nước. Liên quan đến nội dung này, chúng tôi đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính”, ông Đạo cho hay.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước mới thoái vốn đầu tư ngoài ngành được 800 tỷ đồng, nếu cộng cả khoản thoái vốn của Công ty TNHH một thành viên Tài chính Than - Khoáng sản (đang hoàn tất), thì tổng số vốn thoái vào khoảng 1.800 tỷ đồng. “Thoái vốn không phải cứ muốn là làm được, mà cần phải có thời gian. Nhưng kể từ quý III, quý IV năm nay trở đi, hoạt động thoái vốn nói chung, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nói riêng chắc chắn sẽ khởi sắc, bởi Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc này rất quyết liệt. Trong quá trình thực hiện, nếu doanh nghiệp nào gặp vướng mắc, trở ngại, Bộ Tài chính và các bộ, ngành sẽ xử lý ngay để tiến trình thoái vốn không bị chậm trễ”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.
“Chúng tôi sẽ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị quyết 15/NQ-CP. Sau khi các văn bản hướng dẫn được ban hành, cộng với thị trường tài chính đang có dấu hiệu khởi sắc, quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, tiến trình thoái vốn nói chung, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty sẽ hoàn thành đúng tiến độ”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trương Chí Trung hy vọng.
baodautu.vn
{fcomment}
-
Kỳ vọng thông điệp phục hồi
-
Cơ hội nào cho tân binh NDF trên HNX?
-
Vụ lừa đảo gây chấn động thị trường vàng toàn cầu
-
TP. HCM: Hạ tầng mở lối cho thị trường bất động sản
-
Mẹ buộc con vào người rồi nhảy cầu tự tử
-
REID HOFFMAN: “Không mạo hiểm, không thành công”
-
Phiên chiều 29/8: Bùng nổ!
-
Khẩn trương xác nhận thông tin “chạy” sổ đỏ tại Khu đô thị Mễ Trì Thượng
-
Giá Bitcoin hôm nay 28/7: Đảo chiều tăng dựng đứng
-
Thừa Thiên Huế đầu tư hơn 330 tỷ đồng xây dựng 3 khu tái định cư